Phú Quốc- ký ức thời hoa đỏ...(3)

Thứ hai, 01/12/2008 00:00

Xem lại kỳ trước: Phú Quốc – ký ức thời hoa đỏ... (2)

Kỳ 3: Trại giam cây dừa - 20 năm, 50 cuộc vượt ngục

(Cadn.com.vn) - Từ chuyến đi ra đảo Phú Quốc, tôi càng hiểu rằng, dù lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những gì thuộc về sự thật, thuộc về lịch sử thì vẫn luôn giữ nguyên giá trị. Cho dù, vì một lý do nào đó, những vấn đề liên quan đến Trại giam Cây Dừa ở Phú Quốc ít nhiều đã bị thời gian vô tình lãng quên...

Theo tư liệu Phòng VH-TT&DL huyện đảo Phú Quốc cung cấp, lịch sử hình thành và tồn tại của Trại giam Cây Dừa được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, bắt đầu từ tháng 7-1953, thực dân Pháp lợi dụng một số nhà cửa có sẵn của trại tàn binh Quốc dân đảng ở phía cực nam đảo Phú Quốc để lập trại “Căng Cây Dừa”. Diện tích Căng Cây Dừa được thiết lập hơn 40ha bao gồm 4 khu A, B, C, D giam giữ khoảng 14.000 tù binh được đưa từ các nhà tù Nam Bộ, Căng 71, Đoạn Xá, Hải Phòng, Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, Căng 51 Hải Dương. Tồn tại được 14 tháng, đến cuối tháng 8-1954, sau khi Hiệp định Genève ký kết, Pháp trao trả hầu hết tù binh ở Căng Cây Dừa. Giai đoạn hai là thời điểm lịch sử 2 năm thực hiện Hiệp định Genève, tiến hành hiệp thương tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước. Trong thời điểm giao thời, thay thầy đổi chủ đó, ngụy quyền Sài Gòn đứng đầu là Ngô Đình Diệm dưới sự chỉ đạo của đế quốc Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định Genève. Theo đó, trên nền tảng của Căng Cây Dừa cũ, chúng tiếp tục dựng lên một trại giam khác lấy tên “Trại Huấn Chính Cây Dừa”.

Trại giam gồm có nhà giam cho tù nam, nhà giam cho tù nữ và nhà giam tù phụ lão, giam giữ gần 1.200 người, trong đó có 50 tù nhân nữ là những người yêu nước Việt Nam mà chúng thường gán cho cái tên “Chính trị phạm Việt cộng” được đưa từ đất liền ra. Cũng tồn tại được 14 tháng, đến tháng 3-1957, địch cho một tàu chiến ra đưa toàn bộ tù binh tại đây, một số tiếp tục đưa ra nhà tù Côn Đảo, một số đưa về đất liền. Giai đoạn thứ ba là thời điểm chiến tranh leo thang ở Việt Nam. Ngày 6-7-1967, địch thiết lập một trại giam khác tại Phú Quốc lấy tên “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam”, chọn khu vực lòng chảo giữa các ngọn đồi ở xã An Thới (nay là TT An Thới), bám dọc theo hai bên Tỉnh lộ 46, từ địa danh rạch Cầu Sấu kéo dài đến dốc Đồi Sim (có tài liệu ghi đến Dốc miếu Cô Sáu). Đến năm 1973, khi Hiệp định Paris ký kết, địch tiến hành việc trao trả tù binh cho ta...

Phòng kỷ luật tù binh (chụp lại ảnh tư liệu). 

Trong khoảng thời gian 6 năm tồn tại, diện tích cũng như các khu giam giữ tù binh tại đây không ngừng được địch mở rộng. Ban đầu chỉ có 4 khu giam (1, 2, 3, 4), đến thời điểm ngày 27-1-1973 tăng lên 12 khu giam với diện tích hơn 400ha. Theo tài liệu của Đoàn 315 ngày 20-5-1973 (Tài liệu lưu trữ PVLS MI5371 Bộ Quốc phòng) và số liệu do chính địch báo cáo về tình trạng tù binh tại các trại giam vào thời điểm ngày 15-9-1972, thì vào thời điểm cao nhất, Trại giam Cây Dừa giam giữ khoảng 40.000 tù binh. Phần lớn là cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, một số cán bộ Dân Chính Đảng, một số rất ít là tù lụi (dân thường)... Địch bố trí xung quanh vòng ngoài trại giam một lực lượng dày đặc, nói như lời ông Bảy Nhu, một cai ngục thời ấy, hiện sống tại Phú Quốc: “Ngoài Ban quản lý trại giam, xung quanh còn có nhiều lực lượng của chính quyền hồi đó đóng giữ. Mỗi nhất cử nhất động của tù binh lẫn giám thị đều bị theo dõi sít sao...”.

Lực lượng mà ông Bảy Nhu nói bao gồm: Phía cực nam của đảo là Căn cứ Hải quân Vùng 4 (căn cứ Hải thuyền Việt-Mỹ) với Hải đoàn mang bí số 42 và chính quyền xã An Thới của ngụy (lúc đó có 2 ấp Hưng Văn và Lạc Quới). Phía cực bắc của đảo là Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 505 Bảo An, chỉ huy 5 liên đội chốt giữ các cao điểm xung quanh. Phía mạn tây bắc của đảo, trên đồi 161 (núi Đất Đỏ), chúng xây dựng đài kiểm báo do 2 trung đội (1 trung đội hải quân và 1 trung đội địa phương quân) án ngữ với nhiệm vụ kiểm soát trên đảo và vùng biển Vịnh Thái Lan. Xung quanh và bên trong trại giam là hàng rào thép gai, cột sắt, concertina bùng nhùng nhiều lớp dây kẽm. Phong tỏa quanh các lớp rào và hàng rào ngoại biên của các khu, chúng cho ủi trống và rải chất độc khai hoang ra xa hàng cây số, gài hàng loạt lớp mìn bẫy như mìn playmore, mìn cóc, mìn râu tôm USA và lựu đạn chôn gài san sát... Ban quản trị và canh giữ đàn áp tù ở Trại giam Cây Dừa cũng đông không kém, có cả Ban Cố vấn Mỹ và 7 ban chuyên môn. Ngoài ra, còn có 4 tiểu đoàn quân cảnh thường trực làm nhiệm vụ canh giữ tù binh. Chúng còn sử dụng cả ngỗng và 3 trung đội quân khuyển làm nhiệm vụ cảnh giới và truy lùng tù nhân vượt ngục... Với quan điểm, bất cứ tù binh nào vượt ngục bị phát hiện, chúng đều tra tấn dã man cho đến chết rồi đem đi chôn tập thể...

Tuy nhiên, dù bị kìm kẹp, quản thúc chặt chẽ như vậy, nhưng các chiến sĩ CS ở Trại giam Cây Dừa vẫn không hề nao núng, chùn bước. Từ trong đau khổ tột cùng, các chiến sĩ CM vẫn tìm cách đứng lên đấu tranh, tìm cách vượt ngục để về với căn cứ, với CM, tiếp tục chiến đấu giải phóng đất nước... Thật khó có ai ngờ, với một hàng phòng thủ kiên cố, nghiêm ngặt như vậy mà trong vòng 6 năm tồn tại, tại trại giam này đã có 41 vụ vượt ngục với 400 người, trong đó có 263 cán bộ chiến sĩ về đến căn cứ CM, tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến ngày đất nước toàn thắng. Trong 41 cuộc vượt ngục đó, có 16 lần đi lẻ, 14 lần vượt rào, 4 lần ra bằng đường hầm, 7 lần giật súng quân cảnh và hải quân... Nếu tính cả số lần vượt ngục của 2 trại giam trước đó, tổng số vụ vượt ngục tại Phú Quốc từ năm 1953 - 1973 là gần 50 cuộc, với hơn 926 lượt người, trong đó có gần 700 người vượt ngục thành công...




Một góc nồi dùng để nấu nước sôi nhúng tù binh
và đinh sắt dùng tra tấn tù binh. Ảnh: P.T  

Phan Thuỷ (còn nữa)