PHIÊN HỌP THỨ 37, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Quy định số lượng cấp phó căn cứ vào tình hình thực tế?

Thứ sáu, 10/04/2015 10:07

* Thành lập TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và TP Tam Điệp (Ninh Bình)

(Cadn.com.vn) - Sáng 9-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 37, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Nhóm quy định về số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ nhận được nhiều ý kiến góp ý tại buổi thảo luận.

Theo đề xuất trong dự thảo Luật, số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5; số lượng cấp phó của Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần thảo luận và cân nhắc về quy định này. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, cần cân nhắc trên tình hình thực tế. Chẳng hạn với Bộ NN&PTNT là bộ rất lớn, nếu để khung quá hẹp như vậy, không biết có đủ để phân công cán bộ điều hành không? Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng nhận định, riêng quy định về số lượng cấp phó, có những bộ nhập từ nhiều bộ, nếu khống chế chỉ có 5 Thứ trưởng thì chưa phù hợp. Ông Ksor Phước đề nghị cân nhắc thêm, với những trường hợp cấp phó vượt quá 5 người thì Quốc hội có thể cân nhắc, linh động, không nên chỉ dừng lại ở số lượng 5 cấp phó. Ngoài ra, có những Tổng cục lớn tương đương với một bộ cũng nên cân nhắc số lượng cấp phó cho phù hợp.

Phát biểu ý kiến về vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị số lượng cấp phó phải quy định vào luật theo hướng, ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ không quá 5 cấp phó, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định không quá 6. Đối với cấp Tổng cục nên quy định cấp phó không quá 4, cấp Cục không quá 3, cấp Vụ không quá 2.

Chiều cùng ngày, với sự thống nhất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính H. Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 6 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; thành lập phường Yên Bình thuộc thị xã Tam Điệp và thành phố Tam Điệp thuộc tỉnh Ninh Bình.

Cũng trong phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thu Thủy – TTXVN