“Nóng” tình trạng lừa đảo xin việc
Vấn nạn lừa xin việc xảy ra liên tiếp, nhức nhối trên địa bàn TT-Huế đã được cơ quan chức năng kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua. Rất nhiều vụ án lừa chạy việc trên địa bàn đã được cảnh báo, đưa ra xét xử với bản án nghiêm khắc, có vụ bị cáo bị kết án hơn 15 năm tù. Thế nhưng do nhu cầu cần việc làm, nhiều người vẫn tiếp tục sập bẫy.
Nguyễn Thị Mỹ Thanh (giữa) nhận tiền của nhiều người nhưng không xin việc. |
Hàng loạt “thương vụ” lừa đảo xin việc
Giữa tháng 9-2018, Cơ quan CSĐT CA tỉnh TT-Huế bắt tạm giam Nguyễn Thị Mỹ Thanh (1972, trú TT Khe Tre, H. Nam Đông, TT-Huế) với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thanh là giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn. Do cần tiền chi tiêu, Thanh nhiều lần vay mượn nhưng do lãi chồng lên lãi nên không có khả năng chi trả. Lúc này, nhận thấy nhu cầu xin việc làm của nhiều người trên địa bàn huyện rất lớn nên Thanh tung tin mình có nhiều mối quan hệ với quan chức nên có thể xin được việc làm. Thanh đã nhận tiền của nhiều người và hứa sẽ “chạy” việc nhưng sau đó không xin được việc cho ai.
Theo cơ quan CA, trong thời gian từ tháng 4-2014 đến 11-2016, do đang có nhu cầu tìm việc, lại tin tưởng những lời ngon ngọt của Thanh, có 5 người dân đã đưa cho đối tượng này tổng cộng 540 triệu đồng để “chạy” việc. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, chờ đợi một thời gian dài nhưng không ai có việc làm. “Sau khi học ra trường, con gái tôi có nhu cầu xin vào Trung tâm Y tế H. Nam Đông. Một phần mong muốn con cái có công việc ổn định, một phần thấy Thanh là cô giáo, có khả năng xin việc làm vào nơi mong muốn nên cuối năm 2016, tôi đã nhiều lần vay mượn và 4 lần giao cho Thanh tổng cộng 130 triệu đồng. Thanh cam kết sau 1 tháng sẽ có quyết định tuyển dụng nhưng đợi mãi vẫn không có kết quả” - bà L.T.T., một trong số nạn nhân của Thanh kể.
Hoàng Trọng Huy từng bị xử lý 30 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng được hưởng án treo. Trong thời gian này, Huy tiếp tục phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, nên cộng cả hai hình phạt chung là 10 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, Huy còn bị phạt hành chính vì hành vi xâm hại sức khỏe người khác và sử dụng trái phép chất ma túy. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, Huy lại tiếp tục lừa đảo những người có nhu cầu xin việc. Dù không có nghề nghiệp ổn định nhưng Huy luôn giới thiệu với nhiều người rằng có mối quan hệ thân quen nên có khả năng xin việc cho nhiều người vào BVT.Ư Huế. Một nạn nhân trú H. A Lưới nghe Huy giới thiệu lại đang có nhu cầu xin vào làm điều dưỡng tại BVT.Ư Huế nên đã đưa cho Huy 200 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Huy không thực hiện như cam kết mà sử dụng để tiêu xài cá nhân.
Không có nghề nghiệp, nhưng với thủ đoạn gian dối và lợi dụng mối quan hệ quen biết của người thân, Phan Thị Thùy Trang (1982, trú P. Thuận Thành, TP Huế) đã tung tin với mọi người rằng, mình có khả năng và điều kiện có thể nhận người vào làm việc tại một số cơ quan, đơn vị như: bệnh viện, trường học, kho bạc... trên địa bàn tỉnh để lừa đảo hàng chục người với tổng số tiền lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Tương tự, Nguyễn Chiến Thắng (1982, trú đường Chi Lăng, TP Huế) - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân nhưng do nợ nần cờ bạc nên sử dụng đủ chiêu trò để lừa đảo xin việc cho nhiều người. Tổng cộng Nguyễn Chiến Thắng đã chiếm đoạt của 22 người với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Từ những “thương vụ” lừa đảo xin việc làm cho thấy, tùy theo ngành, vị trí công việc mà các đối tượng lừa đảo đẩy mức giá lên cao. Ít nhất là từ 70 triệu đồng đến 140 triệu đồng, 250 triệu đồng, cao nhất lên đến 480 triệu đồng/trường hợp.
Nguyễn Chiến Thắng lừa hơn 3 tỷ đồng của 22 nạn nhân. |
Lừa chạy việc được đưa ra bàn nghị sự
Chánh án TAND tỉnh Đào Thị Mai Hường cho rằng: Những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn với tang số phạm tội rất lớn, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, làm cho nhiều gia đình bị khánh kiệt, lâm vào cảnh khốn đốn, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Hành vi của các đối tượng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu về tài sản của người khác. “Hiện, TAND tỉnh đã và đang lĩnh hội thêm ý kiến của Hội đồng TAND Tối cao về một số vụ việc lừa đảo xin việc với số lượng bị hại đông, tang số phạm tội rất lớn. Mục đích nhằm làm rõ đồng phạm, người trung gian dẫn đến những vụ lừa đảo xin việc để tiếp tục đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật” - bà Đào Thị Mai Hường nói.
Tại hội nghị giao ban các cơ quan khối nội chính vừa qua, vấn đề lừa đảo xin việc để chiếm đoạt tài sản đã được lãnh đạo TAND tỉnh báo cáo với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà cùng các sở, ngành liên quan. Phó Chánh án TAND tỉnh La Minh Tường thông tin: “Lừa đảo xin việc làm là vấn đề báo động hiện nay. Từ đầu năm 2018 đến nay, TAND tỉnh đã thụ lý 9 vụ với 104 bị hại, tổng số tiền lên đến 24,6 tỷ đồng. Vấn đề này, chúng tôi cũng đã kiến nghị, đề xuất tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa rồi”. Trước thông tin này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chỉ đạo các ngành liên quan trong khối nội chính tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để tiếp tục bám, nắm, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa xin việc. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe những lời hứa hão của các đối tượng, dẫn đến “tiền mất, nợ mang”.
Ông Bạch Chơn Đông - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh TT-Huế khuyến cáo, theo quy định, khi có kế hoạch tuyển dụng thì các cơ quan sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc tuyển dụng trong các cơ quan nhà nước hiện nay được thực hiện rất nghiêm túc, công khai, minh bạch. Những người dân có nhu cầu về việc làm hoặc cần việc cho người thân, cần phải liên hệ trực tiếp các đơn vị tuyển dụng để có thông tin chính xác, không nên đặt niềm tin vào các đối tượng môi giới xin việc tránh “tiền mất nợ mang”.
H.LAN