Nỗi đau chồng chất ở Tacloban

Thứ năm, 14/11/2013 12:13

(Cadn.com.vn) - Nạn cướp bóc chết người ở Tacloban càng khiến cho nỗi đau của những người dân vùng thảm họa ở Philippines thêm chất chồng.

Dường như khó có từ ngữ nào có thể đủ để diễn tả nỗi đau khổ cùng cực của người dân ở Tacloban – thành phố bị hủy diệt đến 90% sau siêu bão Haiyan. Nơi đây, vốn là một thành phố xinh đẹp thu hút khách du lịch của Philippines, giờ đã biến thành “thành phố chết”.

Dòng người đói vật vờ đi khắp nơi, chìa những đôi tay yếu ớt cầu xin thức ăn và nước uống. Báo chí nước ngoài mô tả họ như “những xác chết biết đi”. Nhưng họ cũng không biết đi về đâu và cầu xin ai? Sân bay Tacloban, vốn bị tàn phá nặng nề, giờ cũng đã quá tải. Người người giẫm đạp lên nhau, để được lên máy bay đi khỏi “thành phố chết”.

Người dân ở Tacloban xếp hàng chờ lên máy bay, di tản khỏi “thành phố chết” trong ngày 13-11. Ảnh: AP

CƯỚP KHO GẠO, 8 NGƯỜI CHẾT

Tacloban hỗn loạn và bi thảm. Đài truyền hình ANC cho biết, lực lượng an ninh phải đọ súng với những người đàn ông vũ trang trong bối cảnh tình trạng cướp bóc lan rộng. Ngày 13-11, hàng ngàn người dân kéo đến cướp kho lương thực của nhà nước, khiến một bức tường đổ sập đè chết ít nhất 8 người. Theo AP, người dân đã lấy đi từ kho hơn 100.000 bao gạo. Các kho hàng thuộc sở hữu của Cty thực phẩm và đồ uống Universal Robina Corp và Cty United Laboratories tại thị trấn Palo cùng một nhà máy gạo tại Jaro, cũng bị cướp. Tuy nhiên, chính Chủ tịch thành phố Tacloban, Tecson John Lim cho rằng: “Các vụ cướp bóc này không phải là tội phạm. Đó là hành động tự bảo vệ mình”, ông Lim nói với Reuters đồng thời nhấn mạnh, “hiện chỉ có 20% người dân được nhận viện trợ”.

Một số người sống sót ở Tacloban đào đường ống dẫn nước trong nỗ lực tuyệt vọng. Trong những ngày qua, họ đã uống bất kỳ nguồn nước nào có thể, từ nước cống đến nước biển... Đã có rất nhiều người đã chết ở đây, bao trùm mối đe dọa dịch bệnh chết người. Một người dân tên Rachel Garduce cho biết, viện trợ 3kg gạo và 1 lít nước mỗi hộ gia đình/ngày là không đủ. Garduce cho biết, dì của cô tại thủ đô Manila hứa sẽ đi bằng đường bộ và phà mang hàng cứu trợ đến cho gia đình cô. “Chúng tôi hy vọng bà ấy sẽ không bị tấn công”, Garduce vừa nói vừa cầu nguyện.

Nhưng so với nhiều người, Garduce cũng đã quá may mắn. 5 ngày trôi qua, nhiều người dân vẫn chưa nhận được hàng viện trợ. Maricel Cruz ngồi trên một băng ghế chờ tại một bệnh viện ở Tacloban, trên tay bồng đứa con bé nhỏ đã chết vì không được cứu chữa, nói trong nước mắt: “Không ai giúp chúng tôi”.

Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các đội từ Bỉ, Nhật Bản, Israel và Na Uy đã đến Philippines để thiết lập bệnh viện dã chiến. Các quốc gia khác dự kiến sẽ cung cấp các đội y tế.

2.275 NGƯỜI CHẾT, 84 NGƯỜI MẤT TÍCH?

Trong bài trả lời phỏng vấn trên CNN, Tổng thống Philippines  Benigno Aquino III khẳng định, số người chết ước tính 10.000 là “quá nhiều”, đồng thời chốt con số cuối cùng là chỉ khoảng từ 2.000-2.500 người. Tuyên bố của ông Aquino nhằm đập tan những tranh cãi về số người thiệt mạng sau bão Haiyan.

“Quái vật” Haiyan đi qua, để lại một khung cảnh hoang tàn như thời chiến ở 6 hòn đảo của Philippines. Với sức gió lên đến 380km/h, mạnh hơn rất nhiều so với siêu bão Katrina vốn cướp đi 2.500 sinh mạng ở Mỹ, Haiyan là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Philippines và cả thế giới. Tuy nhiên, hôm 13-11, giới chức nước này xác nhận có 2.275 người chết và chỉ có 84 người mất tích. Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố con số thiệt hại về người có thể tăng đến 2.500 nhưng không thể nhiều hơn. “Tại thời điểm này, số người chết chắc chắn không phải 10.000”, Thư ký nội các Rene Almendras nói trong một cuộc họp báo.

Con số này thổi bùng những tranh cãi và nhiều người cho rằng, giới chức nước này đang cố tình giấu nhẹm số thương vong để trốn tránh trách nhiệm. Một số nhân viên cứu trợ nghi ngờ về số ước tính của Tổng thống Aquino. “Số người chết chắc chắn cao hơn vì nhiều khu vực chúng tôi không thể tiếp cận”, Gwendolyn Pang, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Philippines, nói với Reuters. Cũng theo Hội Chữ thập đỏ, số người mất tích sơ bộ là 22.000 người. Google đã thiết lập trang mạng để giúp mọi người chia sẻ và tìm kiếm thông tin về người mất tích trong thảm họa, hiện liệt kê 65.500 người mất tích sau bão Haiyan.

Nhưng Google cảnh báo đừng đọc lại quá nhiều vào các dữ liệu, chỉ ra rằng, một trang mạng tương tự được thiết lập sau trận sóng thần Nhật Bản năm 2011 liệt kê hơn 600.000 tên, cao hơn rất nhiều so với số người chết và mất tích cuối cùng là gần 20.000 người. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Cesar Purisima cho biết, rất khó đánh giá thiệt hại kinh tế do bão Haiyan gây ra. Ước tính ban đầu rất khác nhau, trong đó theo báo cáo của trung tâm phân tích CEDIM Forensic vào khoảng 8-19 tỷ USD.

Những con số này cho thấy, Philippines chưa bao giờ cần giúp đỡ như lúc này.                   

Khả Anh