Những "thần đèn" giải cứu tàu mắc cạn

Thứ ba, 06/09/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Mùa mưa bão, vùng biển miền Trung là một trong những nơi phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Mỗi cơn bão đi qua, thông tin về những chiếc tàu trọng tải hàng ngàn tấn bị gió bão “đánh dạt” sâu vào bờ và mắc cạn là chuyện thường thấy. Vì vậy, nếu không có các “thần đèn” giải cứu thì những chiếc tàu có trị giá hàng trăm tỷ đồng sẽ phải “trơ gan cùng tuế nguyệt” hoặc “xẻ thịt”... bán sắt vụn bất cứ lúc nào...

Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh Giám đốc Xí nghiệp trục vớt và xây lắp Đà Nẵng Nguyễn Văn Nhung tại bờ biển Nguyễn Tất Thành khi ông giải cứu hai con tàu Thành An 27 và Thái Sơn 02, được coi là 2 trường hợp khó giải cứu nhất trong số hơn 20 con tàu gặp nạn trong cơn bão số 9 năm 2009.

Tuy đã ở độ tuổi ngoài 60, nhưng phong thái ông Nhung vẫn nhanh nhẹn, rắn rỏi chất phong sương của biển. Khoác trên mình bộ đồ quần Jean, áo phông, đặc biệt luôn đội chiếc mũ cao bồi nên nhiều người đã đặt cho ông biệt danh “gã cao bồi của biển”. Bên cạnh việc chỉ đạo cặn kẽ đến từng chi tiết, ông còn kiêm luôn việc “giải mã” những công đoạn khó nhất của việc cứu tàu.

 Ông Nguyễn Văn Nhung - "thần đèn" giải cứu tàu mắc cạn.

Để giải cứu được những con tàu ngàn tấn, ông áp dụng công nghệ “kích” tàu bằng hàng chục phao siêu bền rồi từ từ “đẩy” ra biển. Phương pháp này thực sự thuyết phục được hàng chục ngàn lượt người đến xem... Cách làm mà ông Nhung áp dụng là dùng máy múc cát loại nhỏ tạo một luồng dưới thân tàu vừa đủ để kéo chiếc phao cao su qua phía dưới đáy, sau đó bơm vào mỗi phao khoảng hơn 3kg áp suất. Khi phao cao su căng phồng cũng là lúc con tàu từ từ nâng lên theo một góc nào đó. Cứ thế, xong phao này qua phao khác... Mỗi phao dài 25m, cao 1,5m, lớp cao su đặc biệt dày 3cm, sức chịu đựng đến 75 tấn. Theo ông Nhung, tùy vào sức nặng của tàu mà dùng phao cho hợp lý. Trong quá trình bơm hơi vào phao thì phải néo 4 góc để con tàu không bị trượt. Sau khi tàu “nằm” trên phao, hẫng khỏi mặt đất thì dần dần đẩy nó như trên con trượt. Cứ thế thay nhau, phao nối phao ra cách bờ khoảng 100 - 150m. Sau đó bơm hút cát để tạo luồng, chờ lúc thủy triều lên thì cho tàu kéo ra khỏi vịnh...

30 năm nổi tiếng trong việc trục vớt, giải cứu các con tàu mắc cạn, nhưng ông Nhung học chưa qua lớp 5... Nghiền ngẫm lại sau hàng chục năm giải cứu tàu, ông Nhung cho rằng nghề nào cũng có cái nghiệp của nó. “Không như trong đất liền, trên đại dương nhiều sóng gió bất thường nên chẳng biết thế nào mà lần. Với cái nghề này thì hai từ “biển bạch luôn bị ám ảnh. Trong lúc đang giải cứu tàu, gió mạnh, gió xoáy ập tới có thể trở thành công cốc, phải làm lại từ đầu, thậm chí còn tệ hơn thế nữa”, ông Nhung đúc kết.

Con tàu trọng tải ngàn tấn đã được nâng lên khỏi mặt đất nằm trên phao cao su
và cứ thế "đẩy" ra biển. 

Có hai kỷ niệm mà ông Nhung nhớ mãi. Cách đây mấy năm, trong một trận bão lớn, có một tàu hàng của Singapore trọng tải 5 ngàn tấn bị mắc cạn. Xác con tàu này cũng nặng khoảng 2 ngàn tấn nên việc đưa ra khơi quả là một bài toán khó. Thời đó, chưa có bờ kè nên phương án đưa ra đó là đào và nạo hút đất, sau đó dùng lực kéo dần ra biển. Với giá trị hợp đồng lớn (2,8 tỷ đồng), nhưng điều khiến ông Nhung lo lắng đó là chủ tàu không cho ứng trước; thời hạn là 1,5 tháng nếu giải cứu muộn thì mỗi ngày phạt 150 triệu đồng (nếu sớm thì được thưởng mức tương đương) và nếu có sự cố thì đưa ra... tòa. Nhưng với nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, cuối cùng ông và ê-kíp của mình thực hiện xong hợp đồng trước 2 ngày, được thưởng 300 triệu đồng, số tiền này ông thưởng hết cho hàng chục công nhân làm việc cật lực gần 1,5 tháng trời. Một lần khác trước năm 2000, trong một lần bơm dầu tại khu vực kho gần đèo Hải Vân, tàu Cửu Long 1 (trọng tải 3.000 tấn) đang bơm đến con số 1.800 tấn thì một cơn gió mạnh ập đến khiến tàu bật dây neo và... mắc cạn. Sự việc xảy ra khiến chính quyền cho sơ tán người dân khu vực lân cận. Tuy nhiều công ty, xí nghiệp đến xem xét để thực hiện hợp đồng cứu hộ nhưng ai cũng bó tay vì tìm không ra phương án. Nhưng vừa tiếp cận, trong đầu ông Nhung đã nảy ra cách làm nên liền ký hợp đồng với giá 1,2 tỷ đồng. Thời gian hợp đồng là 1 tuần nhưng mới chỉ 2 ngày con tàu chở dầu đã “vượt cạn” một cách an toàn.

Doãn Nguyên Hưng