Mưu sinh trên 5 hộc rác khổng lồ sắp đóng cửa ở Đà Nẵng

Thứ ba, 28/03/2023 11:39
Dự kiến hết tháng 3-2023, các hộc rác từ số 1 đến số 5 tại bãi rác Khánh Sơn, nơi xử lý tập trung rác thải sinh hoạt của TP Đà Nẵng sẽ dừng hoạt động do khai thác hết công suất. Việc tập kết, xử lý chôn lấp rác hàng ngày sẽ được chuyển sang hộc rác số 6. Hàng trăm người lao động cũng sẽ chuyển đến một địa điểm mới thu nhặt vỏ chai nhựa, lon bia, bao nilon… để  mưu sinh, tiếp tục công việc của họ đã gắn bó hàng chục năm qua.
Hộc rác số 6, nơi sẽ tiếp nhận, chôn lấp rác thải sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng kể từ tháng 4-2023. Rác cũng được xử lý bằng công nghệ chôn lấp như từ trước tới nay với các giải pháp xử lý môi trường được cải thiện. Ảnh Công Khanh
Bắt đầu từ sáng sớm, hàng chục người, hầu hết là phụ nữ đã có mặt tại bãi rác Khánh Sơn để làm công việc thường ngày. Chai nhựa, bỏ lon bia, bìa, bao nilon... thu gom từ các khu dân cư thải ra lại chính là nguồn thu nhập của họ. Ảnh Công Khanh

Dù trời nắng hay mưa, thời tiết thuận lợi hay khó khăn, công việc hàng ngày của hàng trăm người lao động, hầu hết là phụ nữ nơi đây vẫn được duy trì. Ngoại trừ một thời gian phải dừng để tránh những nguy cơ lây nhiễm trong thời gian đầu bùng phát dịch COVID-19 theo chủ trương của thành phố Đà Nẵng, phần lớn trong số những người đã gắn bó công việc với bãi rác chưa nghỉ một ngày nào.

Mỗi khi có xe rác tới, những đống rác lớn lập tức được họ xới ra để tìm kiếm những thứ còn có thể bán được. Công việc được thực hiện gấp rút trước khi có xe ủi tới san ra phục vụ cho việc tạo mặt bằng chôn lấp. Ảnh Công Khanh

Công việc nhặt rác đòi hỏi phải chịu khó, cần mẫn và có sức khỏe thì mới có thu nhập. Tại đây không có bóng cây cối, vừa phải chịu được nắng nóng vừa quen với mùi hôi, nếu không có sức khỏe tốt thì không thể làm việc.

Sau mỗi chuyến nhặt nhạnh, "thành quả" của mỗi người sẽ được tập trung tại một vị trí đã quy ước để bán tại chỗ. Ảnh Công Khanh

Dù là cùng công việc khó khăn, bảo bọc nhau vì cùng hoàn cảnh nhưng mọi người thường thu lượm riêng lẻ. Ai có sức thì làm nhiều, ai yếu hơn thì làm ít hơn nhưng đều có thu nhập vào cuối ngày. Thành quả của một ngày làm việc được tập trung ở các vị trí đã được "định vị" từ trước trên bãi rác rộng lớn. Đại lý thu mua phế liệu sẽ trực tiếp đến bãi rác cân số lượng và thanh toán cho từng người.

Một phụ nữ lấy các bì phế liệu của mình làm nơi tựa và tránh nắng để nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục công việc của mình. Ảnh Công Khanh

Chị Nguyễn Thị Quyên (trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu) cho biết, kể từ khi không còn đất để làm nông nghiệp, chị bắt đầu công việc thu lượm rác tại bãi rác Khánh Sơn. Suốt hơn 10 năm qua, công việc tuy vất vả, điều kiện làm việc khó khăn nhưng chị cũng có thêm nguồn thu nhập cùng chồng nuôi các con ăn học.

Một phụ nữ chủ quán giải khát mang thức uống lên tận bãi rác để bán cho người lao động trong giây phút ngắn ngủi họ nghỉ ngơi ăn uống. Ảnh Công Khanh

"Nếu có sức khỏe, chăm chỉ, chịu khó thì mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200 nghìn đồng. Nhiều người mang cơm theo để ăn ngay trên bãi rác, một số người đặt ở quán, đến giờ thì tranh thủ đi lấy về ăn rồi nghỉ ngơi một tí trong lán tạm hoặc tựa lưng vào những bao phế liệu chợp mắt rồi tiếp tục công việc. Nhịp sống như thế quen rồi", chị Quyên cho hay.

Một trong số ít lao động nam tại bãi rác Khánh Sơn đi mua cơm hộp về ăn để tranh thủ làm việc cả buổi trưa. Ảnh Công Khanh

Trên bãi rác, thường thị những người lao động là đàn ông có thu nhập cao hơn vì có sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên đây là công việc cần sự cần cù, chịu khó, tỉ mẩn, cũng là lựa chọn gần như cuối cùng trong những nghề lao động phổ thông nên số lao động nam không nhiều

Một số người đã có tuổi thường tách ra làm việc độc lập với thu nhập ít ỏi hơn. Họ không đủ sức khỏe để có thể cùng cào bới những đống rác lớn với cường độ làm việc cao mỗi khi xe rác đổ xuống. Ảnh Công Khanh

Bãi rác rộng lớn với hàng trăm người làm việc nhưng ở đây không náo nhiệt như những công trường lao động bình thường mà rất lặng lẽ. Ngoài thời điểm gấp gáp nhất là khi xe chở rác tập kết, còn lại mỗi người đều lặng lẽ với công việc của mình. Họ hỗ trợ nhau khi cần thiết rồi tách ra đi làm việc. Những người đã có tuổi thường tự mình lặng lẽ tìm bới rác ở nơi ít người với thu nhập hàng ngày thấp hơn.

Hiện tại các hộc rác từ số 1 đến số 5 đã khai thác hết công suất. Từ trên cao nhìn xuống, mặt bằng của bãi rác đã rất cao so với những ngôi nhà cao tầng ở các khu dân cư xung quanh thuộc địa bàn Đà Sơn, P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu. Ảnh Công Khanh

Bãi rác Khánh Sơn là nơi xử lý rác thải sinh hoạt tập trung duy nhất của Đà Nẵng cho đến thời điểm này. Bãi có diện tích hơn 48 ha, bình quân mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận khoảng 1.100 tấn rác thải sinh hoạt của toàn thành phố.

Bãi rác Khánh Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh Xuân Phước

Dự kiến cuối tháng 3-2023, sau khi hoàn thành việc chôn lấp, phun chế phẩm, phủ bạt những diện tích cuối cùng, toàn bộ các hộc rác từ số 1 đến số 5 sẽ dừng hoạt động. Các giải pháp xử lý môi trường, đảm bảo ngăn mùi, chặn nước rỉ ra môi trường sẽ được cơ quan chức năng kiểm soát, đảm bảo không gây ô nhiễm.

Hộc rác số 6, nơi sẽ tiếp nhận, chôn lấp rác thải sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng kể từ tháng 4-2023. Rác cũng được xử lý bằng công nghệ chôn lấp như từ trước tới nay với các giải pháp xử lý môi trường được cải thiện. Ảnh Công Khanh

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng, hộc rác số 6 sẽ có thời gian khai thác khoảng 1,61 năm. Sau đó dự kiến rác sinh hoạt sẽ được chôn lấp ở phần tiếp giáp giữa các hộc cũ và hộc mới với thơi gian khoảng 0,87 năm.

Công Khanh