Ông Putin – "cha đẻ" của ý tưởng hiệp ước hòa bình với Nhật
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok hôm 12-9 đưa ra ý tưởng ký kết một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản vào cuối năm nay mà "không có điều kiện tiên quyết nào". Tuy nhiên, việc chấp nhận đề xuất của ông Putin sẽ đi ngược lại vị thế lâu dài của Tokyo về tranh chấp lãnh thổ.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga. Ảnh: AP |
Đề xuất này dường như cố tình khiến Thủ tướng Shinzo Abe mất cảnh giác. Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản cho biết, đề xuất này đã không được đưa ra tại cuộc họp song phương giữa hai nhà lãnh đạo chỉ 2 ngày trước đó. Tokyo nhanh chóng nhắc lại quan điểm đã từng đưa ra trước đây: cần giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Nga trước khi hoàn thành hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II.
Hôm 10-9, tại buổi gặp bên lề sự kiện thường niên, ông Putin nói rằng "sẽ ngây thơ" khi nghĩ rằng tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo do Nga kiểm soát ở phía bắc Nhật Bản có thể được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, khi ông Abe phát biểu trước phiên họp toàn thể hôm 12-9 rằng, hai bên đang nỗ lực để đạt được tiến bộ, ông Putin đã nắm bắt cơ hội này, bằng cách đề xuất ký kết hiệp ước hòa bình Nga-Nhật. "Tôi và Tổng thống Putin có cùng quan điểm rằng, thật là một tình huống bất thường khi Nhật và Nga không thể ký kết hiệp ước hòa bình dù đã hơn 70 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh", ông Abe nói.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản, người được dự đoán sẽ giành thêm một nhiệm kỳ 3 năm nữa với tư cách là người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 20-9 tới, cho rằng việc ký kết hiệp ước hòa bình sẽ không dễ dàng gì nhưng đề xuất của nhà lãnh đạo Nga là một bước đi để đạt được điều đó: "Nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, thì khi nào?, Và nếu chúng ta không làm điều đó, thì ai sẽ làm?". Ông Abe ngày 14-9 cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Putin vào khoảng tháng 11 đến 12-2018 và chỉ ra tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh này. "Các cuộc thương lượng giữa các nhà lãnh đạo được tổ chức vào tháng 11-12 sẽ rất quan trọng", Đài NHK dẫn lời ông Abe nêu rõ.
Ông Putin cho biết, đề xuất của mình là phản ứng tự phát đối với những nhận xét của ông Abe. "Một ý tưởng đã nảy ra trong đầu tôi. Hãy kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình trước cuối năm nay, mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào", ông Putin nói.
Giải quyết vấn đề lãnh thổ trước
Quần đảo tranh chấp, được Nga gọi là Nam Kurils trong khi Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc, bị Liên Xô tịch thu năm 1945 sau khi kết thúc Thế chiến II. Năm 1956, Nhật Bản và Liên Xô đồng ý chấm dứt "tình trạng chiến tranh" và khôi phục quan hệ ngoại giao. Trong tuyên bố chung đó, Liên Xô đồng ý chuyển cho Nhật Bản hai hòn đảo, Habomai và Shikotan.
Ông Putin ngụ ý rằng, sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình, các cuộc đàm phán tiếp theo có thể được tổ chức liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ông Putin nói: "Hai nước có thể tiếp tục giải quyết tất cả các vấn đề nổi bật như những người bạn. Đối với tôi, dường như điều này sẽ tạo điều kiện giải quyết mọi vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết trong suốt 70 năm qua".
Thật vậy, các quan chức chính phủ Nga sau đó chỉ ra rằng, hiệp ước hòa bình Nga-Nhật tạo tiền đề cho hai bên tiếp tục thảo luận các vấn đề chưa được giải quyết, như vấn đề lãnh thổ. Tuy nhiên, ông Yoshihide Suga, thư ký nội các chính phủ Nhật Bản kiêm phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ, nói tại cuộc họp báo: "quan điểm của chúng tôi về vấn đề Vùng lãnh thổ phía Bắc phải được giải quyết trước bất kỳ hiệp ước hòa bình nào vẫn không thay đổi".
Trong những năm gần đây, ông Abe theo đuổi các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp với nỗ lực xây dựng động lực hướng tới một giải pháp bền vững hơn. Đầu năm 2018, ông Abe lập luận rằng, quan hệ Nhật - Nga có "tiềm năng lớn nhất trong bất kỳ mối quan hệ song phương nào" - một quan điểm được tái khẳng định trong Sách Đỏ ngoại giao hàng năm của Nhật Bản, được phát hành hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, ngay cả những sáng kiến kinh tế khiêm tốn vẫn còn tiến triển chậm chạp, trong bối cảnh không có sự chắc chắn về khuôn khổ pháp lý có thể áp dụng.
AN BÌNH