"Quý bà Al-Qaeda" và IS

Thứ hai, 08/09/2014 08:13

(Cadn.com.vn) - Aafia Siddiqui, tiến sĩ thần kinh học người Pakistan, hiện đang bị giam giữ tại một nhà tù ở Mỹ gần đây trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc chiến giữa IS với Mỹ. Bởi lẽ, Aafia Siddiqui - được gọi là "Quý bà Al-Qaeda" chính là cái tên trong cuộc mặc cả của IS để đổi lấy nhà báo bị tàn sát dã man James Foley. Thực hư vụ việc này như thế nào?

Một bồi thẩm đoàn ở New York hồi năm 2010 kết án Aafia Siddiqui 7 tội danh, trong đó có tội âm mưu giết người và tấn công vũ trang vào các sĩ quan Mỹ. Aafia nhận mức án 86 năm tù và đang thụ án tại một nhà tù ở Texas.

Có liên kết với khủng bố?

Vào thời điểm vụ nổ súng năm 2008, Aafia bị bắt giữ bên ngoài khu nhà của thống đốc Ghazni ở Afghanistan.

Theo hồ sơ tòa án, Aafia được cho là có hành động đáng ngờ và bị phát hiện mang "rất nhiều tài liệu mô tả việc tạo ra các chất nổ, vũ khí hóa học và các vũ khí khác liên quan đến vật liệu sinh học và các chất phóng xạ".

Ngoài ra còn có các loại giấy tờ giới thiệu những địa danh khác nhau ở Mỹ và các tài sản quân sự, và một số hóa chất trong chai lọ thủy tinh. Aafia chưa bao giờ bị buộc tội liên quan đến khủng bố, mặc dù nhà chức trách Mỹ theo dõi rất lâu trước khi bắt nữ tiến sĩ này. Năm 2004, Aafia có tên trong danh sách cảnh báo của FBI như một thành viên của Al-Qaeda.

Gia đình Aafia khẳng định cô không liên hệ với khủng bố. "Không có liên kết nào với Al-Qaeda, Taliban hay bất cứ tổ chức khủng bố nào. Chị tôi thậm chí còn không bị buộc tội khủng bố", Fowzia Siddiqui, em gái của "Quý bà Al-Qaeda" khẳng định. Tuy nhiên, cái tên Aafia gần đây xuất hiện trong các tài liệu của IS ở Syria.

Trong thư gửi gia đình nhà báo Mỹ James Foley, trước khi công bố đoạn băng hành quyết, IS cho biết, Nhà Trắng có "nhiều cơ hội" để thương lượng cho việc thả Foley để đổi lấy Aafia.  Fowzia cho biết, tên chị gái mình bị những kẻ khủng bố sử dụng để thực hiện các âm mưu. "Bất kỳ kẻ bắt cóc nào, IS hay các lữ đoàn phiến quân khác, đều muốn liên quan đến cái tên Aafia", Fowzia nói. Fowzia cho biết, các biệt danh như "Quý bà Al-Qaeda", "Quý bà của Bagram"... được các phương tiện truyền thông sử dụng là một sự xúc phạm.

Deborah Scroggins, tác giả của "Những phụ nữ bị truy nã gắt gao nhất thế giới", cho rằng, "cô ấy là một biểu tượng, cô ấy là nhân vật quảng cáo cho cuộc thánh chiến... cô ấy là biểu tượng hàng đầu của phụ nữ Hồi giáo bị bắt".

Kêu gọi trả tự do cho Aafia Siddiqui. Ảnh: Getty Images

Kêu gọi trả tự do

Fowzia, nhà thần kinh học lâm sàng được đào tạo tại Trường Y Harvard, cho biết, gia đình cô phải chịu đựng rất nhiều khó khăn kể từ khi Aafia biến mất cùng với 3 đứa con nhỏ vào tháng 3-2003. Theo Fowzia, Aafia vừa hoàn thành luận án khoa học thần kinh nhận thức, và rời khỏi gia đình đến Islamabad, nhưng cô đột nhiên biến mất.

5 năm với nhiều tin đồn kết thúc vào năm 2008 khi Aafia bị bắt tại Mỹ, bị cáo buộc nhiều tội danh và bị giam giữ. Các công tố viên cho biết, Aafia bắn 2 nhân viên đặc biệt của FBI, một sĩ quan quân đội Mỹ, và một phiên dịch quân sự trong khi cô đang bị giam giữ tại nhà tù ở Afghanistan vào ngày 18-7-2008.

Gia đình Aafia cho biết, đây hoàn toàn là cáo buộc sai sự thật và cho biết, Aafia chỉ là nạn nhân của "cuộc chiến chống khủng bố", nhằm tạo ra một bầu không khí sợ hãi và thành kiến chống lại người Hồi giáo. Gia đình Aafia tuyên bố cô chưa từng kết hôn với cháu trai của kẻ chủ mưu vụ 11-9 Khalid Sheikh Muhammad, như đã được thông báo rộng rãi.

Một kiến nghị trực tuyến đến Nhà Trắng yêu cầu trả tự do cho Aafia nhận được hơn 100.000 chữ ký trong vài tuần qua, và gia đình cô hiện đang tìm cách kháng cáo.

An Bình
(Theo CNN)