"Phất lên" nhờ... người chết!
(Cadn.com.vn) - Trong cuộc mưu sinh muôn vạn nẻo, mỗi người tìm cho mình một công việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng và trình độ. Cuộc sống ngày một đi lên, nhu cầu mọi mặt cũng dần tăng theo, dịch vụ tang lễ ra đời trở thành xu thế không thể thiếu và theo đó cũng hình thành một loại hình kinh doanh đặc biệt: dịch vụ tang lễ.
heo khảo sát chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có tới gần 60 cơ sở tư nhân “kinh doanh” dịch vụ tang lễ. Những dịch vụ này đảm bảo đầy đủ, trọn gói từ A-Z gồm quan tài, khâm liệm, tang chế, phương tiện mai táng cho đến việc an táng, xây mộ... thậm chí còn cung cấp cả cau, trầu, nước nếu gia chủ cần. Tất cả các khâu đều làm đúng thứ tự, nghi lễ, đảm bảo sự thuận tiện, văn hóa nhất. Dịch vụ phục vụ đám tang trên ở TP Đà Nẵng suốt mấy chục năm qua có các cơ sở trở thành thương hiệu như ở đường Đống Đa, Hải Phòng, Hoàng Diệu, Tôn Đức Thắng, Phước Tường...
Ông Lê Khả Việt (73 tuổi), có thâm niên 32 năm trong “nghề” phục vụ tang lễ cho biết, cơ sở của ông có 6 nhân công, cứ 3 người phục vụ một đám. Chi phí cho 1 nhân công/đám là 150 nghìn đồng. Trung bình 1 tháng, ông thu được lợi nhuận chừng 12-13 triệu đồng. Có tháng, không có đám nào nên cũng ngồi không. “Nghề này vô cùng lắm cô ạ. Nếu mình làm có uy tín, có tâm thì người ta sẽ gọi, sau khi làm xong, họ còn thưởng cho nữa. Tính ra, 1 người nằm xuống thì khoảng cả trăm người phục vụ, bởi hàng loạt các hàng hóa cần thiết cho việc tang lễ phải dùng đến”.
![]() |
Những đồ thờ cúng như thế này chỉ bán được khi có người mất. |
Nghe chuyện của những người làm công việc tang lễ này vừa sợ sợ, vừa thấy khôi hài. Đã làm ăn, kinh doanh là phải có lợi nhuận, mà lợi nhuận thu được từ việc tang lễ lại vô chừng, có thể nói là rất cao! Bất cứ “ông chủ” nào cũng mong muốn mình có thật nhiều “khách hàng” mới tồn tại, phát triển. Vấn đề này nói ra cũng rất tế nhị. Ông Việt không ngần ngại kể cho tôi nghe, có tháng không có ai “đi”, cơ sở làm ăn vắng vẻ, đìu hiu, ông lại nhủ thầm “sao lâu không có người chết nhỉ”. Nói ra nghe có vẻ buồn cười.
Không riêng gì cơ sở làm ăn của ông Việt, ghé thăm cơ sở phục vụ mai táng Sơn Liệm (ở 466/5-Trường Chinh), ông Nguyễn Văn Sơn (63 tuổi), đã 20 năm “hành nghề” kể rất chân thành. Ông khẳng định, công việc ông đang làm quả như người ta thường nói “sống nhờ người chết”. Trung bình mỗi tháng cơ sở ông nhận chừng 20-30 đám tang. Có nhiều ngày nhận đến 4 đám, ông và 5 nhân công chạy chóng cả mặt. Ông đùa: “Người chết nuôi chúng tôi chứ người sống đâu có nuôi nổi. Cái nghề độc ở chỗ là họ khóc thì mình cười, họ cười thì mình lại khóc”.
Một vài cơ sở “ăn nên làm ra”, giàu lên nhanh chóng nhờ có nhiều “người chết”. Chỉ cần “khách hàng” không biết, họ đã phát giá lên... trời. Được biết, một đám tang chi phí lớn nhất là chiếc quan tài. Tùy vào giá trị của quan tài sẽ kéo theo giá các dịch vụ, hàng hóa tang lễ khác. Trong vai người đi “thuê” dịch vụ, tôi vào một cơ sở có tiếng ở đường Đống Đa. Tại đây, tôi được biết, có đám tang, cơ sở này hưởng “lợi” tới gần 20 triệu đồng! Chiếc quan tài cùng kích cỡ, cùng loại gỗ, cùng kiểu trang trí..., ở nơi khác có giá 3,5 triệu đồng, nhưng ông chủ cơ sở này phát giá gấp đôi.
![]() |
Một đám tang với rất nhiều nghi lễ (ảnh có tính minh họa). |
Thậm chí, nếu là “khách sộp”, giá có thể còn cao lên nữa. Có cơ sở đến 3 đời làm giàu nhờ “kinh doanh” dịch vụ này. Qua tìm hiểu, tôi không khỏi giật mình vì hiện nay, “cò” không chỉ xuất hiện ở một số lĩnh vực mà trong dịch vụ tang lễ, “cò” chiếm vị trí khá hữu dụng. Muốn “làm ăn” được phải có “cò”, 1 đám tang, “cò” hưởng 10% từ lợi nhuận thu được. “Cò” còn có vai trò quan trọng trong việc “cạnh tranh khốc liệt” giữa các cơ sở. Như đã nói, một vài chủ cơ sở đều khẳng định dịch vụ tang lễ “thử” làm rồi sẽ “thích” vì kiếm ra tiền. Nhưng nếu không có tâm thì sớm muộn cũng sẽ đổ vỡ.
Trao đổi với tôi, chị Đặng Thị Thu Hà - Phó Ban nghĩa trang thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết: đối với những gia đình có người thân mất, khi họ nhờ đến mình, việc đầu tiên cần làm là tư vấn, hướng dẫn cho họ những công việc cần thiết nhất... Ban nghĩa trang được TP, Nhà nước trả lương, vì vậy, đối với những người làm trong Ban, đây là công việc mang tính phục vụ xã hội bằng cái tâm. Khác với những dịch vụ tư nhân bên ngoài, giá cả dịch vụ trong Ban được công khai rõ ràng”. Đời sống ngày càng phát triển, nhiều gia đình chi phí cho một đám tang rất cao, phù hợp với địa vị, chỗ đứng của họ, bản thân người đã mất.
Điều ấy trở thành bình thường trong mọi xã hội. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người ra đi đành một nhẽ, người ở lại cũng muốn làm “đơn giản nhất”. Chị Hà cho rằng, những người làm công việc này khó ai có thể yêu “nghề” cho được, nhưng khi được phân công thì phải xác định và làm tròn trách nhiệm. Ông Phùng Quyết - Phó Ban nghĩa trang TP cũng cho biết: “Làm công việc phục vụ cho người đã khuất thì phải có đạo đức mới đứng vững và tồn tại được, bởi đây là công việc thuộc về tâm linh. Nghề này “hái” ra tiền đối với những ai lợi dụng dịch vụ để “ăn” theo người đã mất”.
Xã hội phát triển văn minh, hàng loạt các dịch vụ ra đời. Dịch vụ tang lễ cũng đáp ứng nhu cầu cần thiết của xã hội khi gia đình có người nằm xuống trong lúc “tang gia đang bối rối”. Một trong những quy định của TP về xây dựng TP văn minh, trong đó có quy định về việc tổ chức tang lễ sao cho có văn hóa... Muôn vạn nẻo mưu sinh, nghề nào cũng vì miếng cơm manh áo, miễn sao trong đó ẩn chứa những tấm tình bằng công lao động chân chính.
Bài, ảnh: Nguyễn Nhiên