OPEC khó cứu giá dầu

Thứ ba, 19/04/2016 09:13

(Cadn.com.vn) - Giá dầu ngày 18-4 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua sau khi cuộc đàm phán tại Doha về việc “đóng băng” sản lượng dầu thô đã sụp đổ.

Các cuộc đàm phán ở Doha sụp đổ gây chấn động thị trường dầu mỏ Châu Á
trong ngày 18-4. Ảnh: AFP

Bất chấp tham vọng đề ra, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ở trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể đạt bất kỳ thỏa thuận nào về việc “giới hạn” nguồn cung dầu trong bối cảnh giá dầu xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho biết, sau 6 giờ đàm phán, các nước khai thác dầu mỏ đều tuyên bố họ cần “thêm thời gian”. Các thành viên OPEC khẳng định cần đạt được thỏa thuận trong nội bộ, có thể là trong một hội nghị vào tháng 6 tới, trước khi tiếp tục đàm phán với các nước ngoài tổ chức này. Bước thất bại này gây tác động mạnh mẽ lên giá dầu trong ngày 18-4 và chắc chắn sẽ tiếp tục gây biến động trong thời gian tới. Tại Châu Á, giá dầu giảm trong phiên giao dịch sáng 18-4, với giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 giảm 2,2 USD. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 6 cũng giảm 2,23 USD.

Đàm phán đổ vỡ cũng làm giảm đáng kể uy tín của các nhà sản xuất dầu trong OPEC và khiến cả thế giới lặn ngụp trong biển nhiên liệu không mong muốn. Thất bại này cũng sẽ tác động đến nền kinh tế. “Trong ngắn hạn, giá dầu giảm liên tục sẽ làm lung lay lòng tin của nhà đầu tư và có thể làm trầm trọng thêm biến động tài chính”, Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng HSBC nhận định. Lo ngại càng tăng khi nền kinh tế toàn cầu vốn đang rất mong manh.

Nhiều người đổ lỗi cho Saudi Arabia và Iran. Quốc gia Hồi giáo Iran, đến phút chót quyết định không cử bất cứ đại diện nào tới tham dự hội nghị ở Doha lần này. Phía Tehran nhấn mạnh, nguyên nhân là do không thống nhất với mục đích đề ra của hội nghị Doha. “Hội nghị Doha là dành cho những người muốn tham gia kế hoạch đóng băng sản lượng dầu...nhưng Iran không dự định tham gia kế hoạch này”, phía Iran tuyên bố.

Saudi Arabia - vương quốc Hồi giáo Sunni và Quốc gia Hồi giáo Iran đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông, nơi mà họ đang tham chiến ở Syria và Yemen. Vì vậy, quyết định bất ngờ này của Tehran khiến Riyadh nổi giận. Tại Doha, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới ra “điều kiện tiên quyết” là Iran phải ký kết thỏa thuận “đóng băng” dầu mỏ.

Giá dầu giảm gần 70% kể từ giữa năm 2014 khi các nhà sản xuất lớn bơm 1-2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, vượt quá nhu cầu cần thiết. Một nguyên nhân khác là do hoạt động sản xuất dầu mỏ phi truyền thống tăng cao, trong đó có khí đá phiến của Mỹ. Các nước bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn và buộc phải áp dụng các biện pháp khắc khổ, nhất là các quốc gia Vùng Vịnh. Bất chấp dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh, các nhà sản xuất lớn như Saudi Arabia và Nga vẫn tiếp tục bơm sản lượng kỷ lục trong khi Iran cũng tăng sản lượng sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Hội nghị ở Doha được định hình nhằm hoàn tất thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu - vốn đưa ra từ hồi tháng 1 – để giúp vực dậy các thị trường dầu mỏ đang chao đảo và đẩy giá dầu lên cao. Thất bại lần này đang buộc cả thế giới phải chứng kiến nguy cơ ngày càng tăng của việc “cung vượt cầu” quá xa, đặc biệt là đối với Saudi Arabia. Nhưng dường như đối với giới lãnh đạo Saudi Arabia, niềm tự hào dân tộc và ý nghĩa chính trị quan trọng hơn so với giá dầu.

Khả Anh