Ông Trump đang đẩy Trung- Nhật xích lại gần nhau?
Với chuyến thăm Trung Quốc lần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng đưa mối quan hệ song phương căng thẳng bước sang một giai đoạn mới. Và tình hình thay đổi phần lớn là "nhờ" Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, lần đầu tiên gặp gỡ với tư cách là lãnh đạo vào năm 2014, tại một diễn đàn ở Bắc Kinh. Họ bắt tay nhau nhưng ánh mắt u ám. Cả hai dường như quyết tâm cho thấy họ không hề muốn cuộc gặp gỡ này xảy ra. 4 năm sau, ông Abe nhận được phản ứng nồng ấm hơn từ ông Tập khi ông đến Bắc Kinh hôm 25-10, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên kéo dài 3 ngày của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Trung Quốc trong gần 7 năm qua.
Một cái bắt tay ấm áp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Vladivostok, Nga hồi tháng 9. Ảnh: CNN |
Chính sách ngoại giao "không giống ai"
Chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump đối với các liên minh thương mại và quân sự đã khiến Tokyo cảm thấy không chắc chắn về sự ủng hộ của Mỹ đối với mối quan hệ đã tồn tại kể từ cuối Thế chiến II.
Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh quân đội ở Đông Á phải trả tiền phòng thủ của mình, đe dọa kết thúc sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, đồng thời khuyến khích Tokyo mua thêm vũ khí của Washington. "Cả Nhật Bản và Trung Quốc đang được Mỹ nhắm mục tiêu", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị, tại Đại học Sophia ở Tokyo nhận định. "Ông Tập Cận Bình muốn nói với ông Abe rằng họ nên ở cùng nhau".
Và thực tế là, với chuyến thăm Trung Quốc lần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng đưa mối quan hệ song phương căng thẳng bước sang một giai đoạn mới. Và tình hình thay đổi phần lớn là "nhờ" Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Con át chủ bài của ông Trump
Bắc Kinh và Tokyo trước đây có mối quan hệ khác nhau với Washington - một bên là đối thủ, một bên là đồng minh- nhưng hiện giờ cả hai nước đều phải đối mặt với những chèn ép tương tự từ chính quyền Tổng thốngTrump.
Những tranh chấp của ông Trump với Bắc Kinh đang gây ra những hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu và đấu trường ngoại giao. Hàng tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ. Trong những tháng gần đây, tranh chấp lan rộng, vượt khỏi vấn đề kinh tế, chuyển sang các vấn đề quân sự và chính trị. Ông Trump thậm chí còn cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.
Đối với Nhật, cuộc xung đột còn phức tạp và bất ngờ hơn. Mỹ đã là một đồng minh quân sự và ngoại giao thân cận của Tokyo trong hơn 70 năm. Minh chứng là ông Abe là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp ông Trump sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Mặc dù có nhiều cuộc họp, và một nỗ lực phối hợp để lên án Tổng thống Mỹ, chính phủ Nhật Bản đã bị bỏ sang một bên.
Về mặt ngoại giao, ông Abe bị bỏ rơi trong các cuộc đàm phán cấp cao giữa Bình Nhưỡng, Washington và Seoul. Không giống như các đồng minh khác của Mỹ như Australia, Nhật Bản không được miễn thuế quan đối với nhập khẩu thép và nhôm, trong khi Tổng thống Mỹ cũng có những phát biểu khắc nghiệt về thương mại với Nhật Bản. Hồi tháng 4, ông Trump viết trên Twitter rằng, Nhật đã "đánh mạnh vào nền thương mại của chúng ta trong nhiều năm". Tokyo có thặng dư thương mại gần 70 tỷ USD với Mỹ. "Ông Trump tin rằng, Nhật-Hàn không chơi công bằng về thương mại và ông bị mắc kẹt với quan điểm đó", Richard McGregor, nhân sự cấp cao tại Viện Lowy ở Sydney, cho biết.
Vẫn nhiều thách thức
Tuy nhiên, bất chấp những động thái của Mỹ đang đẩy Bắc Kinh và Tokyo xích gần nhau hơn, lịch sử thù địch lâu dài của hai nước khiến cho việc xây dựng mối quan hệ thân thiết trở nên khó khăn.
Mối quan hệ khó khăn đã xuất hiện kể từ khi kết thúc Thế Chiến II, trong bối cảnh sự chiếm đóng tàn bạo của Nhật Bản ở nhiều khu của Trung Quốc. Nỗ lực tiến tới "bình thường hóa" quan hệ được thực hiện vào năm 2012 nhưng những tranh chấp lâu dài về quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku khiến mối quan hệ ngoại giao "lạnh lùng" lên đến đỉnh điểm trong cuộc họp giữa ông Abe và Tập vào năm 2014. Sự ấm lên trong quan hệ giữa hai nước bắt đầu vào tháng 9-2017 khi ông Abe trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản trong 15 năm qua tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh tại Đại sứ quán Trung Quốc.
Trong bối cảnh ông Trump đang gây khó dễ về các vấn đề thương mại và an ninh, Trung-Nhật đang nỗ lực xoa dịu các mối quan hệ trong khu vực khi họ tìm kiếm các đồng minh để giúp họ vượt qua "cơn bão Mỹ". Hiện tại, cả hai nước đều có vẻ nhiệt tình thúc đẩy thương mại tự do. Nhưng mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa hai nước không có nghĩa là tất cả các vấn đề giữa Tokyo và Bắc Kinh đã được giải quyết, và cũng không có gì đảm bảo mối quan hệ ấm lên này sẽ tồn tại mãi. Tuần trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai chỉ trích Thủ tướng Abe vì đã gửi đồ lễ đến Đền Yasukuni, ngôi đền ở Tokyo, tôn vinh các tội phạm chiến tranh của Nhật.
Trong khi các đời tổng thống Mỹ và các chính sách của họ đến và đi, những bất đồng sâu sắc giữa Trung-Nhật về lịch sử và lãnh thổ vẫn còn đó.
AN BÌNH