Những góc khuất hôn nhân (2)

Thứ ba, 18/10/2016 11:00

* BÀI CUỐI: LY HÔN VÀ HỘI CHỨNG “LƯỜI” LẬP GIA ĐÌNH

(Cadn.com.vn) - Chuyện vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt đưa nhau ra tòa không còn là chuyện hiếm trong xã hội ngày nay. Lại có những cặp vợ chồng vì con cái nên cố chấp nhận sống trong bầu không khí ngột ngạt, nặng nề. Họ biết hoặc cố tình không hay biết, chính những rạn nứt mà họ đang tìm cách che giấu đã để lại di chấn về mặt tinh thần cho con trẻ... Tình trạng các bạn trẻ ngày nay “lười” tiến tới hôn nhân do ngại sẽ vấp phải đau khổ do bi kịch hôn nhân mang lại ngày một nhiều...

Ly hôn - những con số báo động!

Còn nhớ, năm 2005, khi tìm hiểu để viết bài liên quan đến tình trạng ly hôn trên địa bàn Đà Nẵng, tôi được TAND TP cho biết, trong năm đó, toàn ngành thụ lý 1.171 vụ án hôn nhân gia đình và đã giải quyết 1.146 vụ. Phần lớn các vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, vợ (chồng) bị ngược đãi, hoặc một trong hai người ngoại tình. Hơn 10 năm sau, số vụ việc liên quan đến ly hôn trên địa bàn TP có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, trong năm 2015 (từ ngày 1-10-2014 đến 30-9-2015), tổng số vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình do TAND các quận, huyện thụ lý là 2.426. Trong đó, 1.273 vụ xin ly hôn xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, 126 vụ xin ly hôn liên quan đến bạo hành và ngược đãi, 51 vụ xin ly hôn liên quan đến nguyên nhân do rượu chè, cờ bạc; 114 vụ xin ly hôn xuất phát từ nguyên nhân ngoại tình... Năm 2016, con số này tiếp tục tăng với tổng số vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình được thụ lý sơ thẩm ở cấp quận, huyện là 3.123 vụ (14 vụ của năm 2015 chuyển sang). Trong đó, 1.831 vụ xin ly hôn xuất phát từ nguyên nhân mâu thuẫn gia đình, 50 vụ xin ly hôn liên quan đến bạo hành, 52 vụ xin ly hôn liên quan đến ngoại tình, 36 vụ xin ly hôn liên quan đến nghiện ngập, rượu chè cờ bạc...

Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê. Trên thực tế, qua tìm hiểu được biết, có không ít cặp vợ chồng vì không muốn bêu xấu nhau trước tòa, nên trước khi ly hôn họ đã thỏa thuận lý do không thể chung sống là do mâu thuẫn trong quan niệm sống hoặc không hợp nhau...

Chương trình “Bạn muốn hẹn hò”, nơi kết nối cho những đôi nam nữ tìm hiểu nhau.

Chương trình “Vợ chồng son”, nơi để cho những cặp vợ chồng trẻ có dịp giãi bày tâm sự.
(Ảnh có tính chất minh họa).

Hội chứng “lười” lập  gia đình

Dù chưa có số liệu thống kê chính thức về tình trạng này, nhưng thực tế cho thấy, số người không muốn hoặc muộn lập gia đình trong xã hội hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng. Ngoài lý do xuất phát từ quan niệm cuộc sống, còn có một nguyên do không nhỏ xuất phát từ di chấn tinh thần do gia đình mang lại...

Đơn cử như trường hợp của L. (đã đổi tên). Tôi quen L. trong một lần đi dự đám cưới một người bạn cách đây 5 năm. Lúc ấy, L. đã bước qua tuổi 35, vẫn còn độc thân. Nhìn L., khó ai nghĩ rằng cô chưa lập gia đình bởi xinh xắn lại ăn nói có duyên, giỏi giang. Đến lúc kết bạn, tôi mới biết L. bị “hội chứng sợ lập gia đình”. Cô cho biết, thời bé, cô thường xuyên chứng kiến cảnh cha mỗi lần  say xỉn về nhà chửi bới, tra tấn tinh thần vợ con. Những cơn say không có hồi dứt của cha khiến cô “thề độc” rằng, lớn lên sẽ không lập gia đình. Đến tuổi trưởng thành, cô cũng yêu. Nhưng mối tình đầu đó không thành, thế là cô khóa chặt trái tim, mặc dù vẫn được khá nhiều người săn đón. Thấy cô nhất quyết không chịu lập gia đình, cha mẹ nổi đóa la mắng, lại thêm bị anh chị, bạn bè gán cái tội “kén cá, chọn canh”, cô quyết định bỏ vào TPHCM lập nghiệp.

Ở vùng đất mới này, nơi quan niệm hôn nhân gia đình không quá nặng nề như ở miền Trung, càng khiến cô đâm ra “lười” yêu, “lười” tiến tới hôn nhân lúc nào cũng không rõ. Hôm rồi L. về Đà Nẵng thăm gia đình, í ới gọi tôi đi cà-phê, tôi góp ý gần xa: “Gần 40 rồi đó, kiếm người lấy chồng đi” thì L. cảnh cáo: “Thôi nghe! Về nhà nghe ba mẹ la chưa đủ sao?”. Rồi L. bảo: “Hôn nhân như trò chơi xổ số, sợ vấp phải người đàn ông nát rượu như ba em ngày nào thì...”. L. khoe, ở TPHCM, cô cùng một nhóm bạn thành lập hội độc thân. Họ thường gặp nhau vào dịp cuối tuần, cùng đi chơi hoặc đi làm từ thiện. “Không biết tương lai ra sao, nhưng hiện giờ, em thấy rất tự do, thoải mái!” - L. kết thúc vấn đề bằng sự hài lòng đó.

Không giống L., tuổi thơ K. thiếu vắng bàn tay người cha do ông qua đời từ sớm. Sống trong sự bao bọc tảo tần của mẹ, lớn lên, sau vài lần yêu không thành, K. quyết định ở vậy. Tuy không nói ra, nhưng mẹ cô rất buồn. Mỗi lần thấy tôi đến chơi, bà lại trách: “Sao con không khuyên nó lập gia đình? Lỡ bác mất, lấy ai bầu bạn với nó?”. Ngoài giờ làm việc, K. thường đi làm từ thiện cùng với nhà chùa. Qua nhiều lần tâm sự, tôi hay rằng, sở dĩ cô không chịu tiến tới hôn nhân là bởi bạn bè thân của mình không được hạnh phúc trong hôn nhân, nên sợ cũng thế!

Cô D. đã nghỉ hưu, sống độc thân, lấy công tác làm từ thiện làm nguồn vui, lẽ sống  từng tâm sự với tôi rằng: “Mọi sự lựa chọn đều có cái giá của nó. Lựa chọn sống một mình thì được tự do, nhưng phải chấp nhận giá của sự cô đơn cùng những dị nghị. Lập gia đình thì phải chấp nhận sự may rủi trong hôn nhân”.

Phải chăng từ hội chứng “lười” yêu, “lười” lập gia đình của một bộ phận không nhỏ thanh niên ngày nay mà vài năm trở lại đây, một đài truyền hình ở TPHCM đã thiết lập các chương trình liên quan đến hôn nhân và gia đình? Điển hình như chương trình “Bạn muốn hẹn hò”, “Vợ chồng son”. Nếu như sân chơi “Bạn muốn hẹn hò” giúp cho những bạn trẻ vì lý do nào đó chưa có cơ hội yêu được gặp gỡ, làm quen kết bạn nhau (trong số đó có nhiều cặp đã tiến tới hôn nhân), thì ở sân chơi “Vợ chồng son”, những cặp vợ chồng kết hôn từ 5 năm trở lại đã có cơ hội giãi bày những khúc mắc, bi hài trong cuộc sống sau hôn nhân. Đồng thời họ được 2 MC là NSND Hồng Vân, NS Quốc Thuận chân thành góp ý, chia sẻ quan niệm về tình yêu, hôn nhân gia đình cũng như cách cư xử sao cho cuộc sống vợ chồng được ấm êm...

Khánh Yên