Quyền công dân!
Ngày 30-7, theo một danh sách công dân dự thảo, khoảng 4 triệu dân ở bang đông bắc Assam có thể sẽ sớm bị chính quyền Ấn Độ tước đi quyền công dân. Đây là những người được cho là đã đến Assam sau ngày 24-3-1971, thời điểm đất nước Bangladesh được thành lập và không có giấy tờ hợp lệ.
Chính quyền New Delhi cho biết, chiến dịch này được đặt ra là nhằm kiểm soát và trấn áp những người di cư Bangladesh bất hợp pháp. Phát biểu trong một cuộc họp báo, một quan chức quản lý dân số của Ấn Độ cho biết: “Đây là một ngày lịch sử với Assam và Ấn Độ nói chung. Chúng tôi đã đạt được một dấu mốc quan trọng trong việc công bố dự thảo hoàn tất đầu tiên mang tên Đăng ký Công dân Quốc gia (NRC)”.
Tuy nhiên, danh sách công dân dự thảo gây tranh cãi này làm dấy lên những quan ngại về việc trục xuất phần lớn cộng đồng Hồi giáo nói tiếng Bengal, cũng như làm bùng nổ nỗi sợ hãi về “một cuộc săn lùng phù thủy” chống lại các dân tộc thiểu số ở Assam. Lo sợ bạo lực, các quan chức nước này trấn an người dân rằng, không ai phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức. Và thực tế là, những người bị loại khỏi danh sách sẽ có “nhiều cơ hội” để kiến nghị đưa tên mình vào danh sách cuối cùng.
Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn đó, khi đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nhấn mạnh rằng, những người nhập cư Hồi giáo bất hợp pháp sẽ bị trục xuất. Theo Thỏa thuận Assam, một thỏa thuận Thủ tướng Rajiv Gandhi ký kết vào năm 1985, tất cả những người không thể chứng minh rằng họ đã đến bang đông bắc trước ngày 24-3-1971, sẽ bị xóa khỏi danh sách cử tri, và bị trục xuất. Và nếu 4 triệu người bị New Delhi trục xuất, họ chắc chắn sẽ cần một nơi để đến và Bangladesh chắc chắn sẽ được yêu cầu nhận lại công dân của mình. Nhưng cũng có một điều chắc chắn khác là nước láng giềng Bangladesh sẽ không tham gia một quá trình như vậy, theo yêu cầu của Ấn Độ, nhất là trong bối cảnh họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người Rohingya đến từ Myanmar.
Bởi trên thực tế, nhiều người dân ở Assam cũng khó có thể chứng minh được đã đến đây trước ngày 24-3-1971 khi họ hầu như không có đủ giấy tờ và nếu có, cũng thường không chính xác. Xem ra, những gì đã xảy ra với người Rohingya ở Myanmar, có thể chuẩn bị lặp lại với những người dân tộc thiểu số ở Ấn Độ.
THANH VĂN