Những người hùng trên các bãi biển

Thứ hai, 10/04/2017 09:34

(Cadn.com.vn) - Nhiều người gọi các thành viên đội cứu hộ ở các bãi biển Đà Nẵng là người hùng, bởi họ đã cứu không ít người thoát khỏi sóng dữ.

Những người hùng

Trong tập hồ sơ của mình, anh Nguyễn Quốc Vinh- Đội trưởng Đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng lưu giữ nhiều bức thư cảm ơn của những người từng được các thành viên đội cứu hộ cứu sống. Mỗi bức thư là một câu chuyện và khoảnh khắc cận kề cái chết của nhiều người. "Những bức thư này là trường hợp điển hình thôi, chứ mỗi năm các đội cứu hộ cứu được hàng trăm người", anh Vinh nói.

Vào mùa du lịch, các bãi biển ở Đà Nẵng có hàng nghìn du khách đến tắm và vui chơi, thế nên thật khó tưởng tượng đã có bao chuyện đau lòng xảy ra nếu không có lực lượng cứu hộ. Anh Trương Thành Châu, thành viên đội cứu hộ đã gắn bó với nghề gần 10 năm, bảo không nhớ đã cứu được bao nhiêu người. Anh Châu kể, cách đây chưa lâu, có một đôi nam nữ người nước ngoài đến biển Phạm Văn Đồng tắm, được một lúc thì cả hai rơi vào vùng nước xoáy và bị cuốn ra xa. "Khi chúng tôi phát hiện sự việc thì cả hai người đã chới với cách bờ gần 20 mét, tôi và anh Đặng Văn Thanh lập tức lao ra ứng cứu. Lúc đó sóng lớn, lại gặp dòng chảy xa bờ nên rất vất vả mới đưa họ an toàn vào bờ. Lúc này cả hai nạn nhân đều kiệt sức, mãi sau mới khỏe lại và nói nếu anh em chúng tôi không ra kịp thì họ chết rồi", anh Châu nhớ lại.  

Còn anh Đặng Văn Thanh thì nhớ như in lần cứu hai nữ du khách tại biển Phạm Văn Đồng vào tháng 2 vừa qua. Trưa hôm đó, trong lúc trực thì anh Thanh phát hiện hai nữ du khách, một nước ngoài và một người Việt Nam bị sóng cuốn. Không nề hà nguy hiểm, anh Thanh bơi nhanh đến chỗ người bị nạn, vì lúc này chỉ có một mình nên anh Thanh đã dìu nữ du khách người Việt vào bờ trước, sau đó tiếp tục bơi ra cứu nữ du khách nước ngoài. "Khi đưa vào bờ thì nữ du khách nước ngoài đã ngừng thở, mọi người đến hô hấp nhân tạo, ép tim, mãi một lúc sau thì cô ấy mới ói nước ra và  thoát chết. Lúc đó tôi cũng quá mệt nên không biết tên cô gái ấy là chi, chỉ thấy vui vì cứu được người", anh Thanh kể.

Rất nhiều người đã được các thành viên đội cứu hộ bãi biển Đà Nẵng cứu sống như thế. Trong bức thư gởi đến đội cứu hộ, sau khi được cứu khỏi đuối nước, anh Nguyễn Đại Đồng (Đà Nẵng) viết: "Trở về từ ranh giới của sống và chết, tôi như được sinh ra lần nữa. Tôi gởi lời cảm ơn sâu sắc đến các thành viên đội cứu hộ, những người hùng trên bãi biển".

Thương hiệu biển du lịch Đà Nẵng có sự đóng góp thầm lặng của những người cứu hộ.

Trăn trở với nghề

Tâm sự chuyện nghề, anh Trương Thành Châu bảo rằng phải thực sự yêu thích thì mới trở thành người cứu hộ. Ngày mới vào nghề, anh Châu cứu được một cậu bé khi bị sóng biển cuốn, sau đó cha mẹ cậu bé tìm đến tận bãi biển nói lời cảm ơn vì đó là đứa con duy nhất của họ. "Từ đó tôi nghĩ rằng làm thành viên đội cứu hộ thật ý nghĩa, có thể cứu sống nhiều người nên quyết định gắn bó với nghề", anh Châu tâm sự.

Quả thật, nếu không có đam mê thì rất khó gắn bó với nghề cứu hộ ở bãi biển Đà Nẵng lâu dài. Hiện Đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng có 100 thành viên, để đảm bảo an toàn cho du khách tắm biển, hằng ngày các thành viên phải chia ca để trực từ sáng cho đến đêm. Anh Trần Văn Sẽ, thành viên đội cứu hộ kể, mỗi buổi sáng phải đi kiểm tra dòng nước chảy, chỗ nào nguy hiểm thì cắm biển cảnh báo, giăng phao cấm tắm, bởi biển Đà Nẵng thay đổi dòng chảy liên tục. Trong khi hàng nghìn người vui chơi, tắm biển thì thành viên đội cứu hộ phải căng mắt quan sát để kịp thời phát hiện những trường hợp đuối nước. "Mùa du lịch khách đến tắm ở biển Đà Nẵng đông lắm, nên anh em phải tập trung quan sát, phát hiện trường hợp nào chới với là bơi nhanh ra cứu. Cứu người đuối nước 3 phút đầu tiên là quan trọng nhất, nếu chậm thì không cứu được, nên yêu cầu anh em phải bơi rất nhanh, đưa người bị nạn vào bờ. Có khi vừa cứu người này lại bơi ra cứu người khác", anh Sẽ tâm sự.

Anh Nguyễn Quốc Vinh cho biết, hiện chế độ đãi ngộ với các thành viên đội cứu hộ còn thấp, trung bình chỉ 3 triệu đồng/tháng, trong khi phải làm việc nguy hiểm, thời gian kéo dài. "Với chế độ thấp như vậy nên chỉ có những người yêu nghề mới gắn bó với lực lượng cứu hộ. Lực lượng cứu hộ tại các bãi biển hiện rất thiếu, chúng tôi thông báo tuyển dụng nhiều lần nhưng chưa thấy có người đăng ký. Ngoài ra, phương tiện cứu hộ cũng rất thiếu, khi lực lượng cứu hộ chỉ được trang bị các phương tiện thô sơ, sử dụng sức người là chính. Hiện Đà Nẵng có 18 trạm cứu hộ tại các bãi biển nhưng chỉ có một chiếc mô-tô nước cũ, trong khi đó ở các địa phương như Nha Trang, Thanh Hóa thì trang bị rất nhiều mô-tô nước để phục vụ công tác cứu hộ. Chúng tôi rất mong, thành phố sẽ đầu tư thêm nhiều phương tiện để phục vụ công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho du khách và thương hiệu du lịch bãi biển của Đà Nẵng", anh Vinh mong ước.

Minh Hà