Quận chúa Ngọc Diệp (6)

Thứ sáu, 23/05/2008 00:00

Xem lại kỳ trước:

Kỳ 5: Những người đàn ông si tình - Quận chúa Ngọc Diệp (5)

Kỳ 6: Nỗi lòng người mẹ

(Cadn.com.vn) - Trong căn nhà nhỏ ở thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, H. Đức Trọng, Lâm Đồng, bà Đặng Hoàng Ánh - Quận chúa Phạm Ngọc Diệp, người chiến sĩ biệt động năm nào - bây giờ là một “nông dân trồng cà-phê”. Mỗi khi trời trở lạnh, những vết thương cũ tái phát, đau nhức đến mức tưởng như rã gân cốt khiến bà đi lại khó khăn. Vì thế, rẫy cà-phê hơn 1ha không có người chăm sóc trở nên tiêu điều, xơ xác... Năm 1987, bà về Đức Trọng mua đất, làm rẫy trồng cà-phê. Giờ đây, việc chăm bón cà-phê không trông chờ vào cậu con trai gần 40 tuổi mà đều dựa cả vào bà, 76 tuổi và thương tích đầy mình.

Nhận nuôi dưỡng Jacquet từ khi cậu bé mới 3 tuổi, bà đã đặt tên cho cậu là Đặng Anh Quân và xem như con ruột của mình. 2 lần bị tai nạn giao thông, năm 1993 và 1994, đã khiến thần trí của Quân không bình thường. Tai nạn năm 1994 làm anh bị gãy chân tay và bể hộp sọ trước trán. Thỉnh thoảng, anh lại lên cơn động kinh, mắt đỏ ngầu, la hét và thậm chí khóc thét lên. Bà cũng khóc theo. 2 cháu nội - con gái và con trai của Quân, một đứa 6 tuổi và một đứa 4 tuổi - sợ hãi, chạy trốn hoặc nấp sau lưng bà. Khi cháu trai được 11 tháng tuổi, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vợ của Quân đã bỏ chồng con đi. Thế là căn nhà nhỏ chỉ còn lại mẹ con, bà cháu nương tựa vào nhau để sống.

Từ khi hơn 10 tuổi, Anh Quân đã bắt đầu hỏi về cha mẹ ruột nhưng bà im lặng, lắc đầu, giấu những giọt nước mắt đang lăn dài. Có lúc Quân ngồi thu mình ở góc nhà và khóc: “Mẹ ơi, sao mẹ không cho con biết cội nguồn của mình? Cha ruột con là ai? Mẹ ruột con là ai?”. Bà không sao nói nên lời, lòng đau xé vì chính bà cũng không biết rõ về cha mẹ của Quân, chỉ biết rằng họ là những người đồng đội của bà và đã hy sinh.

Ngày 28-8-1960, Phạm Ngọc Diệp sinh con gái đầu lòng Đào Kim Chi. Những năm tháng hoạt động tại Đà Lạt, Kim Chi là niềm an ủi của bà trong lúc mệt mỏi, buồn phiền. Mỗi lần từ bệnh viện hay phòng mạch trở về nhà, nhìn thấy con gái nhỏ nhắn say nồng trong giấc ngủ, lòng bà lại lâng lâng hạnh phúc. Để có thời gian hoạt động cách mạng, Ngọc Diệp đã phải gửi con vào trường tư thục của nữ tu viện dòng Thánh Phaolo ở Đà Lạt. Kim Chi trưởng thành, kết hôn nhưng đến năm 1985, cô mất vì tai nạn giao thông, để lại 2 con. Hiện nay, 2 cháu ngoại của bà Đặng Hoàng Ánh vừa tốt nghiệp đại học và đang sống ở TPHCM. 

Năm 1962, Ngọc Diệp sinh Trần Tấn Phúc (là con của chồng bà - giáo sư, bác sĩ Đào Tuấn Kiệt, nhưng mang họ của ông Trần Văn Phước). Bà kể về Phúc trong nghẹn ngào: “Tôi nuôi cháu chỉ mới 1 tháng 24 ngày thì cháu bị bắt cóc ở Đà Lạt. Tôi đã cố sức tìm kiếm nhưng vô vọng”. Lòng bà đau đớn, chỉ biết khóc cho vơi đi nỗi nhớ thương con. Thời gian bị đối phương bắt ở Đà Lạt, dù phải chịu đòn roi tra tấn dã man, Ngọc Diệp vẫn không bị khuất phục. Lúc đó, hình ảnh Bác Hồ, cha mẹ, ông Đào Tuấn Kiệt, ông Trần Văn Phước, con gái Đào Kim Chi, con trai Trần Tấn Phúc cứ hiển hiện trong tâm trí, thôi thúc bà kiên định niềm tin vào cách mạng. 

Mãi đến năm 2006, có nguồn tin rằng chính ông Đào Tuấn Kiệt đã tổ chức người bắt cóc con trai mình vì sợ một ngày nào đó, Phúc cũng sẽ đi theo mẹ thoát ly kháng chiến, rồi sẽ bị bắt, nguy hiểm đến tính mạng. Ông Kiệt đã cho người giấu Phúc ở một trại trẻ mồ côi tại Long Xuyên. Khi con trai 10 tuổi, ông gửi cậu sang học ở Pháp. Tấn Phúc thi đỗ vào trường đại học y khoa nhưng sau khi tốt nghiệp lại bỏ vào chùa tu hành. Hiện Tấn Phúc đã trở thành một nhà sư, trụ trì tại chùa Hoa Nghiêm ở Marseille (Pháp), thường được gọi là “Thầy Cả Minh Đăng”. Cũng trong năm 2006, sau chuyến thăm vùng quê Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, trở về Đức Trọng, bà Đặng Hoàng Ánh nhận được tin rằng, trước đó có một đoàn tăng ni từ nước ngoài về đã đến nhà bà, trưởng đoàn là một hòa thượng hơn 40 tuổi mang theo di ảnh của ông Đào Tuấn Kiệt. Sau đó, bà đã có vài lần gọi điện gặp “Thầy Cả Minh Đăng” nhưng chỉ nói được vài câu thì lại bật khóc.  

Bà Đặng Hoàng Ánh, con trai Đặng Anh Quân cùng 2 cháu nội
tại H. Đức Trọng, Lâm Đồng, tháng 4-2008.

Từ khi cuốn sổ tay “Ký sự cuộc đời” của bà Đặng Hoàng Ánh được nhà thơ Đặng Vương Hưng biên soạn lại thành cuốn tiểu thuyết tư liệu “Quận chúa biệt động” (NXB CAND), cuộc sống của bà lại nhen nhóm lên niềm vui vì nhận được sự chia sẻ, cảm thông của nhiều người. Bà vừa được mời ra thủ đô để tham gia quay phim trong chương trình của  Truyền hình vì an ninh Tổ quốc. Tháng 2-2008, bà Đặng Hoàng Ánh là đại biểu duy nhất của tỉnh Lâm Đồng tham dự cuộc gặp mặt tôn vinh các nhân chứng lịch sử 40 năm Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân - Xuân 1968 tại Hà Nội. Gặp lại một số đồng đội, bà mừng mừng tủi tủi, nước mắt cứ chảy dài.

Có 3 người con nhưng bà Đặng Hoàng Ánh buồn phiền, cho rằng mình là một người mẹ cô đơn. Bà đang sống cùng con trai Jacquet mà C16 Trần Văn Phước gửi gắm nuôi dưỡng vào năm 1973 vì cha mẹ của cậu bé đã hy sinh. Và đêm đêm tiếng cầu kinh sám hối vẫn cứ vang vọng từ ngôi nhà nhỏ, như nỗi lòng bà day dứt, giằng xé.  

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), vì nhiều lý do, bà phải trải qua những năm tháng khổ cực vì không có lương, không có tiền trợ cấp. Khi bà bị đưa đi cải tạo ở trại Ba Reng, H. Mộc Hóa, tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Campuchia, Kim Chi và Anh Quân đã phải lang thang đầu đường xó chợ xin ăn để kiếm sống qua ngày. Nhớ lại quãng thời gian này, bà chỉ buồn và bảo đó là số phận. Và không hiểu từ lúc nào bà đã trở nên tin vào số phận, tin vào trò đùa của tạo hóa.

Nhiều người hỏi rằng vì sao đến bây giờ bà lại muốn công bố cuốn “Ký sự cuộc đời” của mình, thậm chí nhiều người không tin vào câu chuyện về một con người có số phận thăng trầm và kỳ lạ đến thế, bà Đặng Hoàng Ánh nói trong nước mắt: “Tôi đã đi gần cuối cuộc đời rồi. Tôi có mong gì cho riêng mình nữa đâu. Tuổi thơ tôi vô tội, Tây sát hại cha mẹ và gia đình của tôi. Họ tộc chỉ thương hại và làm tôi tuyệt vọng. Tôi đi theo cách mạng dù chịu nhiều hy sinh, gian khổ. Nhiều đêm tôi khóc và thường tự hỏi tại sao cuộc đời và lòng người lại trớ trêu như thế đối với tôi!”. Khi ở cái tuổi “gần đất xa trời”, bà hiện vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo cho Anh Quân và 2 cháu nội. Bà sợ khi mình vĩnh viễn ra đi, cuộc sống của cha con Quân rồi sẽ như thế nào. Bà đưa tay lau nước mắt. Đôi bàn tay ấy chai sạn, chi chít những vết sẹo do đã từng bị các vết dao lê rạch nát kẽ tay.

Bà Đặng Hoàng Ánh đã tự nói về thân thế của mình cùng những chiến công oanh liệt, với mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu rằng, có một thế hệ đi trước đã sống, chiến đấu và hy sinh vì đất nước như thế nào.

Tú Phương

* Kỳ cuối: Tôi không cầu "danh tiếng" - Quận chúa Ngọc Diệp (7)