Nông dân vào mùa thu hoạch: Kẻ cười, người khóc

Thứ tư, 09/05/2018 13:29

Bội thu mùa vàng

Những ngày này, đi qua các cánh đồng ở H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng), mùi lúa mới và rơm rạ thoang thoảng dưới cái nắng nóng oi bức, người dân nơi nơi  hối hả thu hoạch vụ Đông Xuân (2017-2018). Ruộng lúa chín vàng bất tận, bà con nông dân sung sướng "vỡ òa" với sản lượng bất ngờ chưa từng thấy. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Văn Lý cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện gieo sạ hơn 2.542ha lúa các loại, đảm bảo thời vụ và cơ cấu giống đúng theo kế hoạch đã đề ra. Năng suất bình quân đạt  63,37 tạ/ha, vượt so với kế hoạch đề ra 3,37 tạ/ha. Trong đó, 3 xã vùng đồng bằng Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến có nơi đạt 65-67 tạ/ha; xã miền núi Hòa Phú đạt 55 tạ/ha...

Nhiều hộ dân chấp nhận thua lỗ, "nhắm mắt" bán với giá 1.000 đồng/kg.

Theo lão nông Đoàn Văn Quyến (thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, H. Hòa Vang), trước đây, trồng lúa nước là nghề vất vả của nhà nông. Cha ông ta từng có nhiều so sánh để diễn đạt, ca thán "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần" hay "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"... Còn bây giờ, máy gặt đập liên hợp liên tục thả xuống chân ruộng, chỉ vòng quanh mấy lượt rồi tấp sát vào đường bê-tông nội đồng thả xuống các bao lúa căng đầy. Chủ ruộng chỉ biết chạy xe máy ra tận nơi chở về nhà. "Nói trồng lúa cực khổ vất vả là khoảng vài năm về trước, khi lúa chín phải gặt, gánh chất đống, kêu máy suốt tới, thậm chí có lúc còn kêu công không được, suốt ra gặp mưa thì không biết đâu lần; còn nay thì khác lắm rồi, cơ sở hạ tầng nông thôn mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, lại thoáng sạch tha hồ mà phơi" - ông Quyến phấn khởi nói... Nhiều nông dân khác còn cho biết, vụ này đạt lợi nhuận cao nhờ chi phí sản xuất lúa tương đối thấp do các điều kiện thời tiết, thủy văn thuận lợi, đặc biệt đồng ruộng được bồi bổ nhiều phù sa trong mùa lũ, lúa ít bị các loại sâu bệnh và dịch hại, nông dân giảm tiền vật tư phân bón, tập trung xuống giống đồng loạt để thực hiện tưới, tiêu nước tập thể. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Các diện tích lúa đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã giúp nông dân tiết kiệm được khá nhiều thời gian và chi phí...

Có thể nói, việc triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn H. Hòa Vang thời gian qua đã thực sự tạo ra nhiều giá trị mới. Đó là một nông thôn có diện mạo thay đổi từ những đóng góp tích cực của các chủ thể nông dân mới. Có tư duy mới, có tố chất văn hóa, hiểu biết về kỹ thuật, biết vận dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, có cái nhìn mới về quan hệ xã hội, môi trường... Từ tư duy sản xuất tập quán, manh mún, nhỏ lẻ nay người nông dân đang dần tiến đến sản xuất hàng hóa với quy mô lớn như "dồn điền, đổi thửa", xây dựng cánh đồng mẫu để trồng các giống lúa cao sản, hữu cơ phục vụ đô thị. Vì vậy, khi nông thôn đổi mới, người nông dân cũng bội thu mùa vàng.

Người dân khóc ròng vì dưa hấu đến kỳ thu hoạch nhưng không có người thu mua. 

 Nước mắt người trồng dưa

Trong khi nông dân ở Hòa Vang phấn khởi, vui mừng trước mùa lúa Đông Xuân bội thu thì những  ngày qua, hàng chục tấn dưa của người dân tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua, giá dưa lại liên tục "tụt dốc không phanh" khiến hàng trăm hộ trồng dưa điêu đứng, khóc ròng. Lý giải về tình trạng không "mặn mà" thu mua dưa hấu các thương lái cho hay là do thị trường Trung Quốc "đóng cửa"...

Đứng trước hơn 2 sào dưa đến kỳ chín đỏ nhưng không thể thu hoạch vì chẳng biết đưa đi đâu, anh Nguyễn Hoàng (trú thị trấn Phú Thịnh, H. Phú Ninh), ngao ngán: "Cứ mãi như thế này thì người nông dân luôn phải chịu khổ. Tốn bao mồ hôi, công sức, kể cả tất cả vốn liếng đổ dồn vào việc trồng dưa chỉ mong bán được giá, thu hồi vốn nhưng bây giờ họ không thu mua nữa, giá dưa cũng chỉ 1.000 đồng/kg thì thử hỏi làm sao người dân bán được. Chỉ còn biết đứng nhìn sản phẩm mình làm ra mà nước mắt chảy ròng".

Cũng theo anh Hoàng, vụ này gia đình anh đầu tư hơn 2 sào dưa loại hắc mỹ nhân. Hiện nay, tất cả đã chín cộng với việc thời tiết có dấu hiệu chuyển mưa nên phải thu hoạch sớm nếu không dưa sẽ bị thối. Thế nhưng, nghịch lý là giá dưa đầu mùa cao,  khoảng 4-5.000 đồng/kg nhưng đến nay chỉ còn 1.000 đồng/kg. "Giá dưa thấp nên thương lái cũng chẳng mấy mặn mà vì thực tế họ cũng chẳng có lời. Họ không mua thì người dân cũng đành chịu bởi mình đâu có cam kết, hợp đồng gì về đầu ra sản phẩm đâu", anh Hoàng chua chát. Không riêng gì anh Hoàng, hàng chục hộ trồng dưa trên địa bàn H. Phú Ninh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều nơi người dân đành để dưa chín, thối ngay tại ruộng. Nhiều hộ trồng đến 4-5 sào với số vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng nhưng giờ cũng trắng tay, không biết cách nào gỡ vốn. Bà Trần Thị Hương, trú xã Tam Phước (H. Phú Ninh), cho hay: vài hôm trước thương lái còn đến hỏi mua, đặt cọc tiền trước để làm tin nhưng bây giờ họ đến xin tiền lại vì bên Trung Quốc không thu mua nữa. "Thực tế những năm qua người dân chỉ chú tâm sản xuất dưa làm sao cho chất lượng, cho đảm bảo vệ sinh chứ đầu ra sản phẩm rất mơ hồ. Bởi thế, có bị chèn ép, bóp giá thì người dân cũng là người hứng chịu trước tiên. Chỉ mong sao chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vào cuộc, giúp đỡ người dân tìm hướng đi mới, có nơi tiêu thụ sản phẩm để gỡ ít vốn mà thôi", bà Hương trải lòng.

 Lúa vụ Đông Xuân ngập tràn trên các tuyến giao thông nông thôn H. Hòa Vang.

Còn tại Quảng Ngãi, hiện có gần 2.000 tấn dưa đang ứ đọng vì không có đầu ra. Cạnh đó, hơn 56 ha dưa đang đến kỳ thu hoạch của người dân vẫn phải xếp hàng "nằm" chờ thương lái trong vô vọng. Anh Phan Hùng, trú H.Bình Sơn chia sẻ: nhiều đơn vị từ thiện, các bạn trẻ tìm đến giúp đỡ người dân, kêu gọi hỗ trợ cũng phần nào khiến chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng. Tuy vậy, với số lượng lớn dưa ứ đọng như vậy thì cần phải có một kế hoạch dài hơi hơn. "Tính riêng vụ dưa này gia đình tôi sẽ lỗ hơn 50 triệu đồng nếu số dưa này không có nơi thu mua. Năm nào cũng mãi điệp khúc được mùa mất giá như thế này thì chắc phải bỏ nghề trồng dưa thôi", anh Hùng ca thán.

Trước việc người trồng dưa không tìm được đầu ra cho sản phẩm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho hay hiện đang vận động các đầu mối hỗ trợ, thu mua cho người dân, tìm cách vận chuyển dưa vào thị trường TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Hà Nội, Đà Nẵng... Tuy nhiên, biện pháp này cũng khó khăn bởi lượng dưa tồn đọng quá lớn trong khi riêng tại H. Phú Ninh (Quảng Nam), có đến 490 ha dưa với sản lượng gần 13.000 tấn. "Trước mắt huyện cũng sẽ tìm mọi cách để kêu gọi, liên kết với các cơ sở, đơn vị, đầu mối thu mua dưa để giúp đỡ người dân.Tuy nhiên, trước thực tế này người dân cũng nên có bài học kinh nghiệm, không nên thấy lợi trước mắt mà ào ạt đầu tư quá nhiều khiến không làm chủ được sản phẩm mình làm ra và dễ dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu", ông Võ Thanh Anh, Trưởng Phòng NN&PTNT H. Phú Ninh trao đổi.

VY HẬU-PHI NÔNG