Nước Mỹ và nỗi ám ảnh Covid-19
Nước Mỹ hiện đang trải qua những ngày tồi tệ khi phải chứng kiến cuộc khủng hoảng kép - chính trị và y tế. Trong khu cuộc bầu cử đầy khó khăn vẫn chưa ngã ngũ, người dân Mỹ đã trải qua một tuần lễ nặng trĩu hoang mang, lo lắng khi mỗi ngày đều có thêm khoảng 150.000 ca nhiễm Covid-19, tăng 72% so với chỉ 2 tuần trước đó.
Nghiêm trọng hơn, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa dự báo nước Mỹ sẽ có thêm 40.000 ca tử vong vì đại dịch trong khoảng 3 tuần tới, tính từ nay cho tới ngày 5-12. Với những “con số biết nói” về số ca nhiễm tăng chóng mặt, về tình trạng bệnh viện ở nhiều nơi quá tải, đại dịch bùng phát trở lại tại nước Mỹ là thực tế đã hiện hữu chứ không còn là viễn cảnh xa xôi và nỗi ám ảnh lại phải đóng cửa nền kinh tế cũng rõ rệt hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là vì sao một cường quốc về khoa học công nghệ, về cả tiềm lực tài chính như Mỹ lại không thể kiểm soát được đại dịch hiệu quả?
Các chuyên gia cho rằng, thứ nhất, thách thức đầu tiên chính là bản chất biến đổi liên tục của virus SARS-CoV-2. Thứ hai là do nước Mỹ không có được chính sách nhất quán đối phó với đại dịch. Thứ ba là nhiều năm qua, chính phủ đã cắt giảm ngân sách y tế công của liên bang cho các tiểu bang, nên khi đại dịch xảy ra, nhiều bang không có đủ ngay tiềm lực tài chính để dập dịch. Thứ tư là khi đại dịch mới bùng phát lần đầu tiên hồi đầu năm, các vùng nông thôn, dân cư thưa thớt hơn thành phố gần như không bị ảnh hưởng khiến người Mỹ chủ quan, cho rằng những khu vực này khó có thể trở thành điểm nóng đại dịch. Thế nhưng giờ đây, những vùng này không hề miễn nhiễm và nguy cơ bùng phát cũng khá quan ngại, mà điển hình chính là bang Bắc Dakota. Thống kê cho thấy hiện khoảng 60 triệu người Mỹ sống ở các khu vực nông thôn hẻo lánh, đa số là người có tuổi và tỷ lệ có sẵn bệnh nền cao hơn nhiều so với những vùng dân cư khác, nên nguy cơ mắc Covid-19 của họ cao hơn. Và cuối cùng là nhiều nhà dưỡng lão và các bệnh viện nhỏ của Mỹ ở những điểm nóng dịch vẫn chưa được trang bị đủ số lượng cần thiết đồ bảo hộ chống dịch.
Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, Cố vấn của cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, bác sĩ Michael Osterholm vừa đề xuất nước Mỹ nên đóng cửa toàn bộ nền kinh tế trong 4-6 tuần, bởi ông cho rằng chỉ có cách làm triệt để như vậy mới có thể kiểm soát dứt điểm được đại dịch, thậm chí có một khoảng lặng để nền kinh tế có thể phục hồi.
Tuy nhiên, việc phải sống trong trong môi trường “bình thường mới” này tất nhiên không hề dễ dàng.
T.N