Những vết sẹo lớn
(Cadn.com.vn) - Thất bại của Liên minh Châu Âu (EU) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang từng ngày đẩy giấc mơ thời hậu chiến của liên minh này đến bờ vực thẳm, nhất là tại thời điểm khi các nước ở lục địa già đang phải đối mặt với các mối đe dọa mới trên biên giới.
Giới phân tích cho rằng, sự hỗn loạn ở Hy Lạp đi kèm với làn sóng người di cư nhốn nháo ở Địa Trung Hải, trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine đẩy mối quan hệ EU-Nga xuống mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đang khiến các nhà lãnh đạo Châu Âu thật sự lo lắng. Các nhà lãnh đạo ở châu lục này từng cảnh báo, tình hình Hy Lạp là "một khoảnh khắc hiện sinh" cho các dự án lâu dài ở Châu Âu, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, "nếu khu vực đồng EUR thất bại, Châu Âu thất bại".
Nhưng các chuyên gia nói rằng, ngay cả nếu Brussels có thể giữ Athens tiếp tục ở lại trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR (Eurozone), cuộc khủng hoảng của Athens vẫn sẽ gieo hạt giống của sự ngờ vực sâu sắc cho dự án 60 tuổi: xây dựng một Châu Âu thống nhất sau hai cuộc chiến tranh thế giới. "Nó sẽ để lại những vết sẹo", Janis Emmanouilidis của Trung tâm chính sách Châu Âu ở Brussels nói với AFP.
Sự ra đời của đồng tiền chung Châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ từng là biểu tượng thống nhất cho châu lục 500 triệu dân này. Nhưng diễn biến những ngày gần đây cho thấy, giấc mơ của sự hợp nhất đang rơi vào cái gọi là "cơn ác mộng". Hiện thực cho thấy, các ngân hàng ở Hy Lạp buộc phải đóng cửa, các nhà lãnh đạo Hy Lạp và EU cáo buộc nhau nói dối và đặc biệt là các Bộ trưởng Tài chính Eurozone bất ngờ từ chối gia hạn gói cứu trợ cho Hy Lạp và thậm chí không cho Bộ trưởng Tài chính nước này tham dự cuộc họp sau đó.
Cả Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng đều cảnh báo, nếu người dân Hy Lạp bỏ phiếu nói "Không" và từ chối đề nghị cứu trợ tài chính trong cuộc trưng cầu vào ngày 5-7 tới, Athens sẽ phải rời khỏi Eurozone. "Tôi nghĩ đây chắc chắn là một cú sốc lớn đối với các dự án của Châu Âu, thậm chí nếu họ cố gắng giữ Hy Lạp ở lại", một chuyên gia nhận định.
Nhiều người cho rằng, cuộc khủng hoảng Hy Lạp cho thấy rõ, hệ thống của các chính phủ trong EU... không hoạt động tốt, không có khả năng đi đến một quyết định trong khoảng thời gian hữu ích. Và chắc chắn, dù cho vượt qua được cú sốc Hy Lạp, nhưng nếu không cải tổ sâu sắc, EU cũng khó có thể đi đến giấc mơ đoàn kết và hợp nhất.
Thanh Văn