NSND Huỳnh Hùng: Một trí thức Quảng trách nhiệm với di sản
Tại nhiều diễn đàn, thay mặt những người làm và yêu VH-TT, NSND Huỳnh Hùng (Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng) thường khảng khái trình bày các kiến nghị, phản biện đến cùng để bảo vệ các di sản văn hóa lịch sử vốn ít ỏi của Đà Nẵng. Ở ông in đậm khí chất của một trí thức xứ Quảng...
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên tặng hoa chúc mừng nhân các nghệ sĩ Đà Nẵng được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ảnh: P.T |
Người có duyên các giải thưởng!
Thời còn làm báo, NSND Huỳnh Hùng rất có duyên với các giải thưởng lớn ở thể loại phim tài liệu. Điều thú vị, xuất phát điểm của ông không phải là người “nhà đài”. Trước đó, ông có 14 năm công tác tại Điện Bàn với 6 năm làm văn phòng, 8 năm làm Trưởng phòng VH-TT. Năm 1996, cùng một lúc được Giám đốc Đài Truyền hình Đà Nẵng (nay là VTV Đà Nẵng) và Giám đốc Sở VH-TT tỉnh QN-ĐN gửi công văn “xin”. Ông quyết định chọn “nhà đài” để thử sức.
Thời điểm ông về làm Trưởng phòng Chuyên đề VTV Đà Nẵng, nơi đây có nhiều “cây đa”, “cây đề” làm phim tài liệu. Vừa làm công tác quản lý, ông vừa “nhập môn”, học hỏi những người đi trước. Ông cầu thị: “Mình vào sau, may mắn được cất nhắc làm quản lý Phòng Chuyên đề, nhưng về chuyên môn là người “ngoại đạo”. Không biết, không giỏi thì phải học hỏi anh em đi trước. Mình đã rất may mắn khi được học hỏi những đạo diễn có nghề như anh Đoàn Huy Giao, Hồ Trung Tú, Trí Trung...”. Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi đó, 2 năm sau, bộ phim tài liệu đầu tay “Trang đời huyền thoại” do ông cùng đạo diễn Trí Trung đồng thực hiện về chân dung Mẹ Thứ đã đoạt cú đúp giải thưởng lớn: HCV Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Giải B Báo chí Quốc gia. Ngoài “Trang đời huyền thoại”, ông còn cùng các đồng nghiệp ở VTV, DTR gây ấn tượng với “Một tấm gương- một tấm lòng”, “Người giữ thành Hà Nội”, “Con mắt còn có đuôi”, “Danh thần Thoại Ngọc Hầu”...
Đạo diễn Hồ Trung Tú nhận xét, Huỳnh Hùng là một nhà báo nhạy cảm, sắc bén về thời sự, biết chọn những đề tài hay, “hot” nên khi đem phim đi dự thi thường đạt giải cao. Ông còn là một trí thức có trách nhiệm đối với những nhân vật văn hóa, lịch sử. Khi làm phim tài liệu về Phan Khôi, Huỳnh Hùng không ngại đụng chạm, không ngại những trở ngại về chính trị vào thời điểm đó. Đó chính là trách nhiệm của một trí thức, thấy đúng là làm!...
Đào Xuân Huỳnh, người đọc lời bình gạo cội đánh giá: “Người ta nói, phim tài liệu thường khô khan nhưng phim của Huỳnh Hùng thì không. Nó cũng rất chính trị, rất rắn rỏi, nhưng bao trùm tất cả vẫn là tình người nên người xem, người nghe rất dễ tiếp nhận. Phim của anh có “chất lửa”. Anh rất chỉn chu, kỹ trong từng chi tiết để làm sao chuyển tải nội dung câu chuyện đến người xem, người nghe một cách chân thực, dung dị và sâu sắc nhất có thể”.
NSND Huỳnh Hùng (người thứ nhất từ phải sang trái) tại lễ đón nhận bức tượng mỹ thuật “Sóng biển” do nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken trao tặng. |
Trách nhiệm với di sản văn hóa lịch sử
Giữa lúc đang làm báo với nhiều thuận lợi (Giám đốc DRT), tháng 5-2016, ông được lãnh đạo TP điều sang làm Giám đốc Sở VH-TT. Tiếp nhận công việc, trong ông ngổn ngang tâm tư. Bởi thực tế, Đà Nẵng trong một thời gian phát triển rất nhanh, mạnh về kinh tế, hạ tầng, nhưng về văn hóa thì chưa được quan tâm, coi trọng đúng mức. Nhiều thiết chế văn hóa cơ bản của Đà Nẵng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế ấy.
Ngoài nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của đồng sự trong ngành, của một số anh em văn nghệ sĩ tâm huyết với văn hóa, lợi thế 20 năm làm báo cũng đã hỗ trợ nhiều cho ông khi tiếp cận công tác quản lý cũng như trong tham mưu lãnh đạo TP trên lĩnh vực VH-TT. Tại nhiều diễn đàn, thay mặt những người làm công tác VH-TT và những người yêu văn hóa, ông thường khảng khái trình bày các kiến nghị, phản biện đến cùng để bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa lịch sử vốn ít ỏi của Đà Nẵng. Ông cho rằng, “Cần phải công bằng và sòng phẳng với lịch sử. Nếu không hậu thế mai sau sẽ phán xét thế hệ chúng ta”. Ở ông in đậm khí chất, tinh thần phản biện của một trí thức xứ Quảng. Khi được hỏi, ông không sợ “ghế” của mình sẽ bị lung lay vì hay “nói ngược”, ông bộc bạch: “Thấy đúng mà không tham mưu thì không chỉ thiếu trách nhiệm mà còn có lỗi. Đặc biệt là có lỗi với tiền nhân, với các di sản của cha ông để lại. Điều đáng mừng và may mắn là lãnh đạo hiện nay đã chịu khó lắng nghe ý kiến tham mưu của ngành VH-TT... Tôi phát hiện, khi tham mưu phải nghiên cứu, nắm bắt kỹ vấn đề. Có như thế mới trình bày khúc chiết, khi phản biện có chứng cứ, cứ liệu khoa học thì sẽ thuyết phục được lãnh đạo. Tham mưu bằng cái tâm, không được tham mưu hời hợt, nửa vời; thấy đúng phải kiên trì, cương quyết theo đuổi đến cùng nhưng không được hồ đồ...”.
Đạo diễn Hồ Trung Tú chiêm nghiệm: “Làm văn hóa mà không xuất phát từ một người có chuyên môn làm văn hóa thì sẽ không nhận thức đủ các vấn đề về văn hóa để tham mưu, đề xuất lãnh đạo. Rất may, Huỳnh Hùng có điều quan trọng đó”. Trong những việc Huỳnh Hùng cùng tập thể ngành VH-TT Đà Nẵng đã làm được, nhắc đến việc cùng “bắt tay” với tỉnh TT-Huế xây dựng hồ sơ, đệ trình và đã được công nhận Hải Vân Quan là Di tích cấp quốc gia của hai tỉnh thành, điều mà trước đó chưa ai làm được. “Đó là việc khó mà làm được là giỏi”, Hồ Trung Tú khen.
Trong công việc và cuộc sống, Huỳnh Hùng không hẳn đã được lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, dù thích hay không thì cũng phải ghi nhận nơi người NSND này ý thức trách nhiệm của một trí thức đối với văn hóa, lịch sử. Như ông từng đau đáu: “Chúng ta cũng nên nghĩ, thời đại mình, thế hệ mình rồi sẽ để lại gì cho mai sau?”!
PHAN THỦY