Những năm tháng không quên ở nước Nga
(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 98 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7-11-2015), chúng tôi tìm gặp Đại tá Phạm Đới, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5. Hai lần học ở nước Nga từ Học viện Frunze đến Học viện Voroshilov với 6 năm "dùi mài kinh sử" đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc không thể nào phai về một nước Nga mến yêu.
Học viên Phạm Đới (thứ hai, trái qua) với các bạn cùng khóa |
Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam ở Học viện Frunze
Quê ở Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), mới 8 tuổi, cậu bé Phạm Đới đã tạm biệt cha mẹ, theo con em miền Nam tập kết ra Bắc. Là con trai duy nhất của cả nhà, ông nội bùi ngùi sợ lạc mất đứa cháu yêu nên đã khắc vào tay ông hai chữ "Phạm Đới" đến bây giờ vẫn còn. Ra Bắc, ông được học hết cấp 3 tại các trường học sinh miền Nam, rồi đi bộ đội, sau đó vào Nam chiến đấu từ Quảng Trị đến Quảng Nam, làm tiểu đoàn phó khi mới 26 tuổi. Bị thương ra Bắc điều trị, đến giữa năm 1974 thì ông được cử đi học ở Học viện Quân sự Frunze, Matxcơva.
Học viện Frunze là trường đào tạo sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành cấp trung đoàn của quân đội Liên Xô (cũ). Khuôn viên của trường nằm trên Quảng trường Lép Tônxtôi, đối diện với Đại sứ quán Việt Nam. 4 năm, ông đã chứng kiến 20 cán bộ quân sự Việt Nam trưởng thành từ mái trường này. Đại tá Phạm Đới nhớ lại: "Lớp chúng tôi ngày ấy có 5 người: Cộ, Tâm, Tuân, Tuấn và tôi. Sau này hầu hết các anh đều trở thành giảng viên các trường quân đội. Biết chúng tôi học tiếng Nga khó khăn, cô giáo cứ bảo cả bọn chiều xuống công viên chơi và nói chuyện với con nít, đánh cờ với người già. Nhờ vậy mà chúng tôi tiến bộ rất nhanh. Khó có thể nói hết tình cảm chân tình, quý mến của các bạn Nga dành cho chúng tôi. Nhớ nhất là ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, lúc đó tầm 16 giờ, lớp học đang nghiêm trang thì bà lao công già chạy bổ vào trong lớp và hét lớn: "Miền Nam giải phóng rồi các con ơi!". Đang giờ học mà có người chạy ào vào như thế thì đây là lần đầu tiên khiến Thiếu tướng An Đơ Rây, giáo viên đứng lớp của chúng tôi sững sờ. Nhưng ngay sau đó, ông và bà lao công ôm chầm lấy chúng tôi, mừng vui khôn xiết. Học viên các nước Triều Tiên, Mông Cổ, Cu Ba... cũng bế chúng tôi lên tung hô: "Miền Nam giải phóng rồi!". Chiều hôm đó, ký túc xá của chúng tôi chật kín người đến chia vui, tặng hoa. Các bạn Đức mang rất nhiều rượu đến để mọi người cùng uống. Tối, ra đường, các bà, các chị thấy chúng tôi là ôm hôn, chúc mừng không ngớt. Ấn tượng ấy chúng tôi nhớ mãi".
4 năm học ở đây, các học viên được đi thăm rất nhiều nơi trên đất nước Xô Viết. Quan trọng nhất là học đến đâu, thực hành đến đó. Các đơn vị pháo binh, xe tăng, không quân, hải quân, lớp học đều đã đến, có khi còn được đi tàu ngầm ở vịnh Ban-tích khi học bộ môn này. Phương pháp dạy học của trường đặc biệt nhấn mạnh bồi dưỡng cho học viên khả năng độc lập suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Do vậy, ai nấy phải "cày" liên tục, thường là đến 10 giờ đêm. Có ngày học đến 20 tiếng mới nắm bài kịp. Ví như dạy về thông tin, người học phải thuộc hết tính năng kỹ thuật của 155 cái máy vô tuyến điện của Mỹ, 118 cái máy vô tuyến điện của Nga. Các loại khí tài của các binh chủng khác cũng phải tường tận.
Năm cuối cùng 1978, học viên Phạm Đới và Nguyễn Văn Cộ được đi thực tập ở trung đoàn bộ binh cơ giới trên cương vị trung đoàn phó tham mưu trưởng. Với sự thân thiện, cởi mở, nhiệt tình giúp đỡ của bạn, một tháng ở đây, hai anh học rất nhiều điều. Những gì thầy giáo dạy về phong cách người chỉ huy từ tiếng hô, cách nói, dáng đi, đều thấy thể hiện rõ ràng ở những cán bộ trung đoàn được tiếp cận hàng ngày. Sau này khi qua lại Nga, ông Phạm Đới có đến thăm Học viện Frunze nhưng chỉ vào ký túc xá chứ không được vào khu giảng đường. Hỏi thăm bà lao công già đã từng chạy ào vào lớp báo tin miền Nam giải phóng thì được biết bà đã nghỉ hưu.
Đại tá Phạm Đới với hai bằng chứng nhận tốt nghiệp ở Học viện Frunze và Voroshilov. |
Uy danh học viên Trường Voroshilov
Về lại Việt Nam, giảng dạy ở Học viện Cao cấp quân sự (nay là Học viện Quốc phòng) cũng là lúc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, ông Đới trong đội hình Quân đoàn 14 lên đường chiến đấu. Làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, rồi làm bí thư kiêm phiên dịch cho Tư lệnh Quân đoàn là Đại tá Phạm Minh Tâm (sau này là Trung tướng, Phó Tổng Thanh tra Quân đội), ông có dịp gặp lại những người bạn Nga, trong đó có Thiếu tướng Gon Đin, cố vấn cho Tư lệnh.
Thiếu tướng Gon Đin là người giới thiệu Phạm Đới đi học ở Học viện Voroshilov.Trường mang tên vị nguyên soái tài ba của nước Nga và chuyên đào tạo cán bộ cấp tướng. Hai năm học ở trường ông có thật nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất là khi làm luận án tốt nghiệp "Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" có phương án tổ chức trinh sát pháo binh luồn sâu, các giáo viên Nga không hiểu bởi họ chưa từng đánh địch như thế. Khi đang loay hoay giải thích thì may quá, Đại tướng An Đơ Rô Bôp, Giám đốc Học viện đi ngang qua. Ông từng là cố vấn quân sự cho Bộ Quốc phòng và ở nước ta một thời gian nên biết rõ nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chứng kiến buổi tranh luận, ông đã giảng giải đến 15 phút cho giáo viên Nga hiểu và giúp cho anh học viên Phạm Đới được trọn 5 điểm (tối đa).
Năm 1989, Đại tá Phạm Đới về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Sư đoàn vừa hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia về với bao khó khăn chồng chất. Vận dụng những kiến thức đã học và tâm huyết của người cán bộ dày dạn trận mạc, ông đã góp phần quan trọng đưa Sư đoàn ổn định và vững mạnh. Cũng trong năm này, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có đoàn về kiểm tra toàn diện Sư đoàn, có các cố vấn Nga cùng đi. Một lần, thấy người phiên dịch nói không chính xác, Sư đoàn trưởng Phạm Đới đã điều chỉnh lại. Ông cố vấn hỏi vì sao biết tiếng Nga và học ở trường nào, khi nghe trả lời là từng học ở Học viện Voroshilov, ông cố vấn bảo không cần phải kiểm tra Sư đoàn trưởng nữa. Những ngày sau đó, cả hai trở thành những người bạn thân tình. Giờ nghỉ lại cùng uống rượu trắng nút lá chuối vùng An Khê mà ông cố vấn nói rằng ngon nhất trên đời...
Kể đến đây, Đại tá Phạm Đới bật cười. Hỏi có khi nào nhờ kiến thức học ở nước bạn mà lập công không, ông sôi nổi: "Còn hơn cả lập công. Đó là thoát chết". Nhớ khi chiến tranh biên giới phía Bắc giai đoạn quyết liệt, đang cùng chỉ huy Quân đoàn đi bộ dọc đường sắt ga Lạng Sơn, Đại tá Phạm Đới vội đẩy Tư lệnh Phạm Minh Tâm ngã xuống phía trước và ông ngã theo. Quay lại thấy đằng sau có mấy cán bộ ta thương vong. Khi nghe tiếng đề-pa của pháo 122 mm đến hai tai cùng lúc, tức là pháo đang ở cự ly 11 km và đạn sẽ rơi cách mình 15-20 mét, bài học thầy Nga dạy ở trường Frunze đã trở nên hữu ích...
Những câu chuyện về nước Nga, đặc biệt các học viện quân sự hàng đầu ở nước bạn như còn sôi động trong trái tim người lính Quân khu 5. Đại tá Phạm Đới nói rằng, ông biết ơn mãi mãi những năm tháng đó trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Hồng Vân