Ông Trump cảnh báo tăng thuế, chiến tranh thương mại leo thang

Thứ sáu, 07/06/2019 10:28

Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đòn trừng phạt áp thuế hiện tại và đe dọa trả đũa thuế giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 giảm 0,5%.

Một công nhân làm việc bên ngoài trung tâm hậu cần gần cảng Thiên Tân của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-6 lại đe dọa sẽ tấn công Trung Quốc bằng cách áp thuế bổ sung trị giá “ít nhất” 300 tỷ USD, động thái khiến cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước lại “có cơ hội” leo thang đáng lo ngại.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng mạnh kể từ khi các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt thương chiến bị đổ vỡ hồi đầu tháng 5. Trong khi ông Trump nói rằng, các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra, không có cuộc đàm phán trực tiếp nào được tổ chức kể từ ngày 10-5, ngày ông chủ Nhà Trắng tăng mạnh thuế đối với danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25%, khiến Bắc Kinh trả đũa.

Đe dọa tăng thuế bổ sung “ít nhất” 300 tỷ USD

“Cuộc nói chuyện của chúng tôi với Trung Quốc, rất nhiều điều thú vị sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra... Tôi có thể quyết định áp thuế bổ sung ít nhất 300 tỷ USD và tôi sẽ làm điều đó vào đúng thời điểm”, ông Trump nhấn mạnh khi nói với các phóng viên trong ngày 6-6. Tuy nhiên, ông Trump chưa cho biết cụ thể những mặt hàng nào của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng và nỗ lực giảm nhẹ những lo lắng khi cho rằng cả Trung Quốc và Mexico đều muốn đạt được các thỏa thuận trong tranh chấp thương mại với Mỹ. 

Theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đòn trừng phạt áp thuế hiện tại và đe dọa trả đũa thuế giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 giảm 0,5%. Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng, việc đánh thuế trả đũa giữa hai bên như Tổng thống Trump đe dọa có thể khiến GDP toàn cầu giảm 455 tỷ USD, mức thiệt hại lớn hơn tổng GDP của Nam Phi, một thành viên của G20.  Bà Lagarde nhấn mạnh không nhìn thấy mối đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuộc thương chiến mở rộng của Mỹ và Trung Quốc, nhưng theo bà, thế giới cần phải tránh những vết thương lây nhiễm này, bằng cách dỡ bỏ những rào cản thương mại mới được dựng lên gần đây và không để xuất hiện thêm các rào cản mới dưới bất kỳ hình thức nào.

Trung Quốc nói sẽ “chiến đấu” đến cùng

Trong phản ứng mới nhất sau tuyên bố cảnh báo của ông Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ “chiến đấu” đến cùng, nếu Mỹ quyết định leo thang căng thẳng thương mại. Bắc Kinh cho biết sẽ phải áp dụng các biện pháp đối phó cần thiết và đổ lỗi rằng, chính áp lực của Mỹ đã gây ra những thất bại nghiêm trọng cho các cuộc đàm phán thương mại.

Trên thực tế, trong bối cảnh thương chiến với Mỹ leo thang, Trung Quốc đã tìm đến Nga và xem ra họ đã gặt hái được những thành quả lớn. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow ngày 5-6, hai nước đã ký kết tổng cộng 23 thỏa thuận về các lĩnh vực kinh tế, đầu tư và giáo dục.  Trong đó, thỏa thuận được chú ý nhất là dành cho gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đòn tấn công kinh tế và kêu gọi tẩy chay của Mỹ. Huawei đã ký thỏa thuận với Cty viễn thông MTS để phát triển mạng 5G tại Nga trong năm tới trong bối cảnh nhiều nước phương Tây đang được Mỹ khuyên không sử dụng thiết bị này của Huawei. Tuyên bố của MTS cho biết, thỏa thuận sẽ cho thấy “sự phát triển công nghệ 5G và sự khởi đầu thí điểm của mạng lưới thế hệ thứ 5 trong năm 2019-2020”. Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Quách Bình tuyên bố thật sự vui mừng với thỏa thuận trong lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược như 5G.

KHẢ ANH