Ông Narendra Modi và bầu cử Ấn Độ (Kỳ 4: Lấy danh nghĩa bảo vệ bò)

Thứ ba, 16/04/2019 11:35

Các nhóm bảo vệ bò mọc lên như nấm kể từ khi BJP lên nắm quyền vào năm 2014. Thủ tướng Modi cáo buộc các nhóm này là những nhóm chống đối xã hội, giả mạo danh nghĩa để chống người Hồi giáo.

Người Ấn giáo tôn sùng con bò, coi đó là con vật linh thiêng.  Ảnh: BBC

Công cụ để tống tiền

Rajasthan là một điểm du lịch quốc tế. Nó gợi lên hình ảnh của những pháo đài tuyệt đẹp, các phiên chợ đầy màu sắc, khách sạn được trang trí nghệ thuật và thú vui cưỡi lạc đà trong sa mạc khắc nghiệt. Nhưng bang này cũng là căn cứ của chủ nghĩa bảo vệ bò đầy bạo lực chống người Hồi giáo.

Nhiều người Ấn giáo tôn sùng con bò, coi đó là con vật linh thiêng. Các phong trào bảo vệ bò xuất hiện từ những năm 1870. Xung đột về giết mổ bò trong quá khứ đã kích động các cuộc bạo loạn tôn giáo chết người, các cuộc biểu tình bên ngoài Quốc hội và thậm chí là các cuộc tuyệt thực. Các nhóm bảo vệ bò mọc lên như nấm kể từ khi BJP lên nắm quyền vào năm 2014. Đối với những người ủng hộ ông Modi, bò cần được bảo vệ. Luật giết mổ đã được củng cố và các hình phạt được tăng cường làm cho các quy định này trở nên thảm khốc. Ở Rajasthan, những người giết mổ bò hoặc vận chuyển bò để giết mổ có thể lĩnh án 10 năm tù.

Ở các vùng phía bắc và tây Ấn Độ, các nhóm bảo vệ bò lập các trạm kiểm soát trên đường cao tốc, kiểm tra các phương tiện chở bò và gây khó dễ các nông dân chăn nuôi bò sữa, buôn bán và chăn gia súc, đa số là người Hồi giáo. Bảo vệ bò đã trở thành công cụ để tống tiền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết ít nhất 44 người - 36 người trong số họ theo đạo Hồi - đã thiệt mạng trong các vụ việc lấy danh nghĩa bảo vệ bò kể từ năm 2015, và hàng trăm người khác bị thương.

Chính Thủ tướng Modi đã lên án các cuộc tấn công như vậy, và cáo buộc các nhóm bảo vệ bò này là những nhóm chống đối xã hội, giả mạo danh nghĩa để chống người Hồi giáo. Nhưng các nghị sĩ của BJP thân cận với thủ tướng đã phát đi những tín hiệu khác nhau.

"Không hy vọng gì về công lý"

Pehlu Khan đã bị giết vì đưa những con bò của mình về nhà. Người nông dân chăn nuôi bò sữa 55 tuổi sống ở Nuh, một huyện thuộc bang Haryana, phía bắc Ấn Độ với vợ và 5 người con. Haryana là một nơi không có gì đặc biệt, một thị trấn bụi bặm với những ngôi làng có đa số người Hồi giáo sinh sống. Người dân ở đây nuôi gia súc trong trang trại và bán sữa bò để kiếm sống.

Tháng 4-2017, Pehlu đang lái xe về nhà với 2 con trai và 2 người cùng làng. Họ đang vận chuyển số gia súc đã mua tại một hội chợ gia súc ở bang Rajasthan lân cận. Sau khi lái xe vài giờ và vượt qua một số trạm kiểm soát, họ bị 6 người đàn ông đi xe máy đuổi theo và chặn xe lại. "Chúng tôi cho họ xem các giấy tờ mua bán. Họ xé giấy và nói rằng họ đến từ Bajrang Dal (một nhóm cánh hữu cực đoan của người Ấn giáo)", Arif, con trai của Pehlu, kể lại. "Sau đó, họ kéo chúng tôi xuống khỏi xe. Họ đánh bố tôi rất nhiều. Họ đấm, đánh ông ấy bằng bất cứ thứ gì họ có được, như gậy, thắt lưng. Chẳng mấy chốc, một đám đông tụ tập và hùa theo. "Chúng là người Hồi giáo. Đánh chúng đi", bọn chúng hú lên", Arif kể. Khi cảnh sát đến giải cứu, ông Pehlu đã bất tỉnh. Đám đông đã cướp tất cả bò, 3 điện thoại và 45.000 rupee tiền mặt của họ. Cảnh sát đã đưa các nạn nhân đến bệnh viện. Ông Pehlu chết 2 ngày sau đó.

Pehlu là một người sùng đạo, siêng năng. "Ông ấy đã làm việc chăm chỉ để nuôi chúng tôi", vợ ông, bà Jaibuna, cho biết. Sau khi ông qua đời, gia đình đã bán hết bò để trả chi phí pháp lý. Gia đình ông không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Trước khi chết, Pehlu đã nêu tên 6 kẻ đã tấn công ông. Nhưng cảnh sát đã không bắt giữ chúng, mà ngươc lại còn đệ đơn khiếu nại các nạn nhân, bao gồm cả ông Pehlu, với cáo buộc buôn lậu bò.

Vào tháng 9, 2 con của ông Pehlu và 2 nhân chứng khác trong vụ tấn công đang trên đường ra tòa để đưa ra bằng chứng, thì bị một chiếc SUV đuổi theo và yêu cầu họ quay về. "Khi chúng tôi nói không, một người đàn ông trong xe đã bắn lên không trung. Chúng tôi đành quay xe lại và trở về nhà", Arif kể. Kể từ đó, họ đã không trả lời lệnh triệu tập của tòa án. "Tôi rất sợ. Chúng tôi mất cha. Bây giờ tôi không muốn chết. Tôi không hy vọng gì về công lý. Tôi chỉ muốn sống", Arif nói. 5 tháng sau vụ tấn công, các cáo buộc chống lại 6 người đàn ông đã bị cảnh sát Rajasthan bỏ rơi.

Tháng 12 năm ngoái, đảng Quốc đại đối lập chính đã đánh bại BJP và nắm quyền ở Rajasthan. "Tuy nhiên, không có gì thay đổi. Những người lấy danh nghĩa bảo vệ bò vẫn điều khiển các trạm kiểm soát. Chúng tôi vẫn sợ, không dám chở bò ra ngoài", Arif cho biết.

AN BÌNH