Nobel Hòa bình sẽ về tay hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều?

Thứ bảy, 16/06/2018 18:36

Sau Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều diễn ra hồi đầu tuần này, ngày càng nhiều người trên thế giới ủng hộ đề cử giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song giới chuyên gia cho rằng cơ hội nhận giải Nobel Hòa bình của hai nhà lãnh đạo vẫn xa vời.

Thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể mang lại giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.   Ảnh: Express.co.uk

Nỗ lực cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Tháng trước, 18 thành viên đảng Cộng hòa Mỹ gửi thư đến Ủy ban Nobel đề cử giải Nobel Hòa bình cho nhà lãnh đạo Mỹ sau khi ông bất ngờ đồng ý gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, đề cử này lỡ hạn chót đề cử trong năm nay, vì vậy, những đề cử giải Nobel hòa bình cho ông Trump, nếu có, chỉ có giá trị vào năm sau.

Tại hội nghị diễn ra hôm 12-6 tại Singapore, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã đạt được Tuyên bố chung, theo đó, Mỹ cân nhắc ngừng tập trận chung và rút quân khỏi Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên cam kết hợp tác tiến tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh tiến trình ngoại giao giữa 2 đối thủ trong những tháng gần đây sau một năm 2017 đầy căng thẳng.

Với kết quả thành công này, một số nhà bình luận và chính trị gia, trong đó có các nghị sĩ Na Uy đã đề xuất trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì những nỗ lực của họ cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Christian Tybring-Gjedde và Per-Willy Amundsen, hai nghị sĩ thuộc đảng Tiến bộ, đảng chính trị lớn thứ 3 của Na Uy, nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump "đã thực hiện bước tiến lớn và quan trọng hướng đến giải trừ vũ khí, mang lại hòa bình cùng hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc". "Những gì đang diễn ra mang tính lịch sử. Tiến trình thúc đẩy hòa bình thế giới trong tương lai đang diễn ra", Đài NRK của Na Uy dẫn lời ông Amundsen cho biết.

Vẫn còn xa vời

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, giải thưởng uy tín này vẫn khá xa vời với hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Theo đó, thời điểm xét tặng giải thưởng cũng như phẩm chất của hai nhà lãnh đạo đều chưa phù hợp để được trao giải.

Tổng thống Trump từng khiến giới ngoại giao quốc tế sốc khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị chỉ trích về nhiều vấn đề. Ngoài ra, nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả thực sự của tiến trình phi hạt nhân hóa theo cam kết của Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Giải trừ vũ khí hạt nhân cho đến nay vẫn là một tiến trình ẩn chứa nhiều rủi ro, phức tạp, và cần thời gian lâu dài "Vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận dẫn đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân thực sự trên bán đảo Triều Tiên, thì sẽ rất khó để không trao giải thưởng cho họ. Đây là tình huống kỳ lạ, nhưng đã từng xảy ra trước đây, khi có những người từng mắc sai lầm nhưng vẫn được nhận giải Nobel Hòa bình", Asle Sveen, nhà sử học chuyên nghiên cứu về giải thưởng Nobel, nhận xét về triển vọng đạt giải Nobel Hòa bình của ông Trump và ông Kim.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra, nhiều người, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, đã đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump. Tuy nhiên, sau khi việc trao giải cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2009 bị chỉ trích là quá vội vàng, Ủy ban Nobel không muốn lặp lại điều này thêm lần nữa.

Dan Smith, lãnh đạo viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để quyết định trao giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. "Tuyên bố chung Mỹ - Triều mới chỉ là bước đầu, còn hành trình sau đó vẫn rất dài và phức tạp. Những hành động khác của Tổng thống Trump, trong đó đáng nói nhất là việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vốn rất quan trọng cho an ninh toàn cầu, và việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn rất quan trọng cho sự ổn định của khu vực Trung Đông, không mang lại hiệu quả tích cực cho nền hòa bình", ông Smith nhận định.

Tiến sĩ Geir Lundestad, Thư ký của Ủy ban Nobel từ năm 1990-2014, cũng cho rằng, "điều gây khó khăn nhất cho cơ hội nhận giải của Tổng thống Trump là việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi lựa chọn con đường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, ông Trump lại châm ngòi xung đột tại Trung Đông và đặt cả khu vực này vào tình thế nguy hiểm".

Trong khi đó, Peter Wallensteen, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Thụy Điển, lại cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới là người xứng đáng nhận giải nếu Nobel Hòa bình được trao vì những đóng góp cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. "Thực ra ông Moon mới là người xứng đáng nhất, nhưng điều này giống như một cú huých chống lại Trump", giáo sư cho biết.

AN BÌNH (Theo AFP)

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống  Hàn Quốc tăng cao kỷ lục

Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc ngày 15-6 dẫn kết quả điều tra dư luận do Viện Gallup tiến hành cho biết, có đến 79% đánh giá tích cực về công tác điều hành quốc gia của Tổng thống Moon Jae-in, tăng 4% so với 2 tuần trước. Trong khi đó, có 12% đánh giá ngược lại, giảm 3%.

Trong số các cử tri đưa ra đánh giá tích cực, 28% chọn lý do là các chính sách đối với Triều Tiên và an ninh của Tổng thống Moon Jae-in. Các lý do khác được cử tri lựa chọn là việc Tổng thống đã nối lại được đối thoại với miền Bắc, làm tốt hoạt động ngoại giao. Trong khi đó, lý do khiến cử tri đưa ra đánh giá tiêu cực gồm có Tổng thống Moon chưa giải quyết được vấn đề kinh tế, dân sinh, quan hệ với miền Bắc, khuynh hướng thân Triều Tiên, tăng lương tối thiểu.