Quận Thanh Khê phát triển theo hướng đô thị hiện đại

Thứ năm, 20/10/2016 08:35

(Cadn.com.vn) - Ngày 19-10, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TU về “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển Q.Thanh Khê trong những năm đến”.

Các đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP đồng chủ trì hội nghị. Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành của TP.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Tạo dấu ấn phát triển

Báo cáo của Bí thư Quận ủy Thanh Khê Lê Minh Trung nêu rõ, trong quá trình 10 năm thực hiện Kết luận số 04-KL/TU, Q.Thanh Khê đã tạo được nhiều chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của TP. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng đều trong 10 năm qua. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể, đúng với tinh thần Kết luận 04-KL/TU, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ, dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, giảm dần tỷ trọng công  nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thủy sản. Nếu như năm 2006 ngành dịch vụ chỉ chiếm 47,8% thì đến năm 2015, dịch vụ chiếm 60,54%. Đến tháng 6-2016, toàn quận có 3.580 doanh nghiệp, tăng 3,3 lần so với trước đó 10 năm. Riêng công tác thu ngân sách, bằng nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, sáng tạo, tổng thu hàng năm đều vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cân đối được thu chi, tích lũy cho đầu tư phát triển và đóng góp ngân sách TP. Năm 2016, ước tổng thu ngân sách của quận đạt 426 tỷ đồng (vượt 10% Nghị quyết). Nhiều lĩnh vực khác như công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, GD-ĐT, công tác QP-AN, giữ gìn TTATXH, xây dựng Đảng, củng cố chính quyền các cấp... đã có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Q.Thanh Khê cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục và đưa ra 20 đề xuất, kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách; công tác quản lý đô thị, xây dựng cơ bản, giải tỏa đền bù; các nội dung trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, vệ sinh môi trường. Q.Thanh Khê cũng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị với T.Ư sớm giải tỏa, di dời Ga Đà Nẵng ra khỏi khu vực trung tâm TP; đồng thời sau khi di dời Ga, đề nghị TP quan tâm giữ lại một quỹ đất nhất định để xây dựng các trục và các khu thương mại-dịch vụ, tạo động lực phát triển ngành thương mại-dịch vụ khu vực trung tâm TP nói chung và Q.Thanh Khê nói riêng.

Phát huy lợi thế về thương mại-dịch vụ

Tại buổi làm việc, các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xác đáng trên cơ sở phân tích những lợi thế, tiềm năng sẵn có của Q.Thanh Khê để địa phương có định hướng phát triển mạnh mẽ hơn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhiều ý kiến đều đồng ý Thanh Khê nên tập trung chuyển dịch theo hướng chọn thương mại-dịch vụ là mũi nhọn để có định hướng phát triển bền vững và lâu dài; trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các khu chuyên doanh, tập trung vào những ngành có chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đề nghị, Thành ủy cần có Nghị quyết về phát triển KT-XH Q.Thanh Khê trong tầm nhìn dài hạn. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Lương Nguyệt Thu cho rằng để xây dựng Thanh Khê thành đô thị hiện đại, cần phải phát huy thế mạnh về thương mại, dịch vụ, đồng thời giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm môi trường trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành để tạo ra sự liên kết phát triển với các địa phương lân cận. Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung; Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc CATP; Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Trần Thanh Vân đều có ý kiến đối với các lĩnh vực đảm bảo QP-AN, tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo tình hình ANCT và TTATXH trên địa bàn để phục vụ cho mục tiêu phát triển.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng đã gợi mở ra nhiều giải pháp mang tính sáng tạo để các ngành cùng với Q.Thanh Khê nghiên cứu, triển khai trong định hướng phát triển chung. Đó là, dứt khoát di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ ra khỏi khu dân cư và đưa ra lộ trình di dời một số nhà máy lớn khác để lấy quỹ đất chỉnh trang đô thị; mạnh mẽ xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp vào các khu phố chuyên doanh theo hướng văn minh thương mại; “làm sống lại tài nguyên du lịch” để phát triển tuyến đường Nguyễn Tất Thành; tạo đột phá trong quản lý, quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông, mở rộng kiệt, hẻm...

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh thống nhất cao với 20 đề xuất, kiến nghị của Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê. Đồng chí đề nghị Thanh Khê cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phải chọn hướng đột phá để tạo ra sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư bằng cách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp vào lĩnh vực này; không để tái diễn xây dựng nhà trái phép ở một số khu vực trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý đô thị, tôn tạo cảnh quan môi trường, đặc biệt là đối với hồ điều tiết. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho biết, Thanh Khê sắp có một số dự án lớn, sau di dời sẽ sử dụng quỹ đất để phát triển thương mại, dịch vụ, hạ tầng giao thông và sớm giao Công viên 29-3 cho quận quản lý. Đồng chí cũng lưu ý, ngoài việc triển khai có hiệu quả chương trình “5 không”, “3 có”, Thanh Khê cần tập trung thực hiện tốt “4 an” một cách mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm cao hơn, hiệu quả hơn.

Phương Kiếm