Phản ứng trái chiều của các bên khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ mới
Các gói viện trợ
Trong phiên họp ngày 20-4 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật phân bổ 13 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Israel trong cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas mặc dù cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về số phận của thường dân ở Dải Gaza. Khoản viện trợ của Mỹ sẽ được sử dụng để tăng cường hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Bên cạnh đó, hơn 9 tỷ USD cũng sẽ được Mỹ viện trợ để giải quyết "nhu cầu cứu trợ nhân đạo cấp thiết ở Dải Gaza cũng như của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác trên thế giới".
Cũng trong phiên họp này, Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua dự luật trợ giúp trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine. Trong số đó, gần 14 tỷ USD sẽ được chi cho hoạt động đào tạo, trang bị phục vụ các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, với 360 phiếu ủng hộ và 58 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một cách áp đảo dự luật quy định việc tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa trong các ngân hàng của Mỹ và chuyển chúng vào một quỹ đặc biệt dành cho Ukraine. Theo thống kê, hiện có khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga bị phương Tây phong toả, hầu hết bị phong tỏa tại Đức, Pháp và Bỉ, chỉ có hơn 6 tỷ USD là nằm ở các ngân hàng của Mỹ.
Gói dự luật nói trên sẽ được chuyển lên Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số, xem xét thông qua. Cơ quan này sẽ bắt đầu xem xét gói dự luật vào ngày 23-4. Các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện đều bày tỏ sẵn sàng nhanh chóng thông qua gói dự luật này. Dự kiến, quá trình này sẽ được hoàn tất vào tuần tới, trước khi chuyển lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.
Phản ứng của các bên
Trong tuyên bố chính thức được đưa ra sau khi Washington thông qua gói viện trợ, Tổng thống Israel - Isaac Herzog cảm ơn các nghị sĩ Mỹ, nói rằng việc tăng cường sức mạnh cho Tây Jerusalem là vì lợi ích của Mỹ. "Như tôi đã nói: khi nước Mỹ mạnh thì Israel cũng mạnh, còn khi Israel mạnh thì nước Mỹ an toàn hơn. Sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng dành cho Israel là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy thực tế là Israel không có đồng minh nào thân cận hơn Mỹ và Mỹ không có đồng minh nào thân cận hơn Israel". Tương tự, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng gói viện trợ của Mỹ "nhằm mục đích bảo vệ toàn bộ nền văn minh phương Tây". Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant cũng cảm ơn các chính trị gia Mỹ và nhấn mạnh rằng hỗ trợ quân sự là "cực kỳ quan trọng" đối với đất nước ông.
Trong khi đó, lãnh đạo Palestine cho rằng sự hỗ trợ quân sự mới của Mỹ dành cho Israel là hành động gây hấn chống lại người dân Palestine, là "bật đèn xanh để Israel tiếp tục cuộc tấn công nhằm vào người Palestine". Bằng những hành động như vậy, Mỹ đang góp phần "mở rộng xung đột, có thể ra cả các quốc gia khác trong khu vực". Giới lãnh đạo Palestine tin rằng "gói viện trợ đặt ra câu hỏi về thẩm quyền của Washington trong việc đạt được an ninh và ổn định ở Trung Đông".
Về phía Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh việc Hạ viện Mỹ thông qua gói trợ giúp trên. Trong tuyên bố trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng dự luật sẽ được Thượng viện Mỹ ủng hộ và chuyển đến bàn làm việc của Tổng thống Biden". Viết trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson và nói rằng quyết định của cơ quan này sẽ giúp Kiev tiến gần hơn đến kết thúc xung đột với Nga. "Tôi biết ơn Hạ viện Mỹ, cả hai đảng và cá nhân Chủ tịch Mike Johnson vì quyết định giúp cho lịch sử đi đúng hướng", ông Zelensky viết, đồng thời gợi ý rằng viện trợ sẽ "giữ cho xung đột không mở rộng" và " cứu được hàng ngàn sinh mạng". "Chỉ có thể đạt được hòa bình và an ninh thông qua sức mạnh. Ukraine chắc chắn sẽ tận dụng sự hỗ trợ của Mỹ để củng cố sức mạnh của cả hai nước chúng ta và tiến gần hơn đến việc kết thúc cuộc xung đột này".
Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này sẽ làm thêm nhiều người Ukraine thiệt mạng. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, nhấn mạnh Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine chỉ khiến kéo dài cuộc xung đột, đồng thời cảnh báo sẽ hành động để đảm bảo lợi ích của Nga. "Quyết định cung cấp viện trợ cho Ukraine là điều đã được dự đoán trước và có thể dự đoán được. Nó sẽ làm Mỹ giàu thêm và hủy hoại Ukraine hơn nữa", ông Peskov nói.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ca ngợi động thái trên của Hạ viện Mỹ.
Mỹ trừng phạt đơn vị của quân đội Israel Theo tờ Jerusalem Post (Israel) ngày 21-4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích Mỹ về kế hoạch trừng phạt Tiểu đoàn Netzah Yehuda của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) với cáo buộc "ngược đãi người Palestine". Trước đó trang mạng Axios hôm 20-4 đưa tin: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố các biện pháp trừng phạt đối với tiểu đoàn Netzah Yehuda vì bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Palestine ở Bờ Tây. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ thực hiện một động thái như vậy. Trích dẫn các nguồn tin giấu tên của Mỹ, Axios cho biết lệnh trừng phạt bao gồm việc cấm chuyển giao vũ khí của Mỹ cho đơn vị bộ binh cực đoan chính thống và chặn binh lính của họ huấn luyện với lực lượng Mỹ hoặc tham gia bất kỳ hoạt động nào với sự tài trợ của Mỹ. Thủ tướng Netanyahu đã ngay lập tức yêu cầu Chính phủ Israel hành động chống lại động thái trừng phạt của Mỹ. "Vào thời điểm mà binh sĩ của chúng ta đang chiến đấu với những 'kẻ khủng bố', ý định trừng phạt một đơn vị trong IDF là đỉnh cao của sự vô lý", ông Netanyahu viết trong một bài đăng trên X. Theo Thủ tướng Netanyahu, Chính phủ Israel sẽ hành động bằng mọi cách chống lại những động thái này. |
AN BÌNH