Nước biển 4 tỉnh ven biển miền Trung an toàn

Thứ ba, 23/08/2016 10:59

(Cadn.com.vn) - Sáng 22-8, tại TP Đông Hà (Quảng Trị), Bộ TN - MT cùng Viện Hàn lâm Khoa học  - công nghệ Việt Nam và tỉnh Quảng Trị tổ chức công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh (Hà Tĩnh đến TT-Huế) sau hiện tượng hải sản chết hàng loạt trong tháng 4 vừa qua.

Từ kết quả công bố, nước biển tại 19 bãi tắm của 4 tỉnh đã an toàn, trong đó có bãi tắm nổi tiếng Cửa Việt (ảnh trên). Ảnh: Bảo Hà

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: với sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và các Phó Thủ trướng, Bộ TN - MT đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị KHCN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, ĐH Quốc gia Hà Nội và các địa phương liên quan triển khai quan trắc, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Các đơn vị tham gia với sự chứng kiến của đại diện các địa phương đã triển khai nhiệm vụ được giao với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương trên cơ sở khoa học, đảm bảo đúng yêu cầu của các quy trình, phương pháp theo quy định của Việt Nam và phù hợp với quốc tế.

Trình bày báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh, GS.TS Mai Trọng Nhuận, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay từ tháng 4 đến tháng 5 - 2016, thực hiện chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và các hệ sinh thái trên phạm vi 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; tiếp sau đó, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển do sự cố môi trường được tiến hành từ tháng 6 đến ngày 16- 8 - 2016 trên phạm vi vùng biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế. Kết quả quan trắc, đánh giá đã được thông qua tại Hội đồng thẩm định do Bộ TN - MT thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực: môi trường biển, sinh học biển, thủy văn, hải dương học, địa hóa, hóa học... và đại diện các bộ, ngành liên quan; tiếp thu ý kiến phản biện của một số chuyên gia trong nước và quốc tế. Đến thời điểm này, chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến TT-Huế cho kết quả tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT - đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước. Phản biện về kết quả này trong báo cáo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều đồng tình, trong đó có TS Friedhelm Schroeder, chuyên gia đến từ Đức khẳng định phương pháp lấy mẫu, giám định khoa học, tin cậy và có thể khẳng định các bãi tắm đã an toàn. Điều này có nghĩa hoạt động du lịch, dịch vụ bãi tắm sẽ hồi sinh từ đây.

GS.TS Mai Trọng Nhuận báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh. Ảnh: Bảo Hà

Về chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, không chỉ đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước mà cả nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Cũng theo kết quả công bố, trong tháng 4 và 5 - 2016, các rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng, nhóm san hô cành bị chết hàng loạt. Đến tháng 7-2016, ghi nhận không còn xảy ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng, đã thấy hiện tượng san hô phục hồi tự nhiên và ấu trùng san hô bắt đầu định cư, phát triển trên nền đáy rạn.

Về giá trị các thông số sắt, tổng phenol và cyanua (là nguyên nhân chính gây sự cố môi trường) biến động theo xu hướng giảm dần. Cụ thể đối với sắt, kết quả quan trắc tháng 6 - 2016, chỉ còn 1,8% số mẫu vượt giới hạn cho phép, tuy nhiên giá trị vượt không nhiều và chủ yếu là mẫu tầng đáy. Các mẫu vượt giới hạn tập trung ở vùng biển Quảng Bình và TT-Huế. Như vậy, hàm lượng sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu có hàm lượng vượt giới hạn cho phép cũng đã giảm xuống. Hàm lượng cyanua trong nước tháng 5- 2016 dao động từ 0,002 - 0,1 mg/l, lớn hơn nhiều so với tháng 6-2016 (giá trị cao nhất là 0,002 mg/l) và đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN. Riêng thông số tổng phenol trong nước biển, ghi nhận vào tháng 6-2016 hàm lượng tổng phenol trong nước có tăng lên và có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy. Đến tháng 8-2016, hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà -TT-Huế (khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, đòi hỏi tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên. Việc đánh giá màng bám hệ keo sắt hấp phụ các độc tố phenol, cyanua... được thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác cho thấy hàm lượng phenol đã giảm mạnh trong tháng 6 và 7-2016, dao động trong khoảng 0,32 - 1,75 ppm. Nhiều nơi hàm lượng phenol đã giảm hơn 90% so với tháng 4 và 5-2016 (hòn Sơn Dương, Chân Mây, Sơn Chà, Hải Vân). Khu vực Cồn Cỏ - Quảng Trị, do nằm cách xa đất liền (cách bờ 27km), nên hàm lượng phenol có giá trị thấp nhất (nhỏ hơn 0,01ppm). Rạn san hô ở đây cũng không bị ảnh hưởng. Tại các khu vực cách bờ 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ-Quảng Bình (khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - TT-Huế (khoảng 160 km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được quan trắc và giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

Trước những kết quả này, Phó GS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển nhấn mạnh bộ, ngành cần gửi chi tiết báo cáo này về từng địa phương để thông báo rộng rãi cho nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ sớm tổ chức hội nghị để báo cáo kết quả với người dân. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cũng cho hay thời gian qua địa phương đã nỗ lực, tìm các giải pháp chuyển đổi sinh kế cho người dân, ổn định tình hình. Để tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ TN - MT sẽ tiếp tục các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường biển, đặc biệt giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.

Bảo Hà

Ngư dân LÊ VĂN THẠNH, thôn 2 Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh):

 

Tui vừa đi biển về với thành phẩm 2kg vừa cá và ghẹ chỉ bán được khoảng vài trăm ngàn đồng, nếu trước đây biển chưa nhiễm độc bán được từ 400- 500.000 đồng. Công bố biển sạch nhưng cá bán có ai mua đâu, mà mua thì rẻ bèo, chỉ 1/3 so với trước. Cái chúng tôi cần là Nhà nước làm sao cho người dân tin tưởng mua cá để chúng tôi yên tâm ra khơi. Cần lắm biển sạch, cá sạch để ra khơi, chứ cứ như thế này mãi khổ lắm.

Ngư dân MAI XUÂN LỢI (thôn Đồng Yên, xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh):

 

Ngư dân đánh bắt cá về không bán được là do người dân đang lo sợ cá còn bị nhiễm độc. Hiện nay cơ quan chức năng mới công bố nước biển an toàn cho việc tắm và nuôi trồng thủy sản; còn việc cá, mực ở biển đã ăn được chưa thì chưa thấy ai trả lời. Ngư dân chúng tôi đang thắc mắc không biết đến khi nào mới công bố...

Anh ĐOÀN THÚC KÝ, chủ quán Trà My tại bãi tắm Cửa Việt (TT Cửa Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị):

 

4 tháng cao điểm của bãi tắm Cửa Việt đã qua, biển không bóng người, hơn 40 hộ kinh doanh thiệt hại nặng nề, đứng ngồi không yên, khó khăn chồng chất nợ nần nhưng nặng lòng hơn cả là tìm cách khắc phục ô nhiễm, cứu biển sạch trở lại. Đến nay, Bộ TN&MT đã công bố các thông số cho thấy chất lượng nước biển đảm bảo, an toàn, bà con tui mừng và phấn khởi vô cùng. Các rạn san hô đang hồi phục cũng có nghĩa không lâu tới, cá giá trị kinh tế tầng đáy sẽ hồi sinh. Ngư dân đánh bắt ven bờ được trở lại biển, còn gì vui hơn.

Ngư dân NGUYỄN VĂN HÒA, xã Phú Hải, H.Phú Vang, TT-Huế:

 

Gắn bó với nghề đánh bắt gần bờ từ nhỏ, nhưng từ khi môi trường biển bị nhiễm độc do Formosa xả thải thì việc đánh bắt phải dừng lại. Hơn 4 tháng rồi mà chỉ mới công bố biển sạch, cá sạch không biết đến bao giờ mới công bố để chúng tôi ra khơi?

Ngư dân PHAN VĂN PHONG, trú thôn Nam, xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch (Quảng Bình):

 

Đã mấy tháng nay tôi không dám đi lộng, có thuyền bạn nào đánh bắt xa bờ mới đi cùng. Hôm nay đọc báo, thấy các cơ quan chức năng kết luận hiện trạng môi trường biển cơ bản đã ổn định, tuy nhiên ngư dân chúng tôi cũng đang rất nóng lòng muốn được biết ổn định như thế nào? Cá đã đánh bắt gần bờ được chưa? ăn được chưa? an toàn chưa?

Nhóm P.V