Những nghệ nhân cuối cùng của ca trù Cổ Đạm

Thứ sáu, 13/05/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Về Cổ Đạm, H. Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tìm gặp những “báu vật sống” đất ca trù nghe câu hát cũ của những bóng hồng đào nương một thuở, không hiểu sao mắt tôi cay cay một nỗi u hoài không định giải được. Các cụ ngồi đó, trên chiếc chõng tre, cất lên làn điệu hát đắm say tha thiết như thể “vận câu hát vào phận người mà ca”...

Đào nương già và câu hát cũ

Một ngày mới đây, anh Hồ Bách Khoa, Phó phòng Quản lý di sản Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh gọi điện cho tôi giọng hồ hởi: Cuối cùng thì tất cả các cụ còn lại ở làng ca trù Cổ Đạm đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian rồi. Hai cụ Phan Thị Mơn (89 tuổi), Phan Thị Nga (88 tuổi, đã qua đời) được công nhận Nghệ nhân cách đây hơn 3 năm, giờ công nhận thêm 3 cụ: Trần Thị Da (85 tuổi), Phan Thị Hằng (87 tuổi, em gái cụ Nga) và cụ Hà Thị Bình (85 tuổi).

Cận kề tuổi cửu tuần, bước chân thập thững, lưng còng và đôi mắt cũng đã nhòa dần, nhưng dường như niềm đam mê ca hát của các cụ không hề lụi tàn theo năm tháng. Nào là tì bà, vọng đại thạch, chúc hộ, bài bông... nào là nhịp ba cung bắc, rước, sắc bùa, trống quân, bắc phản... cứ thế vang lên. Những câu hát cũ (mượn lời thơ cụ Nguyễn Công Trứ) cụ Bình cất cao: Ngồi buồn mà trách ông xanh. Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười. Cụ Da nối tiếp: Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo... Không còn lảnh lót, không quá đỗi bi thương, giọng ca các đào nương vẫn ấm áp, thân thương nghe đến ấm lòng.

Các nghệ nhân trong một lần tập luyện - ảnh nhân vật cung cấp. 

Nơi đất quê nghèo, người quê khổ, sao tiếng hát thoát ra từ lồng ngực già nua ấy vẫn vẹn tròn thanh sắc, vẫn giữ nguyên ngọn lửa đam mê như thuở xuân xanh, tôi nghẹn lòng đầy ngưỡng mộ. Mạo muội gọi các cụ là “những đào nương ruộng rẫy”, nghĩ cũng phải cận kề cái tuổi cửu tuần, tuổi đời gắn liền với việc nông phu chân lấm, tay bùn nhưng giọng hát vẫn da diết, đắm say, truyền cảm đến lạ thường. Đang say sưa câu hát, cụ Da chợt dừng lại nói: “Ai đã một lần gặp gỡ với ca trù thì khó mà từ chối lắm, bản thân nó đã là một cây đàn nhiều phím”. Cụ Bình ngồi cạnh bên cũng góp lời: “Ca trù Cổ Đạm cũng như một người tình vậy, nhớ và yêu lắm. Muốn dứt cũng không đành, nó vận vào người rồi”.

Đời đào nương hiến dâng tuổi thanh xuân cho nghiệp cầm ca, chịu bao tủi hờn, cay đắng. Nay về già, tưởng đâu vẹn tròn hạnh phúc nhưng vẫn đau đáu một nỗi u hoài khi nghĩ đến báu vật ca trù Cổ Đạm của tổ tiên để lại mai đây sẽ đi về đâu?

Gian nan tuổi xế chiều

Một đào nương tài sắc nhưng số phận chìm nổi của làng, đó là cụ bà Phan Thị Khánh. Đào Khánh có vẻ đẹp sắc nước hương trời, chất giọng trẻ tươi cho đến ngày “rụng tóc, khô xương”. Những nghệ nhân khác như Phan Thị Mơn, Trần Thị Da, Phan Thị Nga, Hà Thị Bình, Phan Thị Hằng, tôi gặp sao cũng thấy cuộc đời các cụ cũng lắm truân chuyên.

Nghệ nhân ca trù già nhất cũng là người đầu tiên được Hội Văn học dân gian Việt Nam công nhận Nghệ nhân tại Cổ Đạm là cụ Phan Thị Mơn. Cuộc đời cụ như  cuốn tiểu thuyết làng để con cháu truyền miệng cho nhau. Một đào nương xinh đẹp, có giọng hát tuyệt vời nhưng cuộc đời không kém phần cay đắng. Để rồi một ngày, cái duyên đó đã đưa cụ Mơn đến nhân vật bà mẹ liệt sĩ trong bộ phim nổi tiếng “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Nhân vật, phần nào vẽ lại hình ảnh cụ Mơn ngoài đời - người mẹ liệt sĩ có cuộc đời gian nan vất vả nhưng luôn đau đáu một câu hát ca trù làng quê.

Tôi lặng lẽ ngồi bên cụ, trên chiếc giường tre cũ kỹ trong căn nhà hơn chục  mét vuông lợp ngói xi-măng nằm ngay dưới chân núi Hồng Lĩnh. Lưng cụ còng hẳn, bước đi lọm khọm, rót nước mà tay run run. Cụ kể: “Chồng mất sớm, gia cảnh bần hàn, thân gái một mình nuôi con trăm bề cực. Tôi sinh được 8 người con nhưng đứa mô cũng nghèo, tôi còn sống ngày mô là còn gánh nặng cho chúng ngày đó”. Cũng vì ngại phiền con cháu mà cụ ra ở riêng. Trong căn nhà của cụ, 4 bức tường dán đầy các bằng khen, giấy khen về sự nghiệp cống hiến ca trù Cổ Đạm. Hiện, cụ Mơn sống được nhờ vào số tiền trợ cấp người cao tuổi 120.000 đồng/tháng. 

Hai cụ Trần Thị Da và cụ Phan Thị Bình (ở xóm 5, xã Cổ Đạm) đang ngồi bệt giữa nhà, phe phẩy chiếc quạt mo vì nắng nóng, miệng véo von câu hát. Tiếng hát đan xen trong những câu chuyện cuộc đời. Cụ Da đôi mắt hiện rõ nỗi buồn sâu thẳm: “Tôi thân gái dặm trường, có chồng mà chỉ được nuôi con chồng”. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, cụ lý giải: “Tôi đi hát từ lúc 17 tuổi. Năm 35 tuổi lấy chồng, cam chịu làm lẽ, những tưởng có chút con làm niềm an ủi tuổi già nhưng số phận không cho...”. Tuổi già vẫn lặng lẽ đi về, hai cụ chồng đều mất sớm, con cái nghèo khó nên sống nương tựa vào nhau với số tiền trợ cấp cho người cao tuổi.

Bữa cơm trưa đạm bạc; bát canh cà và vài con cá mắm. Cụ Bình gắp con cá ngon nhất lên bát cụ Da: “Hôm nay cá tươi, chị ăn đi”. Nhìn cảnh, nhìn người, lòng tôi chợt quặn đau...

T.Tuân