Qua miền đất hạn
Kỳ 1: Tây Nguyên: ĐẤT KHÁT
(Cadn.com.vn) - Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trầm trọng trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Từ đầu tháng 1-2014 đến nay, khu vực này không có một đợt mưa đáng kể nào nên xảy ra tình trạng khô hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cánh đồng Kja (xã Chư Gu, H. Krông Pa, Gia Lai) khô hạn trầm trọng. |
Cứ đến mùa khô thì nỗi lo hạn hán như "đến hẹn lại lên" với nông dân một số tỉnh Tây Nguyên, từ đầu mùa khô đến nay, tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc đã có hàng trăm héc-ta cây trồng, hàng trăm héc-ta lúa mất trắng hoặc không thể gieo trồng vì thiếu nước.
Hơn 100km từ TP Pleiku về H. Krông Pa, cái nắng như thiêu đốt và ai đó ví nơi này là "chảo lửa" quả không ngoa. 3 tháng không một giọt mưa, vùng đất này đỏ quạch vì bụi. Được xem là vựa lúa của H. Krông Pa, cánh đồng Kja rộng 200ha của xã Chư Gu giờ đã lâm vào cảnh khô hạn. Từ đầu vụ lúa Đông Xuân đến nay, hàng ngàn người dân làm nông đã bỏ ruộng trơ gốc rạ của mùa lúa trước, đất đai nứt nẻ, chỉ có vài người dân dắt lũ bò đang uể oải gặm từng bụi cỏ khô vàng úa.
Già Ksor Toét (buôn Ma Rúc, xã Chư Gu) xua lũ bò rồi lại ngồi trong bóng cây chống cằm nhìn ruộng lúa, than: "Nhà mình có 3 sào ruộng, thu hoạch xong 1 vụ rồi giờ không làm được. Ruộng thì không có nước, Giàng không cho mưa nên mùa này chỉ biết đi chăn bò thôi". Từ khi dân làng biết làm cây lúa nước đến nay đều phải chờ nước của Giàng, đến năm 2009 Trạm bơm nước và hệ thống kênh mương dẫn nước tại cánh đồng Kja thuộc xã Chư Gu được đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, năm đó là năm đầu tiên và cũng là năm cuối cùng người nông dân canh tác tại đây xuống lúa được vụ Đông Xuân. Những năm tiếp theo, người dân lại phải đợi mưa xuống và chỉ gieo trồng được một vụ từ tháng 4 đến tháng 11. Trong cái nắng hầm hập của vùng "chảo lửa", Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu Siu Thép quệt vội mồ hôi cho biết: "Sản xuất nông nghiệp của bà con người Jrai ở đây chủ yếu là trồng lúa nước một vụ tại cánh đồng Kja.
Những năm qua, UBND xã tập trung mọi nguồn lực, huy động sức dân, vận động cấp trên hỗ trợ vốn, vật nuôi và giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn cao, nhằm phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thế nhưng, thiếu nước vẫn là bài toán chưa giải được nên việc chuyển đổi cây trồng có khả năng chịu hạn trở thành bất khả thi".
H. M'Đrắc (Đắc Lắc) cũng đối mặt với tình trạng khô hạn khắc nghiệt khi toàn huyện có hơn 416ha các loại cây trồng bị hạn hán (diện tích trong kế hoạch 316ha, ngoài kế hoạch là 100ha), trong đó 309ha đã mất trắng. Đi đâu cũng gặp những ruộng ngô cháy vàng lá bởi ở đây đã có hơn 280ha thiếu nước tưới trầm trọng trong 2 tháng vừa qua. Dọc tuyến đường vào xã Cư San (H. M'Đrắc) những ruộng ngô, ruộng lúa cháy vàng dưới cái nắng như thiêu. Bên 3 sào lúa nước đang giai đoạn làm đòng bạc phếch vì thiếu nước, bà Hoàng Thị Việt (thôn 7, xã Cư San) xót xa: "Thời điểm này như mọi năm thì lúa đã trổ vàng ngoài đồng và chờ gặt thế mà giờ đây mất trắng. Mỗi lần ra thăm đồng là tôi muốn khóc, giờ không biết cả gia đình xoay xở thế nào để có cái ăn đây".
Ruộng ngô tại Krông Pa cũng không thể cho trái vì thiếu nước. |
Theo thống kê của Phòng NN & PTNT H. M'Đrắc, lượng mưa chỉ đạt 80% so với trung bình những năm trước nên lượng nước ngầm, nước suối giảm mạnh dẫn đến nguồn sinh thủy cho các hồ chứa thủy lợi chỉ còn đạt 50-60%. Đơn cử tại xã Cư M'tar, công trình thủy lợi Krông Jing mực nước dưới cống dẫn 1,5m; hồ chứa Ea Má là 1,9 m, Ea Tung là 3,5 m.
Các hồ chứa thủy lợi ở xã Krông Jing như: Ea Ktung mực nước dưới cống là 1,0 m, Ea Bôi: 1,5 m, Ea Kpal 2,0 m; các công trình khác từ 2-2,5 m. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, nếu trong vài ngày tới không có mưa thì sẽ có hơn 40% công trình thủy lợi trên địa bàn huyện hết nước tự chảy, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hàng trăm héc-ta cây trồng bị hạn, kéo theo đó đời sống của nhiều hộ dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại Gia Lai, đến thời điểm hiện tại thì dù thời vụ gieo trồng cây lúa vụ Đông Xuân đã kết thúc (tính theo lịch thời vụ) nhưng diện tích gieo trồng chỉ mới đạt hơn 26.340ha (đạt khoảng 98,7% kế hoạch). Dù không phải bị hạn hán đe dọa ở diện rộng như ở các tỉnh khác nhưng với thời tiết bất thường còn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ hạn hán sẽ xảy ra ở một số khu vực không chủ động được nước tưới. Đồng thời, dự kiến đến cuối vụ diện tích gieo trồng lúa không đạt kế hoạch do một số diện tích trồng lúa dự báo sẽ thiếu nước vào cuối vụ.
Bởi từ đầu tháng 12-2013 đến nay lượng mưa ở các huyện, thị, thành phố của tỉnh Gia Lai không đáng kể bao nhiêu. Đồng thời, trong tháng 2-2014 không xuất hiện một giọt mưa nào và đã bắt đầu có dấu hiệu khô hạn ở một số vùng. Cá biệt như ở thị xã Ayun Pa và H. Krông Pa từ tháng 12-2013 đến nay lượng mưa đo được là bằng 0. Trước thời tiết trên, hiện Gia Lai có 10 công trình thủy lợi là đập dâng sẽ có khả năng bị hạn hán vào thời gian tới.
Tại Đắc Lắc, báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích cây trồng bị hạn là 2.008ha, trong đó diện tích bị hạn trong kế hoạch là 1.358ha, mất trắng 171ha, diện tích bị hạn nằm ngoài kế hoạch là 650ha, mất trắng 484ha. Theo báo cáo của H. Krông Bông thì tính đến nay có 430 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Dự kiến trong thời gian tới nếu tiếp tục nắng nóng thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã trên địa bàn huyện là 1.650 hộ.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, tháng 3-2014 mực nước trên các sông tiếp tục giảm, không mưa hoặc mưa với lượng nhỏ nên nguồn cung cấp nước trên các sông là rất ít, nền nước giảm nhanh nhiều nơi xảy ra cạn kiệt, đặc biệt là trên các sông suối nhỏ. Riêng tại Giang Sơn sông Krông Ana ở mức thấp hơn 1,7m.
"Do mùa mưa ở một số tỉnh Tây Nguyên kết thúc tương đối muộn nên lượng nước ở các hồ, đập được tích khá và lượng nước ngập trong đất khá dồi dào nên hạn hán không xảy ra lớn như năm 2013. Tuy nhiên, năm nay lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm nên tháng 3, tháng 4 này ở một số nơi không chủ động được nguồn nước như hồ tạm, nhỏ khả năng sẽ xảy ra hạn hán vì thiếu nước", ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên khuyến cáo.
NHÓM PV XÃ HỘI
(còn nữa)