Những hạn chế thỏa thuận hạt nhân Iran
(Cadn.com.vn) – 18 tháng, với biết bao cuộc đàm phán, Iran và P5+1 cuối cùng cũng có một thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, một thực tế cần phải nhìn nhận: thỏa thuận chặt chẽ và chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran không phải là viên đạn ma thuật sẽ kết thúc căng thẳng giữa Iran và phương Tây. Quan hệ sẽ vẫn căng thẳng và đối đầu trên một số vấn đề an ninh khu vực.
Chính quyền Obama có thể hy vọng, một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ dẫn đến một cái gì đó lớn hơn và sáng sủa hơn, có thể là một hệ thống chính trị ôn hòa của Iran hay khởi đầu của một sự xích lại gần nhau giữa hai bên. Tuy nhiên, điều này là không thể. Một thỏa thuận toàn diện đầu tiên là chiến thắng lớn cho cả hai bên và có khả năng làm chậm sự phát triển của các chương trình hạt nhân của một số quốc gia Arab Sunni, nhưng Iran và phương Tây vẫn còn nhiều đối nghịch về một số vấn đề quan trọng.
Tại Lebanon, và Iraq, Mỹ và các đối tác Châu Âu đang theo đuổi các chính sách mâu thuẫn trực tiếp với Tehran. Sự khác biệt rõ ràng nhất là về vấn đề khủng bố. Đối với phương Tây, Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon là các tổ chức khủng bố chống Do Thái bạo lực tìm cách phá hoại gây bất ổn. Tuy nhiên, đây lại là những đối tác quan trọng đối với Tehran.
Tình hình ở Syria là một trường hợp khác. Liên minh Quốc gia ước tính, Iran cung cấp cho Tổng thống Bashar al-Assad hàng tỷ USD để đảm bảo rằng quân đội và lực lượng ủng hộ chính phủ có vũ khí, nhiên liệu và các nguồn lực cần thiết để duy trì cuộc chiến chống phe nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn. Điều này cho thấy Tehran và Washington, Paris và London không thể hòa giải tại thời điểm này.
Cuối cùng, có những mâu thuẫn sâu sắc giữa Iran và phương Tây về Israel. Đại giáo chủ Ayatollah Khamenei, vị tướng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, sẽ vẫn kiên quyết chống đối bất cứ điều gì mà người Israel làm trong khu vực, bất kể có hay không một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng được ký kết vào ngày 30-6. Trong những ngày cuối cùng của các cuộc đàm phán hạt nhân, chỉ huy hàng đầu của lực lượng dân quân Basij, Mohammad Reza Naqdi, lớn tiếng tuyên bố, tiêu diệt Israel là "không thể thương lượng" đối với chính quyền Iran. Nhìn chung, ông Khamenei là trọng tài cuối cùng của mọi chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, có nghĩa là mọi hy vọng về một sự tiến bộ trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây cần phải phụ thuộc vào ông.
Thỏa thuận hạt nhân Iran - nếu được hoàn thành vào "trận chung kết" 30-6- sẽ là cột mốc lịch sử trong quan hệ giữa Iran, Mỹ và các cường quốc Châu Âu. Tuy nhiên, những vấn đề chia rẽ Iran và phương Tây sẽ không thể được giải quyết một cách kỳ diệu trong những tháng tới hoặc thậm chí là trong nhiều năm tới.
An Bình
(Theo Diplomat)