Trung - Mỹ xung đột vì Hồng Kông

Thứ sáu, 03/10/2014 07:45

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc khẳng định, việc xử lý khủng hoảng biểu tình Hồng Kông là công việc nội bộ của họ và cảnh cáo Mỹ “hãy tránh xa”.

Vấn đề biểu tình ở Hồng Kông phủ bóng đen lên mối quan hệ vốn không mấy êm ả giữa Trung Quốc và Mỹ. Khi Bắc Kinh vẫn “án binh bất động” chỉ tuyên bố ủng hộ cách xử lý khủng hoảng biểu tình của Hồng Kông, Washington liên tục kêu gọi chính quyền đặc khu này kiềm chế.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 2-10 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố, các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hông Kông không liên quan gì đến Mỹ. Thủ lĩnh ngoại giao Trung Quốc cũng thẳng thừng cảnh cáo Mỹ hãy “quay đầu trở lại”. “Vấn đề Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc... Tất cả các nước nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”, ông Vương Nghị nhấn mạnh đồng thời khẳng định sẽ không tha thứ cho “những hành động bất hợp pháp” – ám chỉ Mỹ can thiệp vấn đề Hồng Kông.

Cảnh sát được triển khai dày đặc quanh Văn phòng Trưởng Đặc khu Hồng Kông hôm 2-10 khi người biểu tình tiến đến bao vây nơi này. ẢNH: REUTERS

Ngoại trưởng Vương Nghị cho đến nay là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bình luận về làn sóng biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông. Dường như Chủ tịch Tập Cận Bình muốn để vụ việc cho các quan chức cấp thấp hơn và phương tiện truyền thông nhà nước giải quyết, nhằm phản ảnh quan điểm của Bắc Kinh.

Trong đó, tờ People Daily - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, chính quyền Trung ương cam kết ủng hộ Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh và cảnh báo, các cuộc biểu tình đang diễn ra có thể đẩy trung tâm tài chính này rơi vào tình trạng hỗn loạn. People Daily còn miêu tả những người biểu tình đang cố gắng phá vỡ trật tự xã hội “một cách ích kỷ”, làm tổn hại đến sự ổn định xã hội và thịnh vượng kinh tế của trung tâm tài chính thế giới này.

Thật vậy, biểu tình ở Hồng Kông đang khiến nền kinh tế của đặc khu này khốn đốn. Trong ngày 2-10, nhiều cửa hàng ở Hồng Kông đóng cửa và thị trường chứng khoán trong nước giảm sâu. Mặc dù tác động đối với ngành công nghiệp chủ chốt của Hồng Kông như tài chính và thương mại vẫn hạn chế nhưng các nhà kinh tế cảnh báo sức hấp dẫn của Hồng Kông đang dần dần bị xói mòn. Mọi việc sẽ càng tồi tệ hơn nếu biểu tình kéo dài - hoặc nếu phải kết thúc trong đàn áp bạo lực. Hiện tại, giới chức Bắc Kinh đình chỉ các tour du lịch nhóm đến Hồng Kông, cắt nguồn doanh thu quan trọng cho ngành công nghiệp du lịch phát triển đặc khu này.

Tuy nhiên, đa số người biểu tình tuyên bố không mấy lo lắng cho nền kinh tế. “Tôi không lo lắng về vấn đề kinh tế. Tôi nghĩ rằng cải cách dân chủ là quan trọng hơn”, Goria, một quản trị viên 39 tuổi nói. Người biểu tình đang có những bước leo thang mới khi hàng ngàn người ồ ạt đến bao vây Văn phòng Trưởng Đặc khu ở khu vực trung tâm vào rạng sáng 2-10. Lực lượng cảnh sát lập tức được tăng cường đến đây. Người biểu tình ra tối hậu thư yêu cầu ông Lương từ chức trong ngày 2-10 nếu không sẽ bao vây, chiếm các cơ quan chính quyền khác nhau.

Tình hình được mô tả đang rất căng thẳng, khiến dấy lên đồn đoán về khả năng xảy ra phương án cuối cùng: quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, đây là khả năng khó xảy ra bởi Bắc Kinh vẫn chắc niềm tin, chính quyền Hồng Kông đủ sức xử lý vấn đề này.

Khả Anh