Ông Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc?

Thứ hai, 25/01/2021 09:42

Liệu tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thật sự trở nên dễ chịu hơn với Bắc Kinh sau khi nắm quyền hay không?

Ông Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013 khi còn là Phó tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Thách thức địa chính trị lớn nhất của ông Biden

Lên nắm quyền trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nền kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái và một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, Tổng thống Joe Biden sẽ có rất nhiều nhiệm vụ phải đảm đương. Và thách thức lớn nhất trên trường quốc tế sẽ là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia Dan Yergin - Phó Chủ tịch hãng tư vấn HIS Markit nhận xét. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mâu thuẫn về ý thức hệ, cạnh tranh về năng lực quân sự và quyền lực. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và ảnh hưởng của cả Mỹ, Trung Quốc với phần còn lại thế giới khiến các nguy cơ rủi ro ngày càng gia tăng.

“Vấn đề địa chính trị số một là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Dan Yergin phát biểu với CNBC tại Diễn đàn năng lượng toàn cầu của Hội đồng Atlantic hôm 19-1. “Liệu đó có phải là một cuộc chiến tranh Lạnh mới không? Nó không giống như cuộc chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bởi vì hai nền kinh tế này quá phụ thuộc vào nhau. Chúng ta sẽ nhận thấy nhiều quốc gia khác đang lo ngại về việc phải chọn bên nào”.

Theo chuyên gia Dan Yergin, các nhà lãnh đạo tại Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latin đã tỏ ra lo ngại và phản đối việc bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc trên thế giới. “Tôi cho rằng đây sẽ là một quá trình phức tạp vì có nhiều yếu tố đan xen”, ông Dan Yergin nói.

Tiếp tục có thái độ cứng rắn

Động thái trừng phạt 28 quan chức thời Tổng thống Donald Trump được coi là đòn nắn gân của Trung Quốc với chính quyền mới của ông Joe Biden. Không ít quan chức thời Tổng thống Trump nhận định rằng chính quyền ông Joe Biden sẽ mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng chia sẻ nhận định này, trong đó có Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Thượng nghị sĩ Marco Rubio. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá nhiệm kỳ của ông Biden sẽ ít kịch tính hơn nhưng sẽ vẫn mạnh tay với Bắc Kinh.

"Tôi nghĩ không có gì phải nghi ngờ rằng chính quyền ông Biden sẽ rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Điều đó là rõ ràng vì lưỡng đảng ở Mỹ đang có sự đồng lòng mạnh mẽ rằng đã đến lúc Mỹ đứng lên chống Trung Quốc", nhà cựu ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani nhận định trên đài CNBC sau bài phát biểu của ông Biden.

Tương tự, đài Fox News dẫn lời nhà phân tích chiến lược cấp cao Jack Keane đánh giá chính sách đối ngoại của ông Biden liên quan đến Trung Quốc sẽ tương đồng với người tiền nhiệm Donald Trump. Theo ông Mahbubani, dưới thời ông Trump, dù 2 cường quốc đối đầu kịch liệt trong vấn đề thương mại và công nghệ, Washington đã tìm cách kết nối các nước chống Trung Quốc. Nhưng thách thức của Mỹ vẫn là sức ảnh hưởng kinh tế, chính trị lớn của Trung Quốc tại châu Á. "Điều quan trọng ở đây là liệu chính quyền ông Biden sẽ lắng nghe các nước trong khu vực trước khi triển khai bất cứ chính sách nào chống Trung Quốc", ông Mahbubani nói.

Các nhân vật mà Tổng thống Biden đề cử cũng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền mới đã không ngần ngại bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Trong phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện ngày 20-1, ông Antony Blinken - người được đề cử giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ - nhấn mạnh, Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, nhưng nói thêm rằng ông không ủng hộ các biện pháp mà ông Trump đã thực hiện. Ông Antony Blinken khẳng định, Trung Quốc đã đặt ra thách thức quan trọng nhất đối với Mỹ.

Sẽ không vội vã giải quyết chiến tranh thương mại

Ông Biden thừa hưởng từ người tiền nhiệm mối quan hệ rối ren với Trung Quốc, từ cuộc chiến thương mại đến lệnh trừng phạt các hãng công nghệ lớn. Vài tuần gần đây, quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên căng thẳng, khi Washington áp thêm lệnh hạn chế việc kinh doanh và đầu tư vào Trung Quốc. Tân tổng thống Mỹ sẽ có cách tiếp cận dễ đoán hơn và mang tính ngoại giao hơn cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính quyền mới không thể nới lỏng sức ép với Bắc Kinh quá nhiều trong vấn đề thương mại và công nghệ.

Theo trang The Strategist, các biện pháp thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc thời ông Trump có thể là công cụ hữu ích để Tổng thống Biden sử dụng trong các cuộc thương thảo thời gian tới.  Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, gần đây cho biết chính quyền ông Biden không vội rút lại các biện pháp thuế quan trên và tìm kiếm hướng tiếp cận mới để buộc Trung Quốc thay đổi hoặc điều chỉnh các tập quán thương mại bị xem là gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Không dừng lại ở đó, ông Biden còn tỏ ý cho biết sẽ bắt tay với các đồng minh truyền thống để đối phó Bắc Kinh.

"Mỹ rất khó đảo ngược xu hướng cứng rắn gần đây trong các chính sách với Trung Quốc, đặc biệt khi quan điểm tiêu cực về Bắc Kinh đang ngày càng tăng", Sylvia Sheng, chiến lược gia toàn cầu tại JP Morgan Asset Management cho biết trong một báo cáo gần đây.

Những người được ông Biden đề cử vào nội các của ông cũng củng cố quan điểm này. Bà Janet Yellen- người được ông Biden lựa chọn cho vị trí Bộ trưởng Tài chính- cam kết sẽ giải quyết "những động thái phi pháp, bất công và mang tính lạm dụng" của Trung Quốc.

AN BÌNH