Phải biết đứng dậy sau khi vấp ngã!

Thứ sáu, 04/12/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Buổi gặp mặt, đối thoại với 25 người được đặc xá đợt 2-9-2015 tổ chức chiều 2-12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) và Trưởng CAQ diễn ra trong bầu không khí thoải mái và cởi mở. Đây cũng là quận đầu tiên trên địa bàn TP tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại với những người vừa được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng đợt 2-9. Thay mặt chính quyền Q.Liên Chiểu, ông Dương Thành Thị- Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu- chia sẻ, động viên, đồng thời đề nghị những người được đặc xá trở về phải biết dũng cảm vượt qua mặc cảm, tự  ti để làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội...

Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu Dương Thành Thị và Đại tá Nguyễn Văn Hoa- Trưởng CAQ Liên Chiểu- lắng nghe những người đặc xá bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.

Theo Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, những sai phạm và lỗi lầm mà 25 người vừa được đặc xá trong đợt 2-9 vừa qua xem như đã là quá khứ. Điều quan trọng là sau khi đã chấp hành xong hình phạt, trở về hòa nhập với cộng đồng, bản thân mỗi người cần ý thức được quyền cũng như nghĩa vụ của công dân đối với bản thân và xã hội. "Đời người, ai không có lúc mắc phải những lỗi lầm. Có những lỗi lầm có thể bỏ qua, có những lỗi lầm phải chấp nhận án phạt tù. Với các mức hình phạt theo quy định của pháp luật, xem như các anh chị đã trả giá rồi, giờ không nhắc lại chuyện quá khứ nữa. Tôi biết, sau khi ra tù, các anh chị đều có tâm lý tự ti, mặc cảm nên khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Cuộc gặp gỡ hôm nay giữa chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cũng nhằm mục đích chia sẻ, động viên, khích lệ nhằm xóa đi rào cản về tâm lý tự ti trong các anh chị. Đồng thời cũng muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ trong điều kiện cho phép. Cái gì vượt quá thẩm quyền, xét thấy yêu cầu, nguyện vọng của anh em là chính đáng, chúng tôi ghi nhận và sẽ  phản ánh lên TP xem xét, giải quyết"- ông Thị chia sẻ.

Được Chủ tịch quận "mở đường", nhiều người mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng. Ông Nguyễn Văn Ba, cha của Nguyễn Văn Nam (1984)- hiện tạm trú tổ 267, P.Hòa Minh-bày tỏ xúc động trước sự quan tâm của chính quyền và các ban ngành đoàn thể dành cho những người từng một thời lầm lỡ, trong đó có con ông. Ông tâm sự: "Gia đình tôi từ Gia Lai xuống Đà Nẵng định cư từ năm 2006 nhưng đến nay chưa nhập hộ khẩu được. Rất mong các cấp xem xét để cháu cũng như gia đình tôi có điều kiện thuận lợi hơn trong công việc làm ăn"...

Bộc bạch về hoàn cảnh khó khăn cũng như tâm lý tự ti, mặc cảm sau khi trở về cuộc sống đời thường để làm lại cuộc đời, điều mà các anh: Võ Đức Thọ (1976) trú P.Hòa Hiệp Bắc, Phạm Ngọc Hiếu (1979) trú P.Hòa Khánh Bắc, Lê Công Văn Phi (1986) trú P.Hòa Khánh Nam và chị Phạm Thị Hiền (1976), trú P.Hòa Khánh Bắc, mong muốn là được chính quyền quan tâm, hỗ trợ cho vay vốn làm ăn. Công dân Phạm Thị Hiền bộc bạch: "Trước khi ở tù, tôi làm nghề buôn bán phế liệu. Vì can tội tiêu thụ đồ gian lấy trộm trong KCN, tôi bị kết án 4 năm tù. Những năm tháng trong tù giúp tôi nhận ra sai phạm của mình và thấy hãi lắm rồi. Tôi xin hứa không bao giờ tái phạm nữa. Nhân đây, tôi xin chính quyền giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi được vay vốn 50 triệu đồng để làm ăn...".

Phần lớn những người từng một thời lầm lỗi với các tội danh: giết người, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... có mặt tại buổi đối thoại đều có nguyện vọng xin được hỗ trợ vay vốn để kinh doanh làm ăn. Một số xin được giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhập và tách hộ khẩu, xin được thuê nhà ở KCC nhằm yên tâm ổn định cuộc sống. Theo đó, đối với các trường hợp liên quan đến việc xin nhập và tách hộ khẩu, đại diện  CAQ Liên Chiểu, Thượng tá Huỳnh Ngọc Điệp- Phó CAQ Liên Chiểu-cho biết, trước đó đã có cuộc gặp mặt với từng người để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Trên cơ sở đó, đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực giải quyết của CAQ thì đã tiến hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các hộ gia đình này làm hồ sơ, thủ tục để nhập, tách hộ khẩu.

Theo đó, hầu hết các đối tượng đề nghị được nhập và tách hộ khẩu đều đủ điều kiện cho phép. Đối với trường hợp xin hỗ trợ vay vốn, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng cho biết, TP vừa có chủ trương hỗ trợ cho người hoàn lương vay vốn. Theo đó, mức hỗ trợ vay vốn (không tính lãi suất 3 năm) từ 20-30 triệu đồng, tùy theo trường hợp. Vì vậy, người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng có thể liên hệ với chính quyền địa phương nơi mình cư trú để được hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn. Trong trường hợp muốn vay trên số tiền theo quy định dành cho người hoàn lương, thì được xem xét chuyển sang theo diện vay vốn để làm ăn. Tuy nhiên, nếu vay vốn làm ăn thì không được hỗ trợ lãi suất...

Sau khi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người được đặc xá trở về, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường phối hợp cùng các ban ngành liên quan sắp xếp thời gian, tổ chức hướng dẫn cách thức, thủ tục để cho các công dân này được vay vốn. Đồng thời đề nghị CAQ Liên Chiểu phối hợp cùng CA các phường định kỳ (6 tháng) phải có nhận xét về sự tiến bộ của 25 người được đặc xá.

Bên cạnh đó, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, khu dân cư, dân phố phải có trách nhiệm động viên, theo dõi, giúp đỡ những công dân này sớm hòa nhập cộng đồng. "Vừa rồi tôi có đi dự một hội nghị và được nghe báo cáo điển hình của một người từng ở tù nay trở thành người tốt, thường xuyên đi làm từ thiện. Mong rằng, từ buổi gặp mặt đối thoại này, trên tinh thần động viên, chia sẻ và sẽ tạo điều kiện giúp đỡ trong điều kiện cho phép của mình, mong rằng, các anh chị có mặt hôm nay phải có ý thức, trách nhiệm trước bản thân mình và xã hội. Phải dũng cảm biết đứng dậy sau khi vấp ngã để làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội..."- ông Thị nhắc nhở.

Nhân buổi gặp mặt này, chính quyền Q.Liên Chiểu đã tặng 25 phần quà cho các đối tượng. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Sa- Chủ siêu thị mini My Sa đã tặng 25 suất quà, mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng.

P.T