“Những phi vụ đặc biệt” của CIA ở Châu Phi

Thứ năm, 19/05/2016 10:01

(Cadn.com.vn) - Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã có lịch sử lâu đời trong việc can thiệp các vấn đề ở Châu Phi. Chính vì vậy việc một cựu quan chức ngoại giao kiêm gián điệp cho CIA thừa nhận có liên quan đến vụ việc cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela bị bắt giữ năm 1962 cũng không phải là quá bất ngờ.

Tất nhiên, các hoạt động của CIA là bí mật. Tuy nhiên, dựa trên nghiên cứu về hoạt động của tổ chức này cùng với những thông tin được tiết lộ bởi các cựu nhân viên, có thể chứng minh được nỗ lực của CIA trong việc can thiệp vào một số sự kiện quan trọng ở Châu Phi.

CIA mới đây đã thừa nhận liên quan đến vụ bắt giữ cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (trong ảnh) vào năm 1962.

1961 - sát hại Thủ tướng Congo Patrice Lumumba

Ông Patrice Lumumba trở thành thủ tướng được bầu dân chủ đầu tiên của Congo vào năm 1960. Vài tháng sau, ông bị lật đổ và ám sát vào tháng 1-1961.

Năm 2002, Bỉ thừa nhận liên quan đến kế hoạch sát hại cố Thủ tướng Lumumba. Và theo thông tin điều tra, phía Mỹ cũng có liên quan đến vụ việc này. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower thời đó bày tỏ lo ngại về chế độ chính quyền của ông Lumumba, đặc biệt là lo lắng Congo sẽ đi theo Cuba. Vì vậy, ông đã họp với Hội đồng An ninh Quốc gia và ra lệnh “ám sát” ông Lumumba. Và CIA lập tức lên kế hoạch, kể cả bắn tỉa và đầu độc nhà lãnh đạo Congo này. Nhưng các kế hoạch này không được thực hiện vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của Larry Devlin, cựu nhân viên cao cấp của CIA.

1965 - lật đổ Tổng thống Ghana Kwame Nkrumah

Ông Kwame Nkrumah, Tổng thống đầu tiên của Ghana, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1966 khi không có ở trong nước. Ông Nkrumah cáo buộc Mỹ đứng sau vụ việc này và giả thuyết này nhận được sự ủng hộ của cựu điệp viên CIA John Stockwell. Trong cuốn sách “In Search of Enemies” (Tìm kiếm kẻ thù) xuất bản năm 1978, Stockwell có nói: “Lực lượng CIA ở Ghana đã tham gia nhiều hoạt động và một trong số những mệnh lệnh không chính thức là hỗ trợ cuộc đảo chính cuối cùng”. Một tài liệu được giải mật của Lầu Năm Góc cho thấy, âm mưu lật đổ Tổng thống Ghana nhưng lại không chỉ ra được ai đã đứng sau vụ việc.

1970 - chống MPLA

Sau khi giành được độc lập từ Bồ Đào Nha năm 1975, 3 nhóm nổi dậy ở Angola đấu tranh giành quyền kiểm soát đất nước. Kết quả là đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) dưới sự lãnh đạo của ông Agostinho Neto lên nắm quyền. Phát biểu trong một đoạn băng, ông Stockwell, đội trưởng đội hoạt động tình báo CIA ở Angola vào năm 1975, tiết lộ, Washington quyết định chống MPLA khi đảng này có mối quan hệ gần gũi hơn với Liên Xô. Thay vào đó, Mỹ sẽ ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Angola (FNLA) và Liên minh Dân tộc vì nền Độc lập Toàn vẹn Angola (UNITA). “CIA sau đó bí mật nhập vũ khí, bao gồm 30.000 khẩu súng trường, thông qua thành phố Kinshasa ở nước láng giềng Zaire, nay là Congo. Các sĩ quan CIA cũng tích cực đào tạo lực lượng chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu vũ trang”, ông Stockwell cho biết thêm.

1982 - hỗ trợ Hissene Habre

Hissene Habre thất bại trong việc dùng vũ lực chiếm đoạt chính quyền vào năm 1980. Dù vậy ông cũng khiến Tổng thống Chad Goukouni Oueddei lo sợ và kêu gọi lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi giúp đỡ. Nhờ sự giúp đỡ của ông Gaddafi mà Habre cuối cùng buộc phải sống lưu vong.

Việc dự kiến thiết lập liên minh Libya-Chad đã bắt đầu đảo lộn chính sách của Mỹ, đặc biệt là khi ông Gaddafi bắt đầu được xem là một người ủng hộ các hoạt động chống Washington. Trả lời tạp chí Foreign Policy, Michael Bronner cho biết, Giám đốc CIA cùng với Ngoại trưởng Mỹ, thảo luận về việc bí mật hợp tác với Habre. Có tin cho rằng, Washington đã hỗ trợ Habre lật đổ tổng thống Oueddei năm 1982 cũng như hỗ trợ ông trong suốt thời kỳ cầm quyền tàn bạo.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)