Những lỗ hổng nơi “miền đất vàng” (Kỳ cuối: Siết chặt quản lý)
Phước Sơn được xem là địa phương có các Cty lẫn các điểm làm vàng trái phép nhiều nhất Quảng Nam. Đánh giá về tình hình hoạt động của các Cty khai thác vàng tại địa phương mình, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho rằng: “Qua các chuyến thực tế kiểm tra hoạt động khai thác vàng của các Cty, tôi nhận thấy còn rất nhiều tồn tại, thiếu sót. Cụ thể, quy trình sản xuất vàng và xử lý chất thải nguy hại chưa đảm bảo các điều kiện về môi trường. Các bể xử lý, bể lắng rất thô sơ không đúng theo các tiêu chuẩn về môi trường trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã cam kết. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã hết thời hạn thuê đất nhưng hiện vẫn còn hoạt động thăm dò kéo dài gây thất thu tiền thuế cũng như thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản”. Trước vấn đề này, ông Hà đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần xem xét, kiểm tra kỹ các quy trình đảm bảo môi trường trước khi cho phép các đơn vị hoạt động; đề nghị Sở TN&MT kiểm tra, nghiệm thu các công trình đúng như báo cáo ĐTM đã được phê duyệt...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng đoàn kiểm tra thực tế tại các mỏ vàng trên địa bàn H. Phước Sơn. |
Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, để quản lý, giảm thiểu những tác động tiêu cực nêu trên, đối với những đơn vị có đủ năng lực tài chính, thực hiện đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường, cơ quan nhà nước cần cấp phép khai thác, chế biến cho các đơn vị để có cơ chế quản lý. Đồng thời thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 105/TB-UBND ngày 28-3-2019: Đối với các đơn vị gia hạn và cấp mới giấy phép khai thác vàng tuyệt đối không được sử dụng công nghệ ngâm chiết bằng hóa chất cyanua theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Các doanh nghiệp hiện nay đang được cấp phép sử dụng cyanua chỉ được xem xét gia hạn với điều kiện thay đổi công nghệ không sử dụng cyanua. Đồng thời giao các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện các đơn vị không chấp hành thực hiện đúng quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường thì phải đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.
Thượng tá Hồ Song Ân - Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam khẳng định, các doanh nghiệp triển khai công tác bảo vệ môi trường rất chậm, mang tính đối phó. Thậm chí có nhiều đơn vị đang hoạt động vẫn chưa có giấy phép xả thải và công nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. “Kiểm tra cho thấy vẫn có chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất như xái quặng để tràn lan, hệ thống xử lý chất thải làm tạm bợ dễ trôi xuống sông, suối. Doanh nghiệp thăm dò lén lút khai thác khoáng sản xảy ra và lực lượng công an từng xử lý”- Thượng tá Hồ Song Ân nói.
Mới đây, trong chuyến công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản vàng của các Cty trên địa bàn H. Phước Sơn, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: Qua kiểm tra hoạt động khai thác vàng của các Cty khai khác vàng cho thấy còn rất nhiều tồn tại trong quá trình hoạt động, nhất là công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khai thác vàng vẫn đang sử dụng cyanua để tuyển lọc. Trong khi đó, các hệ thống thu gom xử lý rất tạm bợ, máy móc rỉ sét không đúng tiêu chuẩn về môi trường. Chưa đơn vị nào được cấp phép xác nhận hoàn thành các công trình BVMT nhưng vẫn đi vào hoạt động. “Ghi nhận thực tế cho thấy cả đoạn sông gần 7km nước đục trắng xóa, mắt thường cũng có thể nhận biết dấu hiệu bất thường. Qua đây, tôi yêu cầu các Cty phải có phương án BVMT, xử lý đảm bảo đúng theo quy định ĐTM. Đặc biệt, việc xả cyanua ra môi trường phải được kiểm soát chặt chẽ. Đề nghị Sở TM&MT tỉnh kiểm tra lại quy trình đối với các doanh nghiệp trong việc sử dụng cyanua, nếu không đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn an toàn thì yêu cầu điều chỉnh đổi mới công nghệ không sử dụng cyanua, tuần hoàn khép kín thì càng tốt. Sau chuyến kiểm tra này, đề nghị Sở TN&MT kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết phải đề xuất dừng hoạt động, khi nào hoàn thành công tác BVMT theo đúng ĐTM được duyệt, vận hành đảm bảo mới cho phép hoạt động. Đối với những Cty đang trong quá trình thăm dò nhưng vẫn lén lút khai thác gây ô nhiễm môi trường, tôi đề nghị thu hồi, chấm dứt dự án. Về lâu dài, tỉnh sẽ không cấp giấy phép sử dụng chất độc này trong tận thu vàng”- ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều hố chứa chất thải sơ xài chảy ra môi trường sông suối gây ô nhiễm. |
Được biết, Sở Công thương là đơn vị được giao quản lý hoạt động mua bán, cấp phép sử dụng hóa chất nguy hại cyanua, tuy nhiên cơ quan này rất lúng túng trong việc quản lý. Luật Hóa chất quy định các điều kiện hết sức nghiêm ngặt khi muốn sử dụng cyanua, nhưng dường như mặt hàng này đã được giao dịch, mua bán trá hình ở các bãi vàng, dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng. Trước tình hình trên, cuối năm 2018, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị: Đối với những đơn vị khai thác vàng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm bảo vệ môi trường nhiều lần gây bức xúc trong nhân dân thì cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi giấy phép, nếu nghiêm trọng đề xuất xử lý hình sự.
Riêng đối với các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, ông Lê Trí Thanh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về siết chặt quản lý; tiếp tục tăng cường truy quét, đẩy đuổi các đối tượng để lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh. “Nâng cao vai trò quản lý địa bàn của các địa phương là hết sức quan trọng; cần có giải pháp giám sát, lấy thông tin từ nhân dân và khi phát hiện có đối tượng trái phép phải lập tức xử lý ngay, không để tình trạng kéo dài gây ra nhiều hậu quả về tài nguyên, môi trường và tính mạng con người”- ông Thanh nói.
BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG