Phá băng quan hệ Nhật - Trung

Thứ năm, 09/10/2014 09:18

(Cadn.com.vn) - Liệu Trung Quốc và Nhật Bản có thể gỡ tảng băng đè nặng trong quan hệ song phương nếu hai nhà lãnh đạo gặp nhau vào tháng 11 tới?

Giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng về mối quan hệ ấm dần lên giữa Nhật Bản với Trung Quốc khi Thủ tướng Shinzo Abe được cho sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng tới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Khả năng này càng được nói đến nhiều sau khi một phụ tá thân cận của ông Abe tuyên bố có thể hoãn chuyến thăm đền chiến tranh Yasukuni gây tranh cãi, động thái vốn luôn vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng, hai bên có thể đã lên kế hoạch cụ thể cho cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo lần này. Tất nhiên, cuộc họp ngắn ngủi này sẽ không thể giải quyết rốt ráo mọi mâu thuẫn nhưng đây là bước đột phá mang tính biểu tượng trong mối quan hệ đang lạnh giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á.

Có thể, trong thời gian 1 tháng chuẩn bị, Bắc Kinh nỗ lực tìm kiếm đảm bảo, Thủ tướng Abe sẽ không lặp lại việc thăm đền Yasukuni - nơi mà Trung Quốc xem là biểu tượng của quá khứ quân phiệt Nhật - trong thời gian tới. Một lời hứa công khai không đến thăm đền Yasukuni lần nào nữa chắc chắn là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với ông Abe, nhà lãnh đạo bảo thủ, mạnh mẽ và đang muốn viết lại Hiến pháp sau chiến tranh của Nhật Bản.

Nhưng Koichi Hagiuda, phụ tá thân cận của ông Abe trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền cho biết, Thủ tướng có thể không đến thăm đền trong thời gian dài nếu ông nhận thấy rõ những “lợi ích quốc gia” trong cam kết này. Bản thân ông từng thừa nhận ý nghĩa quan trọng của Hội nghị APEC năm nay và coi đó là cơ hội để Nhật-Trung xoa dịu căng thẳng xung quanh vấn đề lãnh thổ và lịch sử bên lề các cuộc gặp này.

Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm cam kết từ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là: sẽ không đến thăm đền Yasukuni lần nào nữa. Ảnh: AFP

Thủ tướng Abe, người liên tục kêu gọi hội đàm với Chủ tịch Tập nói trước Quốc hội hôm 8-10: “Tôi nghĩ, Bắc Kinh cũng dần tích cực hơn về việc cải thiện quan hệ Trung-Nhật”. Tối trước đó, ông Abe gặp gỡ bà Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm và được cho là người có mối quan hệ gần gũi với ông Tập Cận Bình, tại buổi biểu diễn khiêu vũ ở Tokyo. Bà Lý Tiểu Lâm được cho là đặc phái viên Chủ tịch Tập Cận Bình cử sang “làm lành” với Nhật.

Ngay sau khi lên nắm quyền Thủ tướng hồi năm 2006, ông Abe có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc và không đến đền Yasukuni trong một năm nhiệm kỳ - quyết định mà ông sau đó tuyên bố “lấy làm tiếc”. Tuy nhiên, ông Abe chưa một lần đến Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền lần hai năm 2012.

Một chuyến thăm đền Yasukuni cuối tháng 12-2013 càng khiến Bắc Kinh tức giận. Tất cả do những căng thẳng Tokyo-Bắc Kinh bùng phát quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cùng với những ngọn lửa âm ỉ trong việc cạnh tranh kinh tế-siêu cường cùng di sản cay đắng thời Nhật chiếm đóng Trung Quốc.

Mối quan hệ lạnh băng khiến hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới khốn đốn. Một nền kinh tế chậm lại và giảm mạnh khi nguồn tiền đầu tư Nhật cứ “đội nón ra đi” (giảm hơn 40%) là những yếu tố quan trọng thúc đẩy Bắc Kinh suy nghĩ lại mối quan hệ với Tokyo. Và lẽ dĩ nhiên, giảm căng thẳng cũng sẽ có lợi cho doanh nghiệp Nhật làm ăn tại Trung Quốc.

Nhưng vấn đề quan trọng hiện nay là liệu Chủ tịch Tập có đồng ý gặp gỡ Thủ tướng Abe tại Hội nghị APEC hay không?

Khả Anh