Những mối nguy cho an ninh thế giới

Thứ sáu, 09/12/2016 11:17

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh thế giới đa cực như hiện nay, thế giới phải đương đầu với nhiều mối nguy hiểm rình rập, trong đó 3 mối đe dọa được xem là tiềm ẩn và nguy cơ nhất.

Tội phạm mạng

Mới đây, các thành viên thuộc Ủy ban 11-9 của Quốc hội Mỹ cảnh báo về cuộc tấn công phối hợp có thể xảy ra, tương tự vụ 11-9-2001. Nhưng theo giới chuyên gia an ninh, nước Mỹ và cả thế giới đang đối mặt mối đe dọa khác nguy hiểm hơn: tội phạm mạng.

Hồi đầu năm nay, một hãng bảo mật phát hiện hơn 300 triệu thẻ tín dụng bị đánh cắp trên trang mạng tại một thị trường chợ đen. Tháng 4-2016, Cty bảo mật Codenomicon phát hiện ra lỗ hổng Heartbleed, các mã SSL bị lỗi suốt 2 năm mà không bị phát hiện, buộc các hãng Internet phải thay đổi thông tin hàng triệu mật khẩu. Tờ Men Heath dẫn số liệu thống kê của Cục Thống kê Tư pháp Mỹ (BJS) cho biết, tội phạm mạng đang có nguy cơ phủ sóng toàn cầu. Riêng tại Mỹ năm 2012, có khoảng 16,6 triệu người là nạn nhân của loại tội phạm này, đặc biệt là hành vi trộm cắp danh tính, thiệt hại lên đến 24,7 tỷ USD.

Đó mới chỉ là hành vi trộm cắp danh tính, chưa kể đánh cắp tài khoản và các dạng tội phạm lừa đảo ngân hàng khác. Tệ hơn, tội phạm mạng thường mang tính "phi quốc tịch", các tin tặc hoạt động không biên giới nên rất khó theo dõi, kết tội.

Vụ đánh bom tại Marathon Boston 2013 do khủng bố nội địa gây ra. Ảnh: DM

Chiến tranh giữa các đô thị lớn

 Gần đây, người ta đặc biệt quan tâm đến vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học (gọi chung là WMD), coi đây là thứ vũ khí hủy diệt con người trong tương lai. Nhiều câu chuyện đã phóng đại mối nguy hiểm của WMD nhưng thực tế việc sản xuất vũ khí WMD không đơn giản như nhiều người tưởng. Chẳng hạn như nhóm IS rất khó có thể sản xuất được vũ khí này, mặc dù chúng cướp được rất nhiều nguyên liệu thô để sản xuất.

Trong ngắn hạn, theo giới chuyên gia, thế giới cần quan tâm tới mối nguy về chiến tranh giữa các thành phố lớn. Thế kỷ XXI chứng kiến sự xuất hiện của các thành phố thực sự lớn, dân số đã vượt quá sức tưởng tượng, thậm chí còn  lớn hơn cả một số nước nhỏ. Chẳng hạn như New York, Boston, Washington hoặc các thành phố lớn ở các nước đang phát triển như Lagos, Dhaka, và Mumbai. Ước tính, đến năm 2025 sẽ có khoảng 37 thành phố lớn trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Nơi dân đông, điều kiện sinh sống chật hẹp, khó khăn, nhiều người chia sẻ một lượng tài nguyên ít ỏi, sức người không đủ quản lý và hậu quả, có thể tạo ra những cuộc chiến ngầm ngay trong lòng các đô thị này.

Khủng bố nội địa

Ai cũng biết, vụ khủng bố 11-9-2001 là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và cả thế giới. Sau sự kiện này, Mỹ phải chi số tiền khổng lồ lên tới 75 tỷ USD mỗi năm cho công tác chống khủng bố, đặc biệt là chống chủ nghĩa khủng bố nước ngoài.

Tuy nhiên, theo số liệu của Quỹ Heritage (HF), các vụ khủng bố nước ngoài nhắm vào Mỹ có chiều hướng giảm và thay vào đó là những vụ khủng bố diễn ra ngay trong nước. Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) mới đây cho biết, nguy cơ khủng bố trong nước không được xếp ngang hàng với các mối đe dọa thánh chiến. Giới thực thi pháp luật Mỹ lại lo lắng nhất về cái gọi là "công dân có chủ quyền". Các "công dân có chủ quyền" đều thuộc các phong trào tương tự như thánh chiến, nhưng không được quản lý chặt chẽ. Hồi tháng 6-2016, một "công dân có chủ quyền" đã tiến hành vụ khủng bố, giết chết nhân viên kiểm soát giao thông xa lộ và một kiểm lâm ở Cục Quản lý đất đai Mỹ.

Báo cáo của DHS còn liệt kê hàng loạt các nhóm khủng bố nội địa như nhóm đầu trọc phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa phát xít mới, những kẻ núp danh dưới tổ chức bảo vệ quyền động vật và môi trường nhưng thực chất đều là những nhóm khủng bố trá hình.

Kim Hùng