Nói dễ làm khó
(Cadn.com.vn) - Mặc dù cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều tuyên bố sẽ "gạt qua một bên" những bất đồng và tranh cãi về quá khứ chiến tranh để tiến đến "một sự thống nhất" về việc tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều, nhưng cuối cùng cả hai vẫn thất bại.
Yonhap dẫn nguồn tin một nhóm dân sự của Hàn Quốc - phụ trách chuẩn bị các hoạt động chung trong dịp kỷ niệm này với Triều Tiên - ngày 2-6 tuyên bố, Seoul và Bình Nhưỡng không nhất trí được với nhau về việc tổ chức hoạt động trên. Nhóm này đã đổ lỗi cho Triều Tiên khi Bình Nhưỡng cho rằng "sẽ tốt hơn" nếu các bên tổ chức riêng rẽ các sự kiện này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng, chính thái độ của đoàn Hàn Quốc là nguyên nhân khiến họ phải nói như vậy.
Theo phía Triều Tiên, chính phủ miền Nam vẫn thờ ơ về địa điểm tổ chức các sự kiện và đặt điều kiện tiên quyết cần thiết bằng cách nói sẽ chỉ cho phép giao lưu dân sự liên Triều với mục đích phi-chính trị. "Bình Nhưỡng nói rằng nếu Seoul không thay đổi lập trường, sẽ không có bất kỳ kết quả nào", thông báo của nhóm này cho biết. Nhưng, thông báo trên cũng cho biết phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực để quốc gia miền Bắc thay đổi lập trường.
Cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử giữa hai miền Triều Tiên diễn ra vào ngày 15-6-2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il. Sau cuộc gặp, hai bên ra tuyên bố chung nhấn mạnh sự hòa hợp dân tộc và hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Tháng trước, các nhóm dân sự của liên Triều nhất trí sơ bộ để cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm này, với sự kiện diễn ra 3 ngày bắt đầu từ 14-6 ở Seoul. Nhưng không có bất kỳ tiến triển nào từ lúc đó dù Bình Nhưỡng thể hiện một lập trường mềm mỏng hơn và Seoul cũng tuyên bố nỗ lực hết mình.
Và rõ ràng, thất bại trong nỗ lực đạt thỏa thuận về hoạt động kỷ niệm chung là bước thụt lùi nữa trong mối quan hệ liên Triều và có thể làm giảm triển vọng tổ chức một sự kiện chung khác kỷ niệm 70 năm ngày Bán đảo Triều Tiên thoát khỏi ách thống trị thực dân của Nhật Bản (1910-1945) vào ngày 15-8 tới.
Động thái trên giáng đòn mạnh vào quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng, vốn chưa có dấu hiệu cải thiện sau khi bùng nổ từ khi Mỹ-Hàn tập trận chung hồi tháng 4. Quan hệ Mỹ-Hàn với Triều Tiên luôn sóng gió. Bình Nhưỡng luôn xem những cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là hành động chuẩn bị chiến tranh chống Triều Tiên. Mối quan hệ này ngày càng căng thẳng khi hôm 2-6, Triều Tiên lên tiếng chỉ trích Mỹ về vụ gửi mẫu virus gây bệnh than còn sống tới Hàn Quốc và gọi đây là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh sinh học.
Tuần trước, Washington gửi nhầm một mẫu phẩm chứa virus gây bệnh than còn sống đến một căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và 9 phòng thí nghiệm ở Mỹ. Theo bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, tổng cộng có tới 22 người có thể tiếp xúc với mẫu phẩm này, song chưa có người nào có dấu hiệu bị nhiễm.
Thanh Văn