Phạm Nhữ Tăng và công cuộc Nam chinh mở cõi (2)

Thứ tư, 25/05/2016 09:34

* Kỳ cuối: Những dấu tích để lại

(Cadn.com.vn) - Nằm giữa cánh đồng trống, cách ngôi mộ của ông Phạm Nhữ Tăng vài trăm mét có nhà thờ tộc Phạm xây dựng từ thế kỷ XVI nép mình dưới những tán thị cổ thụ. Nhà thờ được chính ông Phạm Nhữ Tăng xây dựng dưới thời Hồng Đức được xem là một công trình kiến trúc cổ nhất trong vùng nói riêng và của Quảng Nam nói chung...

Nhà thờ họ Phạm và 3 ngôi miếu cổ nằm giữa cánh đồng.

Độc đáo nhà thờ họ Phạm

Cùng với tác động của thời gian, nhà thờ họ Phạm đã qua vài lần trùng tu sửa chữa nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính. Nhà thờ được xây dựng theo bố cục một gian, hai chái; mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí "lưỡng long tranh châu", các bờ mái trang trí chim phượng và hoa lá cuốn cách điệu... "Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nơi đây còn lưu giữ gia phả tộc họ và 7 tờ sắc phong từ các đời vua Lê, chúa Nguyễn cách đây gần 6 thế kỷ. Đặc biệt, trong khuôn viên nhà thờ có ba miếu cổ thờ các vị: Thánh mẫu Thiên y Ana, bò thần Nandin và một bia ký viết chữ Chăm cao khoảng 1,7m, rộng 0,9m"- ông Phạm Nhữ Thiên, hậu duệ đời thứ 18 của ông Phạm Nhữ Tăng cho biết.

Trong những miếu thờ trên, đáng chú ý có miếu thờ bò thần Nandin. Theo tìm hiểu, bò thần Nandin còn có tên khác là Kapin hoặc Kapil. Tượng bò ở thế nằm được tạc từ chất liệu đá đặc biệt, có người gọi là đá thiên thạch. Ngoài hai mắt tròn, bò Nandin còn có con mắt thứ ba giữa trán. Theo quan niệm của người xưa, con mắt này gọi là thiên nhãn phát ra những phép thuật nhiệm mầu và là mối liên kết giữa con người và thần linh. Theo quan niệm của người Chăm, bò Nandin là bò đực và là vật cưỡi của thần Siva.

Nhà thờ họ Phạm có thể nói là một trong những di tích hiếm hoi và quý giá bởi những hiện vật mang tính lịch sử được các thế hệ dân làng và các đời vua chúa trân trọng, luôn tu bổ, thờ phụng. Đặc biệt, ba miếu thờ trong khuôn viên nhà thờ họ Phạm là bằng chứng cho thấy mối giao lưu văn hóa, tín ngưỡng và quá trình cộng cư của hai dân tộc Việt - Chăm trong lịch sử một cách sinh động, trong đó vai trò của các danh thần như các ngài tiền hiền họ Phạm là hết sức quan trọng. Dù Phạm Nhữ Tăng đã bình Chiêm, mở rộng bờ cõi nhưng những tín ngưỡng, tinh hoa văn hóa của người Chăm vẫn được ông và con cháu đời sau lưu giữ, thờ tự. Với các đặc điểm kiến trúc và công trình tín ngưỡng đặc thù, nhà thờ tộc Phạm và ba miếu thờ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007.

Ngôi miếu thờ bò thần Nandin độc đáo.

Giếng Chăm gần nghìn năm tuổi

Bên cạnh nhà thờ họ Phạm khoảng 20m, đầu tháng 5 vừa qua, người dân và chính quyền địa phương phát hiện một giếng Chăm cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XII. Giếng được xây dựng theo kết cấu hình vuông, mỗi cạnh khoảng gần 1m và được xây bằng gạch Chăm cổ, giống như chất liệu được sử dụng để xây dựng các đền tháp của người Chăm cổ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Di sản (Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam) cho biết, qua khảo sát và nghiên cứu, các nhà khảo cổ khẳng định nơi phát hiện giếng Chăm cổ đã từng tồn tại một cộng đồng người Chăm sinh sống cách đây hàng chục thế kỷ.

Vì giếng Chăm cổ mới được phát hiện nằm cạnh bờ ruộng nên hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam thực hiện việc khoanh vùng, đóng cọc, làm hàng rào bảo vệ giếng nhằm ngăn chặn tình trạng xâm thực trong quá trình sản xuất. "Tỉnh Quảng Nam sẽ mời các chuyên gia thực hiện các công tác khảo sát, nghiên cứu, thẩm định để tìm ra giá trị lịch sử của giếng Chăm cổ, qua đó có thêm chứng cứ khoa học để khẳng định rằng khu vực này từng tồn tại một cộng đồng người Chăm sinh sống", ông Tôn Thất Hướng cho biết thêm.

Giếng Chăm cổ mới được phát hiện cách nhà thờ họ Phạm khoảng 20m.

Đình thờ Tam tộc

Cách đó vài trăm mét, đình thờ Tam tộc tại làng Hương Quế là nơi thờ cúng các bậc tổ tiên, các anh hùng liệt sĩ ba dòng họ Phạm, Nguyễn và Trần. Như đã nói ở kỳ trước, trong công cuộc bình Chiêm, ngoài Phạm Nhữ Tăng ra còn có các tướng Trần Văn Chơn (nguyên là Đô đốc chỉ huy hải quân), Nguyễn Ngọc Thanh (con trai của Nguyễn Văn Lang, là hậu duệ 4 đời của danh thần lỗi lạc Nguyễn Trãi) vì đã có công lớn nên được vua sắc phong, ban thưởng và cho trấn an tại các vùng đất mới để bảo vệ biên cương. Theo đó, Phạm Nhữ Tăng cùng với hai danh tướng họ Nguyễn, Trần đã chọn vùng đất Hương Quế này làm nơi an cư lạc nghiệp cho con cháu. Ông Phạm Nhữ Trợ cho biết, đình thờ Tam tộc có trước nhà thờ của ba tộc hiện nay.

Do chiến tranh tàn phá và theo thời gian, đình thờ cũng xuống cấp, hư hỏng nên đã được di chuyển qua 5 địa điểm trong làng. Đình thờ hiện nằm ở vị trí trung tâm của làng Hương Quế (thôn Hương Quế Trung), được xây dựng từ năm 1960. Đình thờ Tam tộc là một trong những di tích hiếm hoi còn sót lại ở Quảng Nam, bởi nó không chỉ gìn giữ được các bản sắc, giá trị văn hóa làng xã của Việt Nam mà còn in đậm giá trị lịch sử, phản ánh đời sống và quá trình di dân của cư dân Việt trên tiến trình mở mang bờ cõi. Với các đặc điểm văn hóa, lịch sử đặc sắc, đình thờ Tam vị tiền hiền làng Hương Quế đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh...

Bão Bình-Mai Hân