Những con số khổng lồ đáng sợ về chiến sự tại Afghanistan

Chủ nhật, 22/08/2021 08:54

Sau 20 năm đưa quân tới Afghanistan và hỗ trợ 2.000 tỷ USD cho nước này, Taliban đã biến công sức của Mỹ thành công cốc.

Binh sĩ Afghanistan (trái) và lính Mỹ phối hợp tấn công Taliban năm 2013.  Ảnh: NYTimes

Các thống kê cho thấy, chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, tiêu tốn hàng tỷ USD và gây ra nhiều thiệt hại nặng nề khác.

Trong bài viết mới đây, hãng tin AFP chỉ ra rằng, Washington đã tiêu 83 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội Afghanistan theo kiểu Mỹ.  Nghĩa là đội quân này phụ thuộc rất lớn vào sự yểm trợ của không quân và mạng lưới thông tin liên lạc công nghệ cao, bất chấp thực tế là chỉ có 30% dân số nước này có nguồn điện ổn định. Mỹ cũng không tiếc tiền trang bị cho quân đội Afghanistan máy bay, trực thăng, thiết bị bay không người lái, xe bọc thép, kính quan sát trong đêm…

 20 năm chiến tranh, huấn luyện 300.000 binh sĩ

Năm 2001, Mỹ chính thức phát động can thiệp ở Afghanistan. Chiến dịch Tự do Bền vững bắt đầu vào ngày 7-10-2001, như một phần trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống George W. Bush sau vụ tấn công 11-9.

Cuộc chiến này chính thức kết thúc vào năm 2014. Vào 28-12-2014, giới chức quân đội Mỹ và NATO tổ chức một buổi lễ tại trụ sở chính của họ ở thủ đô Kabul để đánh dấu sự kiện này. Kể từ đó, quân đội nước ngoài đã hỗ trợ công tác huấn luyện và đào tạo cho lực lượng an ninh ở Afghanistan. Trong thời gian này, Mỹ giúp Afghanistan huấn luyện 300.000 binh sĩ. "Chúng tôi đã huấn luyện và trang bị cho lực lượng quân đội Afghanistan với khoảng 300.000 người, một lực lượng có quy mô lớn hơn quân đội của nhiều đồng minh NATO của chúng tôi", ông Biden nói trong một bài phát biểu vào ngày 16-8.

Đây cũng là cuộc chiến mà Mỹ có thời gian hiện diện quân sự lâu nhất ở nước ngoài. Cuộc chiến hao người tốn của này trải dài qua 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Kể từ tháng 10-2001, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đến 800.000 quân nhân Mỹ đã phục vụ cho cuộc chiến tại Afghanistan.Trong cuộc chiến này, ngoài lực lượng của quân đội Mỹ, 51 quốc gia bao gồm NATO và đồng minh cũng tham chiến tại Afghanistan. 5.200 binh sĩ quân đội Mỹ vẫn ở Kabul tính đến 19-8, theo một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc. Cuối tuần trước, chính quyền ông Biden cho biết họ sẽ gửi thêm binh sĩ đến Afghanistan để giúp sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ và đảm bảo một cuộc rút quân an toàn khỏi nước này.

Nhiều binh sĩ Afghanistan và Mỹ thiệt mạng sau các cuộc giao tranh với Taliban.

165.000 người thiệt mạng

Về thiệt hại nhân mạng, trong 20 năm qua, hơn 4.200 công dân Mỹ, trong đó bao gồm các quân nhân và thường dân cộng tác với quân đội Mỹ, thiệt mạng tại Afghanistan.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến tháng 8, có 2.352 lính Mỹ đã hy sinh trên chiến trường Afghanistan. Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt của Mỹ về Tái thiết Afghanistan, hay SIGAR, đã đưa ra con số cao hơn một chút với 2.443 người chết.

Nhìn rộng ra hơn, 20 năm chiến tranh tại quốc gia Nam Á này là một thảm họa nhân đạo: 165.000 người thiệt mạng, trong đó  47.245 thường dân Afghanistan, và hàng triệu người phải di dời chỗ ở và hàng chục ngàn người bỏ xứ ra đi.

Ngoài ra, 20.000 lính Mỹ đã bị thương trong chiến tranh, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Đại học Brown cho biết tính đến tháng 4, cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của 1.144 quân đồng minh, bao gồm cả từ các quốc gia thành viên NATO khác. Ở phía Afghanistan, 66.000 quân đội và cảnh sát quốc gia nước này thiệt mạng trong cuộc giao tranh, theo tính toán của "Dự án phí tổn chiến tranh" của Đại học Brown từ tháng 4.

Tiêu tốn hàng ngàn tỷ USD

“Đã đến lúc chấm dứt một cuộc chiến không có hồi kết”, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh điều này trong bài diễn văn hôm 14-4. Cho đến lúc đó, các phí tổn chiến tranh cùng với các khoản viện trợ nhân đạo tính tới nay lên tới gần 1.000 tỷ USD.

Và còn đó là mối lo về dòng người tị nạn. New York Times dẫn các nguồn tin cho biết, hơn 2,5 triệu người tị nạn Afghanistan đã tháo chạy khỏi đất nước do lo sợ Taliban. Theo Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR), con số thực có thể cao hơn nhiều. Tính đến tháng 7-2021, số người tị nạn Afghanistan đã đứng thứ hai trên thế giới, UNHCR cho biết. Iran và Pakistan đã tiếp nhận gần 90% người Afghanistan phải di tản. Cảnh tượng hỗn loạn hôm 16-8 lên đến đỉnh điểm khi hình ảnh những người dân ở Afghanistan cố gắng bám vào càng máy bay của quân đội Mỹ khi nó cất cánh, trong một nỗ lực tuyệt vọng để chạy trốn khỏi Taliban.

Khi xung đột quân sự ở một số khu vực của đất nước và hiện nay là sự thay đổi chế độ, hai nền kinh tế lớn nhất của EU là Pháp và Đức, đã nói về viễn cảnh đáng lo ngại: dòng người tị nạn sẽ tràn vào châu Âu đầy ám ảnh như năm 2015.

KHẢ ANH