Những vụ trọng án có nguyên nhân bột phát (2)
* Bài cuối: Ngăn chặn bằng cách nào?
(Cadn.com.vn) - Theo Phòng CSHS CATP Đà Nẵng, với loại tội phạm có nguyên nhân bột phát, nhất thời, nếu chỉ áp dụng công tác phòng ngừa nghiệp vụ là chưa đủ. Bởi lẽ, không ai có thể kiểm soát được ý nghĩ của người khác. Và trong nhất thời, chủ thể phạm tội nảy sinh ý định và hành động ngay, khi cơ quan chức năng đến giải quyết thì sự việc đã rồi. Đó là chưa kể đến việc đối tượng gây án là người ngoại tỉnh, không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ.
Đơn cử, do mâu thuẫn trong việc tranh nhau chỗ ngủ dưới tàu đánh cá đang neo đậu tại Cảng cá Thọ Quang (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), 22 giờ 30 ngày 19-1-2015, Trần Thanh Long (1989, trú tỉnh Bình Định) sử dụng dao nhọn đâm chết bạn nghề là Nguyễn Văn Kích (1971, cùng trú Bình Định). Cũng tại địa bàn này, 17 giờ ngày 23-5-2015, Nguyễn Văn Lâm (1977, trú tỉnh Khánh Hòa) dùng kéo đi đánh nhau với một người bạn tên Phúc. Thấy vậy, ông Nguyễn Hữu Nam (1968, trú tỉnh Phú Yên) là thuyền viên cùng hành nghề đi biển với Nam đang nằm trên tàu cá buột miệng nói: “Mày chỉ hù dọa họ chứ đánh được ai”. Vì lời nói khó nghe này mà hai bên nảy sinh cãi vã, Lâm dùng kéo đâm vào vùng ngực trái của ông Nam. Nhờ cấp cứu kịp thời nên ông Nam không nguy hiểm đến tính mạng nhưng thương tích 35%, còn Lâm bị CAQ Sơn Trà ra quyết định khởi tố về hành vi “Giết người”. Hay như vụ bắn chết người xảy ra tại địa bàn P. An Hải Đông (Q. Sơn Trà) ngày 26-11-2015. Do mâu thuẫn bột phát trong làm ăn, Feng Long Chun (1988, quốc tịch Trung Quốc) mang theo súng nhập cảnh vào Việt Nam, đến nơi Li Mu Zi (1981, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú P. An Hải Đông) bắn chết nạn nhân. Trong 3 trường hợp này, cả bị hại và nạn nhân cùng là người địa phương khác đến Đà Nẵng nên việc quản lý nghiệp vụ không thể thực hiện được. Đó là chưa kể đến việc đối tượng gây án manh động, bột phát nhất thời thì rất khó để cơ quan chức năng có thể kịp thời ngăn chặn.
Lãnh đạo Phòng CSHS CATP Đà Nẵng tuyên truyền pháp luật cho người dân ở khu dân cư. |
Trước thực trạng trọng án, nhất là tội phạm giết người có chiều hướng gia tăng, thời gian qua, lực lượng CSHS CATP Đà Nẵng đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để vào cuộc một cách hết sức quyết liệt. Ngoài việc tham mưu cho Giám đốc CATP Đà Nẵng ban hành các kế hoạch đấu tranh chuyên đề đối với các loại tội phạm băng nhóm, bảo kê, đòi nợ thuê, cờ bạc, Phòng CSHS còn chủ động quản lý chặt chẽ số đối tượng hình sự nổi, răn đe, giáo dục không để tiếp tục phạm pháp. Với loại tội phạm giết người có nguyên nhân sử dụng chất ma túy (ngáo đá), CATP Đà Nẵng phối hợp Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng tham mưu, đề xuất HĐND TP Đà Nẵng ban hành Nghị quyết về việc cho phép tiếp nhận người có biểu hiện loạn thần, có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình, xã hội tự nguyện vào cơ sở y tế để chữa bệnh. Theo Nghị quyết 78/2016/NQ-HĐND, người có biểu hiện loạn thần nghiện ma túy, có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình, xã hội sẽ được tiếp nhận chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để từng bước hạn chế số vụ thảm án do đối tượng sử dụng ma túy gây ra.
Thượng tá Nguyễn Văn Cung - Phó trưởng Phòng CSHS CATP Đà Nẵng cho rằng, với các vụ trọng án có nguyên nhân bột phát, nhất thời, công tác phòng ngừa xã hội là hết sức quan trọng, góp phần kéo giảm tội phạm. Cụ thể, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật đến với người dân một cách có hiệu quả nhất. Làm sao để mọi người hiểu, tuân thủ các quy định pháp luật, tự điều chỉnh hành vi liên quan đến cuộc sống thường nhật. Trên cơ sở tuyên truyền người dân, các đoàn thể chính trị xã hội ở cấp cơ sở cũng cần phải tích cực tham gia vào việc phòng ngừa tội phạm. Cụ thể, khi sự việc vừa mới nảy sinh, người dân cần phải báo ngay cho lực lượng đảm bảo ANTT cấp cơ sở đến can thiệp và giải quyết. Sự việc một khi được xử lý lúc mới xảy ra, chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ trọng án. Cuối cùng là công tác đấu tranh, xử lý khi vụ việc đã xảy ra cần phải được triển khai nhanh chóng, quyết liệt. Các đối tượng gây án manh động cần phải được lực lượng chức năng kịp thời làm rõ, đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật để răn đe, giáo dục chung.
Theo chúng tôi, ngoài công tác tuyên truyền cho người dân và thái độ vào cuộc quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật, việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho giới trẻ hiện nay cũng cần phải được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm hơn nữa. Nên khuyến khích các em tham gia vào hoạt động của hội đoàn thể ở cấp cơ sở. Thêm nữa, phải giáo dục con trẻ hướng thiện, tránh xa những thói hư tật xấu và tuyệt đối không nên giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống thường nhật bằng bạo lực.
Nguyên Thảo