Quay cuồng trong vòng xoáy “tín dụng đen”( Bài cuối: Sống trong sợ hãi!)

Thứ năm, 09/04/2020 11:03

Trót lỡ sa vào vòng xoáy “tín dụng đen”, từ người vay ít đến người vay nhiều hầu như luôn đối mặt với cảnh sống sợ hãi. Vô số người không có bữa ăn ngon, giấc ngủ yên vì những chiêu “khủng bố” đòi nợ, thậm chí bị “xã hội đen” săn đuổi dằn mặt.

Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi bị CAQ Liên Chiểu bắt giữ.

Bà B., một nạn nhân của vấn nạn “vay nóng” kể: Đầu năm 2017, bà “vay nóng” của ông Tr. 600 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng (mỗi tháng trả lãi 90 triệu đồng). Đến nay, không những chưa trả được gốc mà tiền lãi bà phải trả trên 3 tỷ đồng. Ngoài vay của ông Tr., bà B. còn vay một vài nơi khác từ 50- 100 triệu đồng với lãi suất tương tự. Cuối năm 2019, bà B. phải bán hết 2 căn nhà để trả nợ nhưng chỉ trả được 50% khoản nợ và lãi. Đầu năm 2020, do đã tay trắng, bà B. phải lẩn trốn khắp nơi, còn các chủ nợ thì ráo riết truy tìm bằng mọi cách.

Hay từ hình thức vay qua ứng dụng (vay qua App), đã có vô số những trường hợp đường cùng phải tìm đến cách “cao chạy xa bay” lánh nạn, thậm chí dùng đến cái chết để thoát nợ. Như chị Phạm Thị M. (24 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang) là một điển hình đã được rất nhiều cơ quan thông tin đại chúng đưa tin. Từ vay vài triệu đồng, người phụ nữ này sau đó đã phải trả số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Ban đầu, chị M. vay 8 triệu đồng từ 4 App khác nhau, nhưng đến hẹn không có tiền thanh toán, chị đã được giới thiệu vay các App khác để trả nợ. App chồng App, tiền lãi chồng lãi, sau 2 tháng chị M. đã phải vay 64 App khác nhau với số tiền 200 triệu đồng để vừa trả gốc lẫn lãi. Không chịu nổi những khoản nợ từ trên trời rơi xuống, chị M. đã uống thuốc trừ sâu tự tử, nhưng may mắn được người nhà phát hiện, kịp thời cứu chữa.

Còn địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay có cả ngàn đầu mối cho vay tiền lãi suất cao, trong đó đáng báo động là tình trạng cho vay nặng lãi đã len lỏi khắp vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng tỉnh Gia Lai, theo thống kê của các ngành chức năng, hiện có hơn 650 đầu mối cho vay tiền lãi suất cao, với gần 110 đối tượng, trong đó hơn 9.000 người dân là nạn nhân của các đối tượng này. Quá trình điều tra xác định, ngoài việc cho vay lãi suất cao, ép giá nông sản, các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân lừa cho vay tiền để chiếm đoạt đất.

Một đối tượng, tang vật trong vụ án cho vay nặng lãi bị CAQ Hải Châu bắt giữ

Với dân “xã hội đen”, chúng bất chấp mọi thủ đoạn, từ khủng bố tinh thần đến hành hung, chém giết, chỉ cần chủ nợ chi đẹp là chúng xuống tay làm tới. Trong năm 2018 và 2019, tại địa bàn Đà Nẵng xảy ra hàng chục vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, chủ yếu là các hành vi tạt sơn, ném chất bẩn, gây rối TTCC, xịt hơi cay, cố ý gây thương tích. Lực lượng CATP Đà Nẵng đã rà soát khoảng gần 350 đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi và có ít nhất 13 doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi.

Theo Luật sư Đỗ Pháp - Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, thực trạng “vay nóng” ở Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung nhiều năm qua đang khá phổ biến và ngày càng biến tướng dưới nhiều góc độ phức tạp. Trong khi đó, sự biến tướng trong vay nóng hiện nay các cơ quan luật pháp khó phân định được hành vi đó thuộc vấn đề dân sự hay hình sự nên còn lúng túng trong cách xử lý, giải quyết.

Thực tế nhiều năm qua, CATP Đà Nẵng đã triệt phá hàng chục băng, nhóm với hàng trăm đối tượng côn đồ hung hãn, trong số đó nhiều băng nhóm từng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT địa phương. Điển hình như vụ phá băng “tín dụng đen” bủa vây hàng trăm phụ nữ nghèo tại Q. Liên Chiểu, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng: Nguyễn Trung Đức và Nguyễn Trung Công (1988, cùng quê Hải Phòng) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Theo Thượng tá Nguyễn Phước Tốt- Phó trưởng CAQ Liên Chiểu: Từ tháng 6-2018 đến khi bị bắt (tháng 4-2019), Đức và Công cùng với 4 “đệ tử” từ Hải Phòng vào Đà Nẵng bắt đầu tổ chức hoạt động “tín dụng đen”, chủ yếu “săn” những phụ nữ nghèo cần vốn kinh doanh buôn bán nhỏ để cho vay lấy lãi cao, mỗi người chúng cho vay từ 5-10 triệu đồng, lãi suất từ 15-25%/tháng. Trong số người vay, có rất nhiều người khó khăn, trễ ngày góp, lập tức chúng dùng chiêu đe dọa, “khủng bố” khiến người vay bằng mọi cách phải góp tiền đều. Hiện tại qua điều tra, cơ quan CA xác định nhóm này đã cho tổng cộng gần 300 người nghèo vay vốn (thấp nhất là 3 triệu đồng, nhiều nhất là 150 triệu đồng).

Trước tình hình hoạt động cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp, cuối tháng 8-2019, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc CATP đã có văn bản về việc vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Bên cạnh vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Giám đốc CATP cũng yêu cầu lực lượng CA các cấp vào cuộc quyết liệt đấu tranh với các băng nhóm, hành vi liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Phóng sự: CÔNG HẠNH