Nơi phát lệnh Tổng khởi nghĩa ở Quảng Nam (16-8-1945)

Thứ sáu, 16/08/2013 11:49

(Cadn.com.vn) - Đó là di tích lịch sử cấp tỉnh nhà ông Ung Tòng, ở thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, H. Núi Thành (Quảng Nam). Ngôi nhà này đã được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2005.

Theo sử liệu địa phương, nhà của gia đình ông Ung Tòng và người con trai Ung Bá Dy là cơ sở của các phong trào yêu nước do các sĩ phu đề xướng trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã được gia đình che giấu, giúp đỡ như các đồng chí: Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Tố Hữu... Đặc biệt, tại nhà ông Ung Tòng, vào ngày 16-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam họp ra quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Trước những chuyển biến mau lẹ của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp. Trước tình hình khẩn trương chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị mở rộng trên một chiếc thuyền ở bến đò Ông Đốc trên sông Thu Bồn (thuộc xã Điện Hồng, H. Điện Bàn), đề ra nhiệm vụ cấp bách: Mở rộng và củng cố Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, phát triển nhiều đội tự vệ vũ trang, xây dựng căn cứ du kích liên hoàn, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

Di tích lịch sử cấp tỉnh nhà ông Ung Tòng, nơi Tỉnh ủy Quảng Nam phát lệnh tổng khởi nghĩa toàn tỉnh trong Cách mạng Tháng 8-1945.

Cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam tại nhà ông Ung Tòng qua ngày thứ hai thì được tin cấp báo Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Trước cơ hội có một không hai này, Tỉnh ủy Quảng Nam căn cứ vào tinh thần bản chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương để ra quyết định phát động toàn dân trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Từ quyết định kịp thời và sáng suốt của Tỉnh ủy, cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 2 ngày đêm kể từ rạng sáng 18-8-1945, đã có 8 phủ, huyện và thị xã (gồm Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ và Tiên Phước) nhân dân đã vùng lên đánh đổ chính quyền tay sai thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng.

Nhắc lại những sự kiện trên để thấy Di tích lịch sử cấp tỉnh nhà ông Ung Tòng có một ý nghĩa vô cùng to lớn, gắn liền với cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam trong cách mạng Tháng Tám mùa Thu năm 1945. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Từ năm 1995, nhà ông Ung Tòng đã được Đảng bộ và chính quyền xã Tam Xuân hỗ trợ trùng tu và gắn biển ghi nhận sự kiện lịch sử cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam ra quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Ngôi nhà này sau đó được ông Trình Khôi (người cháu họ của ông Ung Tòng) chăm sóc, hương khói thờ tự ông Ung Tòng và ông Ung Bá Dy; đồng thời mở cửa đón người dân và các em học sinh địa phương đến tìm hiểu về lịch sử cách mạng của địa phương.

Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói bị dột, cửa bị mục nát trống hoác, tường rào không có, cỏ dại mọc đầy sân nên khu di tích này chẳng khác gì khu nhà bị bỏ hoang. Mới đây, khi cùng chúng tôi đến thăm di tích lịch sử cấp tỉnh nhà ông Ung Tòng, ông Nguyễn Tấn Đồng,- Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) cho biết, địa phương cũng đã có kiến nghị lên cấp trên và các sở ngành liên quan về tình trạng xuống cấp của di tích. Chính quyền và nhân dân xã Tam Xuân 2 nói chung, họ hàng của ông Ung Tòng nói riêng rất mong ngôi nhà được trùng tu sửa chữa, xây dựng khuôn viên khang trang và sưu tầm các hiện vật liên quan để trưng bày... xứng với di tích lịch sử cấp tỉnh đã được công nhận.

Bài, ảnh: Th. Hà