Nỗi lo IS trong dòng di cư đến Châu Âu

Thứ năm, 26/02/2015 11:28

(Cadn.com.vn) - Nhóm cực đoan Hồi giáo IS ở Libya tuyên bố sẽ tấn công Châu Âu. Trong khi đó, những chiếc thuyền chở người di cư trốn chạy khỏi Libya liên tục đến bờ biển lục địa già. Liệu các phiến quân có trà trộn trong dòng người di cư xuyên Địa Trung Hải?

Italia và Ai Cập cảnh báo, phiến quân IS có thể ẩn náu trong số hàng ngàn người di cư được giải cứu bởi lực lượng tuần tra của Châu Âu. Cả hai nước đều bị ảnh hưởng bởi tình hình ở Libya song không đưa ra được bất kỳ bằng chứng chứng minh mối lo ngại của mình là đúng.

Những người di cư chủ yếu là từ Syria và vùng cận Sahara của Châu Phi. Ý tưởng cho rằng họ đang đặt ra một mối đe dọa gây ra một vòng luẩn quẩn mâu thuẫn: người tị nạn gây ra xung đột, xung đột biến họ thành người tị nạn. Vậy, mối đe dọa mà các tàu thuyền chở người di cư gây ra là gì? Và cần làm gì để giải quyết tình trạng này?

Những tuyên bố

Tuần trước, ngoài khơi bờ biển Italia vài ki-lô-mét, nước này đã cứu 2.000 người di cư từ vùng biển bão tố. Khi thuyền chở người di cư bị kéo đi, một tàu cao tốc xuất hiện. Những người đàn ông trên tàu được trang bị súng trường tấn công để giành lại con thuyền. Cuộc đối đầu là dấu hiệu mới nhất cho thấy, một số các nhóm vũ trang phát triển mạnh trong sự hỗn loạn ở Libya cũng đang tham gia vào việc buôn người.

Đối với các nhóm này, lợi nhuận thu được từ việc đưa người di cư vượt biên là rất lớn. Đối với các nhánh địa phương của IS, lợi ích này còn lớn hơn nhiều. Theo tài liệu được công bố trực tuyến hồi tháng 1, một cảm tình viên IS ở Libya thừa nhận Địa Trung Hải là cửa ngõ để  sang Châu Âu. Còn theo một bài viết trên BuzzFeed hồi tháng trước, IS có thể sử dụng các tuyến đường di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, các tay súng trà trộn trong những người tị nạn trên các tàu chở hàng.

Italia nhấn mạnh rằng các tàu thuyền chở người di cư là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ảnh: BBC

Mục đích của Ai Cập, Italia

Ai Cập có chung biên giới với Libya, và đang chiến đấu chống lực lượng Hồi giáo nổi dậy trong nước. Cairo ủng hộ phe chống Hồi giáo trong cuộc xung đột tại Libya, phát động các cuộc không kích chống lại các mục tiêu của IS.

Trong khi đó, Italia gánh chịu sự di cư và gánh nặng của các hoạt động cứu hộ song chính phủ lại bị chỉ trích vì không nỗ lực hành động vì những người nhập cư. Chính phủ Italia nhấn mạnh rằng những con thuyền chở người nhập cư đại diện cho cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khi thừa nhận, mối đe dọa khủng bố không thể loại trừ.

Italia muốn quốc tế phản ứng mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng ở Libya. Rome hiện phụ thuộc vào dầu mỏ Libya cho nhu cầu năng lượng của nước này, trong khi Libya phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ việc bán dầu cho Italia. Theo nhà báo kỳ cựu người Italia Andrea Purgatori, những chiếc thuyền di cư là những con tốt trong "trò chơi" - một phương tiện để lực lượng Libya kêu gọi Italia tham chiến.

Nguy cơ chính đáng

Như vậy, những lời cảnh báo từ Ai Cập và Italia, cũng như báo cáo gần đây từ các phiến quân, không phải là bằng chứng về mối đe dọa. Cơ quan biên giới của Liên minh Châu Âu, Frontex, và lực lượng cảnh sát, Europol, không bình luận về những tuyên bố này.

Tuy nhiên, không có bằng chứng về mối đe dọa sắp xảy ra không có nghĩa là các mối đe dọa không tồn tại. Các phiến quân có thể bị cám dỗ bởi các tuyến đường biển bí mật sang Châu Âu. Một tuyến đường bí mật sẽ đặc biệt hấp dẫn các phần tử thánh chiến Châu Âu trở về từ Trung Đông.

Nguy cơ xâm nhập như vậy là "hoàn toàn có thể", nhưng liệu IS có lựa chọn con đường này. Đây là tuyến đường nguy hiểm. Theo cơ quan tị nạn LHQ, năm ngoái, gần 3.500 người thiệt mạng trong khi cố gắng đến Châu Âu thông qua Địa Trung Hải. Hơn 200.000 người di cư được cứu thoát. Sau khi lên bờ, người di cư bị giam giữa tại các trung tâm chờ được xử lý. Do đó, rất khó để các phần tử IS lọt qua các cửa này.

An Bình

(Theo BBC)