Ông Trump với "chiêu bài" kiếm tiền từ quốc phòng
Tổng thống Mỹ tự hào về việc Hàn Quốc đang chi nhiều hơn để trả cho liên minh với Mỹ.
Trại Humphreys ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Ảnh: AFP |
Mỹ sắp bàn giao thêm 4 máy bay chiến đấu tàng hình cho Hàn Quốc Các nguồn tin quân sự ngày 19-8 cho biết, Mỹ sắp bàn giao thêm 4 máy bay chiến đấu F-35A cho Hàn Quốc vào cuối tuần này, nâng tổng số máy bay chiến đấu tàng hình của Không quân Hàn Quốc lên 8 chiếc. Theo nguồn tin trên, các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5, do Cty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, chuẩn bị đến phi đội tiêm kích 17 ở Cheongju, cách thủ đô Seoul 140 km về phía nam vào sáng 22-8 tới. Cho đến nay, 4 chiếc F-35A đã tới đây - 2 chiếc tới hồi tháng 3 và số còn lại tới hồi tháng 7, theo kế hoạch của Seoul để triển khai tổng cộng 40 máy bay chiến đấu tàng hình đến năm 2021. Theo Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc, đến cuối năm nay, 10 chiếc F-35A sẽ được bàn giao cho Hàn Quốc. Theo các quan chức Không quân Hàn Quốc, là một trọng tâm trong kế hoạch mục tiêu chiến lược của đất nước chống lại các lực lượng kẻ thù tiềm tàng, máy bay chiến đấu dự kiến sẽ tăng cường khả năng hoạt động và tăng cường tư thế sẵn sàng chống lại các mối đe dọa từ mọi hướng. B.NGÂN |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giành chiến thắng từ những người ủng hộ đối với việc thương mại hóa vũ khí. Hiện giờ, trong một động thái gây tranh cãi tương tự, ông chủ nhà Trắng dường như đang kiếm tiền từ quốc phòng.
Sử dụng hình thức giao tiếp ưa thích của mình, Twitter, ông Trump cho rằng Hàn Quốc cảm thấy có nghĩa vụ phải đóng góp cho các hoạt động quốc phòng do Mỹ cung cấp. Trên thực tế, từ năm 1991, Hàn Quốc đã trả một phần chi phí cho việc đóng quân của Mỹ tại nước này, cho thấy ông Trump đề cập đến là sự gia tăng đóng góp của Hàn Quốc. Ông viết trên Twitter: "Hàn Quốc đã đồng ý trả thêm một khoản đáng kể cho Mỹ để bảo vệ trước Triều Tiên. Trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc đã trả rất ít cho Mỹ nhưng năm ngoái, theo yêu cầu của Tổng thống Trump, Hàn Quốc đã trả 990 triệu USD".
"Hãy chi thêm tiền"
Hồi tháng 2, Seoul đã đồng ý trả 1,04 nghìn tỷ won (879 triệu USD) cho việc chia sẻ chi phí quốc phòng trong năm nay - tăng 8,2% so với con số 960 tỷ won được trả vào năm ngoái. Mặc dù vậy, số tiền này ít hơn một nửa chi phí hàng năm được chi cho Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK). Tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ trích dẫn các tài liệu của USFK cho biết, năm ngoái đóng góp của Hàn Quốc chiếm 41% tổng chi phí hàng năm.
Ông Trump cho biết các cuộc đàm phán về chi phí quốc phòng đang được tiến hành, một tuyên bố mà Seoul lịch sự bác bỏ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, các cuộc đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng vẫn chưa bắt đầu. Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng trước của Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà trắng John Bolton, hai bên mới chỉ nhất trí về việc sẽ thảo luận vấn đề theo hướng "hợp lý và công bằng". Tuy nhiên, một điều chắc chắn là quá trình đàm phán sắp tới giữa hai bên sẽ đầy khó khăn. Lầu Năm Góc có khoảng 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc. Quân nhân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc từ giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 tới nay. Quân đội và tài sản của Mỹ - từ các nhóm chỉ huy lữ đoàn bộ binh đến tàu sân bay và máy bay ném bom thường xuyên ra vào Hàn Quốc.
Tổng thống Trump cho rằng, chi phí cho lực lượng đồn trú tại Mỹ là nhằm giúp Hàn Quốc phòng thủ trước sự khiêu khích từ Triều Tiên. Thế nhưng, sự thật thì quân đồn trú tại Hàn Quốc đóng vai trò lớn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm kìm hãm Trung Quốc. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quyết định về khoản chia sẻ chi phí quân sự cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc mỗi 5 năm một lần, áp dụng mức tăng dựa trên tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu mức tăng mạnh và rút ngắn thời hạn xuống mỗi năm một lần. Kết quả là mức gánh vác của Hàn Quốc trong năm 2019 đã tăng tới hơn 8%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát.
Ngay từ những ngày đầu tham gia chính trường, ông đã tuyên bố rằng Mỹ đã gánh vác phần lớn chi phí quốc phòng, và yêu cầu các đồng minh cả đông và tây phải chi trả nhiều tiền hơn. Cách tiếp cận của ông Trump về ngoại giao quốc phòng đã gây ra một số căng thẳng - không chỉ với các đồng minh NATO, mà còn với cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Sự tập trung của ông vào tài chính cũng đã tạo ra "ma sát" ở Châu Á.
"Chiêu bài" tái đắc cử
Mỹ không chỉ gây sức ép về việc tăng cường chia sẻ chi phí quân sự với Hàn Quốc, mà còn với tất cả các nước đồng minh của mình, như Nhật Bản và các thành viên NATO. Ông Trump đang coi việc tăng quy mô chia sẻ chi phí quân sự của NATO là một thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ của bản thân. Trong thời gian tới, rất có thể Tổng thống Mỹ sẽ yêu cầu nâng mạnh khoản chia sẻ chi phí quân sự của Hàn Quốc, Nhật Bản, lấy đó là một "chiêu bài" quan trọng để giúp ông tái đắc cử. Ông Trump đang coi việc nâng khoản chi phí đóng góp của Hàn Quốc là một "thành quả" của bản thân, để chuẩn bị cho việc chạy đua chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, đồng thời lái sự quan tâm của dư luận nước này sang một vấn đề khác, thoát ra khỏi hai vụ xả súng gây chấn động gần đây.
AN BÌNH