Những "vì sao" mặt đất

Thứ sáu, 03/07/2015 07:17

(Cadn.com.vn) - Đêm tháng sáu cuối tuần-trời oi bức, thả bộ dọc đường Chương Dương- ven sông Hàn, theo làn gió mơn man trên da mặt, lắng nghe nhịp đập thị thành... Đêm thành phố đầy sao! Sao không ở trên trời mà giăng khắp nơi, trên những vòng hoa điện, theo những con đường, trên những cây cầu bắc qua sông. Vòng quay mặt trời lấp lánh sao sa, miệt mài quay, đưa du khách khám phá độ cao gần 120 mét so với mặt đất. Ngồi trên vòng quay ấy, bạn có thể ngắm nhìn một Đà Nẵng thu nhỏ: sôi động và quyến rũ. Những chiếc cầu trông xa như những dải ngân hà vắt trên "hai đầu nỗi nhớ". Cầu Thuận Phước như chiếc võng kim tuyến dệt từ hàng vạn vì sao của nàng công chúa Tiên sa. Cầu sông Hàn-nhịp cầu quay nhỏ nhắn nhưng nhộn nhịp. Cầu Rồng rực rỡ, uy nghi. Cầu Trần Thị Lý lãng mạn, kín đáo, thâm trầm. Cầu Tuyên Sơn giản dị... Đi một vòng uốn theo từng con phố, xe cộ như mắc cửi, lòng ta lâng lâng khi nghĩ đến những vì sao...

Xuống đường Trần Hưng Đạo, hòa theo bước chân du khách chờ đón giờ phút Rồng phun lửa, ta được khám phá một nhịp sống rất trẻ nơi đây. Công viên cầu Rồng người đi lại dập dìu. Từng đôi nam nữ hóng gió trên "cầu tình yêu", trẻ con chạy nhảy quanh tượng "cá chép hóa rồng", người lớn ngồi trên bệ xi-măng dọc bờ sông ngắm cảnh. Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều tốp thanh niên gây sự chú ý của mọi người. Họ đến đây không phải để ăn nhậu, chửi thề hay quậy phá. Sở thích đã giúp họ quần tụ nhau để đồng điệu, chan hòa. Cũng chỉ trên một khuôn viên ấy thôi, song đã có một sự phân định sẵn. Tốp thanh niên này quần áo, giày dép, mũ lưỡi trai một màu đang diễn tập những màn nhào lộn hiphop thật tuyệt vời. Nhóm kia với vài ba chiếc xe đạp địa hình đang trình diễn màn đua xe đạp chậm. Nhóm sinh viên mỹ thuật tranh thủ chỗ sáng để tác nghiệp. Nhóm sinh hoạt hè đang tranh thủ bày cho các em thiếu niên vài điệu dân vũ...

Không nén được tò mò, bước chân đưa đẩy nhập vào một nhóm nhạc đường phố của các bạn sinh viên. Nhóm cỡ chục sinh viên, kẻ thì bộ gõ, người guitar thùng, ba người cầm đàn đệm và bốn giọng ca. Họ diễn tùy hứng những bài hát ca ngợi thành phố, quê hương và sức trẻ. Khán giả càng đông và không còn khoảng cách với người diễn. Họ hát vang, vỗ tay đều đặn và nhanh chóng hòa nhịp chuyển đổi theo từng khúc ca. Tình yêu âm nhạc khiến mọi người quên cả giờ Rồng phun lửa. Tiếng ì ầm khạc lửa của "ngựa sắt Thánh Gióng" nhắc đám đông tản ra...

Hòa vào sự sôi động của lớp trẻ thành phố, ta như quên đi tuổi tác, những bận rộn bon chen đời thường, quên đi cả những suy nghĩ bi quan về thế hệ kế tiếp. Bên cạnh một bộ phận thanh niên đang nướng thời gian trong những trò chơi ảo, nướng đời mình trong nhịp quay cuồng của cuộc sống gấp ở quán bar, vũ trường, sòng bạc..., vẫn còn đó, những học sinh, sinh viên ngày đêm miệt mài học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Ngày cuối tuần: sáng họ đến với những chương trình thiện nguyện, ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp; tối họ gặp nhau trên từng phím đàn, giọng hát... Họ là những vì sao thầm lặng của đất trời Đà Nẵng làm nên một nhịp sống rất riêng, rất trẻ.

Đêm cuối tuần Đà Nẵng tấp nập, ồn ào nhưng vẫn có khoảng lặng để mỗi người: "sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn". Một thành phố văn hóa, văn minh, một đô thị loại một đáng sống đang hấp dẫn mọi người từ những điều nhỏ nhặt như thế. Một niềm tin mới đang ngập tràn: "Đà Nẵng- thành phố của sự sống đang đổi thay. Đà Nẵng- biển ngát xanh tận tới chân trời xa. Đà Nẵng- dòng nước sông Hàn vẫn trôi... hiền hòa. Đà Nẵng - thành phố của bè bạn hát ca..." (Ca khúc: Nhịp điệu thành phố - Trần Ái Nghĩa).

Nguyễn Thị Thu Thủy