Phản ứng trái chiều đối với Thông điệp liên bang của ông Trump

Thứ năm, 06/02/2020 10:32

Tối 4-2 (sáng 5-2 - giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp liên bang năm 2020 trong bối cảnh Thượng viện sắp ra phán quyết cuối cùng trong phiên tòa luận tội ông lạm quyền và cản trở Quốc hội. Đây là thông điệp liên bang thứ 3 và cũng là thông điệp cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống này của ông. Thông điệp đã nhận được những phản ứng trái chiều cả trong và ngoài Quốc hội.

Tổng thống Donald Trump đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội.  Ảnh: AP

"Khoe" thành tựu kinh tế

Mở đầu bài diễn văn, Tổng thống Trump đã đề cập đến các thành tựu kinh tế Mỹ đã đạt được trong nhiệm kỳ của ông. Cụ thể, người lao động Mỹ đã có thêm 7 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trong nước ở mức thấp. Ông Trump nói, sau khi chứng kiến 60.000 nhà máy phải đóng cửa trong hai chính quyền tiền nhiệm, nước Mỹ hiện đã có thêm 12.000 nhà máy mới kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng. Theo lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm, chính quyền của ông đang tái thiết đất nước và khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.

Ông Trump nhấn mạnh rằng ông đã khởi xướng “sự trở lại của người Mỹ”. “Chúng ta đã phá vỡ trạng thái thụt lùi của người Mỹ và chúng ta đã từ chối định mệnh bị thu hẹp của Mỹ”, ông phát biểu và đề cập đến các chính sách cắt giảm thuế và sửa đổi nhiều quy định giúp thúc đẩy nền kinh tế đạt “thành công chưa từng có”. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định dưới sự lãnh đạo của mình, Mỹ đã trở thành quốc gia sản xuất năng lượng đứng đầu thế giới. “Nhờ chiến dịch cắt giảm quy định táo bạo của chúng tôi, Mỹ đã trở thành quốc gia sản xuất khí đốt đứng đầu thế giới, tính đến thời điểm hiện tại”, Tổng thống Trump tuyên bố.

Ông Trump cũng nhắc lại thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico – Canada, thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, chi tiêu quân sự lớn và các biện pháp “chưa từng có” nhằm ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ còn nhắc lại nỗ lực của ông nhằm “chấm dứt các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Trung Đông” làm ví dụ cho việc ông thực hiện các cam kết khi tranh cử. “Không giống như nhiều người tiền nhiệm, tôi giữ lời hứa”, ông phát biểu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không hề đề cập đến từ “luận tội” trong bài phát biểu dài 20 trang được chuẩn bị sẵn.

Kêu gọi giảm mạnh giá thuốc theo toa

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật lưỡng đảng nhằm giảm mạnh giá thuốc theo toa. Ông khẳng định: “Tôi kêu gọi dự luật lưỡng đảng nhằm đạt mục tiêu giảm đáng kể giá thuốc theo toa”, đồng thời cho biết, ông sẽ ký thành luật ngay sau khi dự luật được Quốc hội gửi lên. Tổng thống Trump cũng cho biết ông đã có các cuộc nói chuyện với Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, bang Iowa và các Thượng nghị sĩ khác trong Quốc hội nhằm hạ giá thuốc nhanh và hợp lý. Theo ông chủ Nhà Trắng, người dân Mỹ đang phải mua thuốc với giá cao hơn các quốc gia khác cho dù thuốc được sản xuất tại cùng một địa điểm ở Mỹ là không công bằng. Tổng thống cũng yêu cầu các Cty dược, bảo hiểm và bệnh viện công khai giá thuốc và cắt giảm chi phí đến mức tối đa.

Bảo vệ chính sách đối ngoại  với Iran, cam kết rút quân khỏi Afghanistan

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump đưa ra các lập luận nhằm bảo vệ chính sách đối ngoại của ông đối với Iran. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định: “Do các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ, nền kinh tế của Iran đang rất tồi tệ. Mỹ có thể giúp Iran hồi phục tốt trong một thời gian ngắn, nhưng có lẽ họ quá kiêu ngạo hoặc quá ngu ngốc để yêu cầu sự giúp đỡ đó,” đồng thời cho rằng điều này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Trump cũng cho rằng chính quyền Iran phải từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, chấm dứt gieo rắc khủng bố, chết chóc và hủy diệt và bắt đầu hợp tác vì lợi ích của chính người dân của mình.

Tổng thống Trump cũng nhắc lại cam kết của ông để dàn xếp việc rút quân khỏi Afghanistan, đồng thời cho biết ông không mong muốn giết hại "hàng trăm nghìn người" trong một cuộc chiến không có hồi kết. "Chúng tôi đang làm việc để thực sự chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ và đưa quân lính của chúng tôi trở về nhà", ông chủ Nhà Trắng nêu rõ.

Phản ứng trái chiều

Nhiều chuyên gia và truyền thông Mỹ không đồng tình với những con số “màu hồng” mà ông Trump đưa ra. CNN trích dẫn dự liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng của chính phủ Mỹ cho biết quốc gia này không trở thành nhà sản xuất năng lượng đứng đầu thế giới dưới thời của Tổng thống Trump. Họ chiếm vị trí này dưới thời của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2012. Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ chỉ trở thành quốc gia sản xuất dầu thô số 1 thế giới.

Theo Đài phát Thanh Công cộng Quốc gia (NPR), năm 2019, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,3%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm và bằng tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong 10 năm vừa qua, song còn kém xa mục tiêu tăng trưởng 3% mà Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã đặt ra. Còn theo trang mạng Vox.com, sau nhiều năm giảm nhờ thực thi Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng, thường được biết đến dưới tên gọi Obamacare dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama, số người Mỹ không có bảo hiểm y tế thực chất đang tăng lên. Bên cạnh đó, dù lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính giảm trong năm ngoái, song nguồn gây ô nhiễm khác lại tăng lên. Nguyên nhân không phải là do các “sáng kiến xanh”, mà là do chính quyền Trump đẩy mạnh sản xuất khí thiên nhiên trong nước, theo đó các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá đang dần được thay thế bằng các nhà máy chạy bằng khí thiên nhiên với mức phát thải thấp hơn.

Trong khi đó Thượng nghị sĩ  Bernie Sanders, ứng cử viên triển vọng của đảng Dân chủ, cho biết ông tin rằng đây là thông điệp cuối cùng của ông Trump. Thượng nghị sĩ  Sanders đả kích thành tựu kinh tế mà ông Trump nêu ra trong thông điệp liên bang lần này và đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng của người dân Mỹ dưới thời Chính quyền Trump.

Chia rẽ

Nữ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản sao Thông điệp liên bang sau khi Tổng thống Trump kết thúc bài phát biểu.   Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ đọc thông điệp liên bang trong bối cảnh đời sống chính trị nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc và điều đó thể hiện rõ trong hội trường Quốc hội. Báo Guardian trích dẫn lời nhiều phóng viên chính trị kỳ cựu so sánh bầu không khí sự kiện với buổi mít-tinh vận động tranh cử của Tổng thống Trump. Trong bài phát biểu kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Trump nhiều lần phải dừng lại do các thành viên đảng Cộng hòa và khách mời liên tiếp đứng dậy vỗ tay, hô vang khẩu hiệu ủng hộ "Thêm 4 năm nữa". Ngược lại, nhiều nhà lập pháp Dân chủ phía đối diện rất hiếm khi tán thưởng, thậm chí còn la ó phản đối ông chủ Nhà Trắng.

Đáng chú ý, khi bước vào phòng họp của Hạ viện, địa điểm được chọn làm nơi ông đọc thông điệp liên bang, Tổng thống Trump đã bắt tay nhiều nghị sĩ và các quan khách, nhưng "ngó lơ" khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một chính khách hàng đầu thuộc đảng Dân chủ, dù bà Pelosi đã đưa tay ra phía trước . Đỉnh điểm của sự chia rẽ chính là hành động của bà Pelosi. Trong lúc các nhà lập pháp vỗ tay khi Tổng thống Trump kết thúc bài phát biểu của mình, bà Pelosi đã xé bản sao Thông điệp liên bang dành cho mình. Nhà Trắng đã phản ứng với đoạn clip bà Pelosi xé bản sao chép Thông điệp liên bang 2020, cáo buộc bà không tôn trọng những vị khách được Tổng thống Trump mời đến.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Pelosi xác nhận bà đã không trò chuyện với Tổng thống Trump kể từ sau cuộc họp về Syria tại Nhà Trắng, diễn ra hồi tháng 10-2019. Cuộc họp này từng trở thành tâm điểm của truyền thông sau khi Nhà Trắng công bố bức ảnh bà Pelosi đứng lên và chỉ tay về phía Tổng thống Trump. Sau cuộc họp này, Hạ viện – dưới sự lãnh đạo của bà Pelosi – đã phê chuẩn 2 điều khoản luận tội nhằm vào Tổng thống Trump, gồm lạm quyền và cản trở Quốc hội, liên quan đến nghi vấn ông Trump dùng tiền viện trợ quân sự để gây sức ép, buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị.

AN BÌNH