Nơi ấy Trường Sa (3)

Thứ năm, 09/02/2017 08:58

* Bài cuối:  Sức sống Trường Sa

(Cadn.com.vn) - Trường Sa thân thương và thiêng liêng trong lòng mỗi người dân đất  Việt, là máu thịt của cha ông bao đời khẳng định chủ quyền và gìn giữ đảo. Trường Sa không chỉ là phên dậu của Tổ quốc phía biển, mà đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đất liền, đặc biệt là ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển chủ quyền.

Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân

Cơn bão số 10, Nockten làm biển khơi càng dữ dội trong những ngày cuối năm Bính Thân. Tàu cá mang số hiệu PY 96265 do thuyền trưởng Phan Trúc ở P.Phú Đông (TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị hỏng máy trôi tự do. Vừa may, có tàu bạn đánh lưới bên cạnh đã kịp dìu tàu đến gần hướng đảo, trước khi được lực lượng cứu hộ của hải quân lai dắt vào âu tàu đảo Song Tử Tây. Bước lên cầu cảng, nét âu lo, thất thần vẫn còn nguyên trên gương mặt khắc khổ của người chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Anh Trúc tâm tình: “Anh em tôi đi vét chuyến cuối về ăn tết, nhưng xui quá, mới câu được mấy tạ cá thì máy hỏng. Cứu được tàu, được người đã là may. Tàu cá ngư dân trên biển chẳng khác nào chiếc lá trên mặt hồ, mong manh lắm, gặp bão, máy hỏng mà không có tàu cứu hộ thì coi như phó mặc..”. Trên âu tàu Song Tử Tây thời điểm ấy còn có tàu cá số hiệu BĐ 91338 do anh Phạm Bé ở Bình Định làm thuyền trưởng nghề lưới rê cũng đang neo lại để sửa chữa do hỏng máy. Anh Bé cho biết, tàu của anh có hai máy, đang chạy tìm luồng cá thì bị hỏng máy một nên phải tức tốc vào đảo để sửa để kịp làm thêm những ngày cuối năm trước khi về bến ăn tết. Tại đây, những thợ máy chuyên nghiệp của khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo đã khẩn trương kiểm tra, tìm ra nguyên nhân sự cố bình điện và sửa chữa miễn phí để tàu nhanh chóng quay lại ngư trường. Anh Bé cho biết: “Các tàu đánh cá ngoài khơi xa thường xuyên phải đối mặt với những sự cố bất ngờ như hư hỏng máy móc nên có thể mất trắng cả một chuyến đi biển. Tuy nhiên, những ngư dân đang hành nghề tại khu vực khai thác thủy sản quanh đảo Song Tử Tây rất yên tâm khi luôn có sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ trên đảo”. Khu âu tàu trên đảo Song Tử Tây có sức chứa khoảng 100 tàu cá các loại vào neo đậu mỗi khi biển động, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Theo trung tá Trương Sỹ Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, mặc dù nước ngọt trên đảo rất khan hiếm nhưng tại khu âu tàu trên đảo luôn có bể nước ngọt dự trữ để hỗ trợ ngư dân tàu cá đánh bắt dài ngày trên biển. Trạm xăng dầu ở ngay khu âu tàu của đảo cũng bán dầu cho bà con ngư dân với giá cả như trong đất liền. Khu âu tàu và trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật trên đảo cũng được đưa vào sử dụng gần đây, trở thành nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền mỗi khi gặp sự cố hoặc bão tố.

Ngoài ra, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hôm nay đã có những công trình dân sinh đáp ứng nhu cầu của ngư dân như khu làng chài để ngư dân nghỉ ngơi khi vào đảo trú bão dài ngày. Bệnh xá đảo xử lý nhiều tình huống cấp cứu nguy cấp và điều trị những bệnh hiểm nghèo, bất ngờ...

Mùa Xuân là Tết trồng cây

Sau nghi lễ chào cờ đầu năm, từ đảo trưởng đến anh binh nhì cùng nhau trồng cây xanh trên đảo. Với lính đảo, cây xanh là nguồn sống, là biểu tượng của sự sinh sôi, trường tồn. Bao nhiêu năm khẳng định chủ quyền quốc gia trên đảo là bấy nhiêu mùa xuân lính đảo thực hiện Tết trồng cây. Những hàng cây bão táp, phong ba quanh đảo xanh mướt quanh năm; những cây bàng vuông kiêu hãnh vững vàng trước giông bão như ý chí, tinh thần của người lính hải quân làm nhiệm vụ canh giữ biển trời. Trên các đảo hôm nay đã có rất nhiều loài cây, hoa phát triển mạnh mẽ, xanh tốt. Bàng biển dày lá, phi lao, mù u, nhàu biển, sứ đại, đến các loài hoa cây kiểng cũng hiện diện nơi đảo xa. Đến cả nàng xuân ẻo lả, đỏng đảnh khó chiều như phong lan cũng tươi xanh, đơm hoa trong ngày tết. Trồng cây xanh là một trong những nhiệm vụ chính trị của cán bộ, chiến sĩ trên đảo sau nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu.

Mùa xuân là tết trồng cây trên đảo Sơn Ca.

Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn 146, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa cho biết: “Cây xanh là sức sống của Trường Sa, mỗi đảo hàng năm đều đặt ra chỉ tiêu trồng và chăm sóc cây xanh như một nhiệm vụ chính trị quan trọng trên đảo. Năm 2016, quân và dân huyện Trường Sa đã trồng gần 20.000 cây xanh các loại, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp”.

Chúng cháu là học sinh Trường Sa

Nếu các CBCS tự hào là bộ đội Trường Sa thì các cháu nhỏ con những hộ dân sống trên đảo cũng có niềm tự hào riêng là: học sinh Trường Sa. Lần đầu tiên gặp hai anh em Trần Anh Pháp (lớp 5) và Trần Anh Kỳ (lớp 1, Trường tiểu học Song Tử Tây), các cháu tự tin nói: “Chúng cháu là học sinh Trường Sa!”. Hiện tất cả các trường học ở các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây được xây dựng, sửa sang khang trang. Chương trình học theo đúng chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT. Đồ dùng học tập, quần áo đồng phục cho học sinh đều được cung cấp đầy đủ từ đầu năm học. Tuy nhiên, cách tổ chức lớp học ở Trường Sa có sự khác biệt với đất liền do số lượng học sinh các cấp quá ít. Gắn bó với học sinh ở đảo Sinh Tồn hai năm nay, thầy giáo Lê Anh Đức không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tiên nhận lớp chưa đến 10 học sinh nhưng có tới 5 cấp học từ lớp 1 đến lớp 5. “Ngày đầu ra đảo tiếp nhận lớp học khá khó khăn nhưng chỉ thời gian ngắn chúng tôi cũng quen dần với cách dạy học ở đây. Học sinh rất chăm, ngoan, dù nhiều lớp nhưng được học hai buổi/ngày và thầy giáo kèm từng em một nên các em nắm được kiến thức”, thầy Đức chia sẻ. Chính nhờ sự nỗ lực dạy và học của thầy và trò các trường học trên đảo nên chất lượng học sinh hàng năm đều đạt yêu cầu, các cháu học sinh lớp 5 sau khi vào đất liền tiếp tục học cấp THCS có thể thích ứng, hòa nhập với các bạn. Cũng chính từ những lớp học đặc biệt ấy, đã xuất hiện những học sinh giỏi, có năng lực thực sự. Thầy giáo Lê Anh Đức cho biết thêm, năm học vừa rồi có một cháu ở Trường tiểu học đảo Sinh Tồn cuối năm đạt loại giỏi, được xét tặng học bổng Vừ A Dính với suất học đặc biệt tại Trường quốc tế Việt – Úc ở TPHCM.

Lớp học đặc biệt của thầy và trò Trường tiểu học đảo Sinh Tồn.

Nơi đảo xa, phên dậu của Tổ quốc, các em học sinh Trường Sa ngoài học kiến thức, tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần yêu biển đảo quê hương và nhiệm vụ bám đảo, giữ biển và rèn luyện “tinh thần thép”, cùng bộ đội hải quân canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Tạm biệt lớp học đặc biệt, những cô cậu học trò dân đảo  tiễn chúng tôi bằng bài đồng giao “Hoàng Sa - Trường Sa”: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển cả xa mờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt/ Bao nhiêu đời qua/ Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước biển mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Nu na nu nống/ Trường Sa, Hoàng Sa”. Lời ca con trẻ vang vọng mãi, lan theo từng con sóng khơi xa...

Ký: Trần Quới