Philippines - cái giá đắt cho cuộc chiến chống ma túy

Thứ bảy, 24/09/2016 10:23

(Cadn.com.vn) - Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Standard&Poor đã cảnh báo, cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte đang đe dọa nền kinh tế bùng nổ của Philippines và gây nguy hiểm cho xã hội nước này.

Cảnh sát điều tra hiện trường vụ một kẻ tình nghi liên quan đến ma túy bị giết.
Ảnh: Getty Images

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 7, Tổng thống Rodrigo Duterte mở cuộc chiến chống ma túy quy mô lớn và gây nhiều tranh cãi tại Philippines. Theo số liệu thống kê của cảnh sát, hơn 3.800 nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy đã bị giết mà không hề qua xét xử.

Một làn sóng chỉ trích nhằm vào Tổng thống Duterte bùng nổ ở trong và ngoài nước. Nghị viện Châu Âu thậm chí ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Manila “chấm dứt làn sóng xử tử và giết người không qua xét xử hiện nay ở Philippines”. Bản thân Tổng thống Duterte cũng phải đối mặt với những lời kêu gọi điều tra sau khi một người đàn ông mới đây khai trước một cuộc điều trần của Thượng viện rằng, ông Duterte và một nhóm cảnh sát đã sát hại khoảng 1.000 người ở thành phố Davao - nơi ông giữ chức thị trưởng -  từ năm 1988-2013.

Nhà lãnh đạo Philippines cũng đang chọn đứng ở vị trí thù địch với Mỹ, một đồng minh lâu năm và là nhà tài trợ kinh tế lớn của mình. Tổng thống Duterte cũng tỏ ra mạnh mẽ trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông. Ông Duterte có kế hoạch thăm Trung Quốc trong tháng 10 tới, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên bên ngoài khu vực Đông Nam Á của mình kể từ khi nhậm chức. Tổng thống Duterte cho biết, ông sẽ thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA), trong đó bác bỏ chủ quyền “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở biển Đông.

Như một hệ quả, vị thế kinh tế của Philippines, vốn đang phát triển khá mạnh, không còn được đảm bảo. CNBC dẫn lời các chuyên gia cho biết, nhiều nhà đầu tư lo ngại vì Tổng thống Duterte có những tuyên bố mạnh mẽ chống Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Họ cũng nghi ngờ tương lai chính sách đối ngoại và kinh tế của Manila. Theo tờ Economist, kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức, các nhà đầu tư yêu cầu bảo hiểm rủi ro cao hơn khi đổ tiền vào Philippines. “Rất nhiều người do dự khi quyết định đầu tư vào Philippines vào thời điểm này”, chuyên gia Guenter Taus, người đứng đầu Phòng Thương mại Châu Âu tại Philippines cho biết.

Trong khi đó, ông Duterte buộc tội các nước và cả LHQ đã “đổ thêm dầu vào lửa” tình hình ở Philippines. Hành động bùng nổ mới nhất của nhà lãnh đạo này là việc không ngần ngại chửi bới Nghị viện Châu Âu bằng những lời lẽ thô lỗ sau khi bị chỉ trích vì trấn áp ma túy. Ông tuyên bố, những nước cựu thực dân “đạo đức giả” như Anh và Pháp đang tìm cách gỡ tội cho chính mình, đồng thời chửi thề liên tục.

Vị Tổng thống 71 tuổi, từng được ví như là “Donald Trump của Philippines” từng chỉ trích Tổng thống Barack Obama với những từ ngữ rất khó nghe và thậm chí gọi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon là “đồ ngu”. Hồi đầu tháng 9, khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào, Tổng thống Duterte cũng trở thành tâm điểm chú ý của báo giới với phong cách dự hội nghị không giống ai.

Trong khi ưu tiên của Tổng thống Duterte - ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng, và các quyền của người lao động - đã được chào đón ngay từ đầu nhiệm kỳ, có vẻ như những lời lẽ gay gắt của Tổng thống Philippines, khiến nhà lãnh đạo này trở thành tâm điểm chỉ trích và làm làm dấy lên lo lắng trong các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đúng như cảnh báo của Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Standard&Poor: cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte đang đe dọa nền kinh tế Philippines.

Khả Anh