Những đứa trẻ “ngắm” Trung thu

Thứ năm, 04/09/2014 08:33

(Cadn.com.vn) - Trung thu là dịp để trẻ em được vui vẻ, rước đèn ông sao năm cánh tươi màu. Nhưng cũng có những em bé phải sớm mưu sinh chật vật. Với các em, cá chép, đèn lồng chỉ là những cái nhìn thèm thuồng.

Nước da ngăm đen, gầy guộc, nếu ông trời không ban phát cho Nhung vào một gia đình có hộ khẩu tại trung tâm thành phố thì trông em chẳng khác những đứa trẻ chân đất chăn trâu ở đồng quê là mấy. Gặp Nhung trên những cung đường náo nhiệt của Đà thành, trời càng về khuya, bước chân em càng rảo nhanh, vì trên tay là thúng hàng còn đầy lắm, phải nửa đêm mới bán xong. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khấm khá nên Nhung phải bươn chải kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Mười tuổi đã bắt đầu bán rong, đến nay trong nghề cũng đã được hai năm. Gần Trung thu, công việc của Nhung không có gì thay đổi, hành trình bán hàng rong được lập trình sẵn: dạo quanh những hàng cà-phê, quán nhậu, lân la khắp chốn vỉa hè, chỉ có nơi nào bày biện ra tấm biển to tướng “Cấm bán hàng rong-hàng dạo” là không dây dưa vào.

Ánh mắt mơ huyền,  em hồi tưởng: “ Trung thu ư? Lúc nhỏ thì có nhưng giờ thì hết rồi anh à, phải kiếm tiền nữa chứ. Với em cứ đêm nào bán hết hàng, trời đừng làm mưa làm gió là Trung thu rồi”.

Dọc các quán xá ở Đà Nẵng, nhất là các tuyến đường ven biển, ven sông Hàn, không khó để bắt gặp những em bé như Nhung. Chúng đến từ nhiều tỉnh thành, có em theo bố mẹ, nhưng cũng có không ít em độc hành. Nhiều em đứng ngang vai của khách hàng mời mọc, người thương thì mua ủng hộ, kẻ ghét thì chau mày cau mặt vì bị làm phiền một cách “vô lý”. Một nhóm nam thanh nữ tú ì èo rằng “gần Trung thu rồi mà chúng mày không đi mua đồ chơi, quà bánh hay sao mà suốt ngày lẽo đẽo trên những cung đường   làm phiền hà người khác như thế này?”. Các em chỉ biết cười lấy lòng.

Nhung bảo: “Quà ư? Không có đâu, bố mẹ em làm gì có tiền mà mua quà cho em. Chắc những quầy hàng bán đồ Trung thu đắt lắm anh nhỉ? Mà em nghĩ thế này nhé, Trung thu được một đêm trăng vậy mà tiêu tốn hết bao nhiêu tiền, nào bánh trái, nào hàng quà, bằng tiền đi bán của em cả tháng trời chứ chả chơi. Em đứng ngoài nhìn vào cũng được rồi”.

 Trò chuyện với Nhung, đôi lúc em cũng tỏ ra rất thú vị, em bảo: “Em cố công lắm mà chưa mua được quyển “Cho một vé về tuổi thơ”, toàn vào nhà sách đọc nhờ”. Khi tôi hứa sẽ tặng em cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ấy, mắt em sáng rực lên.



Nhung và Bằng còn mãi lo phụ giúp bố mẹ mưu sinh.

Những “thương gia” tí hon

Hỏi ra mới biết Nhung mới 12 tuổi, nhưng sớm bươn chải, mưa gió và thói quen buôn bán nên nom già dặn lắm và tính toán lắm. “Bán một đêm thuận lợi, nhiều người mua thì lãi có ba mươi nghìn, có đêm về tay không. Vậy nên, chiếc bánh Trung thu mất mấy trăm nghìn em chẳng dám mơ. Thôi, em ăn cái bánh chưng to đùng chỉ có mười nghìn đồng mà cái bụng không kêu ca là được rồi”.

Nhung nhớ lại những mùa Trung Thu trước rồi khoe: “Em hơn hẳn mấy đứa khác, đêm Trung thu em đi bán khắp nơi, đâu cũng có người mua, có phải vì họ thương cảm chúng em không? Còn em, vừa bán hàng vừa được xem nhiều đội múa lân biểu diễn cũng vui đáo để”.

Có hoàn cảnh khấm khá hơn, gia đình cậu bé Bằng làm nghề biển. Mỗi chiều em cùng mẹ ra “chợ chạy” trên đường Nguyễn Tất Thành để bán những mớ cua, mẻ cá mà bố em cố công lắm mới bắt được. Không như những đứa trẻ khác, Bằng luôn quan niệm rằng gia đình mình không có điều kiện nên phải phụ giúp, đỡ đần một phần công việc cho bố mẹ. Với em, Trung thu cốt lõi chỉ là xem những đội múa lân, còn phá cỗ thì chưa bao giờ mơ tới. Em tâm sự: “Phải theo mẹ buôn cá bán tôm từ nhỏ nên em đã quen với cái nghề này. Vả lại, nếu em không giúp mẹ mà lang thang đi chơi khắp đó đây thì tội nghiệp cho mẹ em lắm”.

Những ánh mắt vô tư mà tôi gặp, những câu nói vô tư mà tôi nghe từ các em chỉ là một vài khắc họa trong Trung thu này. Vẫn biết ở những mái ấm gia đình, mái ấm tình thương, trung tâm trẻ mồ côi... rồi sẽ có các anh chị sinh viên, thanh niên, đoàn viên... đến tổ chức đêm hội Trăng rằm và tặng quà bánh, song dù còn một vài em chỉ có thể cảm nhận Trung thu qua cái nhìn, cuộc sống vẫn gợi những điều trăn trở.

Bùi Đức Tú