Quyền lực và hiểm nguy

Thứ năm, 20/12/2018 10:51

Theo con số công bố mới nhất vào ngày 19-12, số nhà báo bị giết vì mục đích trả thù trên toàn thế giới đã cao gần gấp đôi so với năm 2017.

Báo cáo hàng năm của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, tổ chức có trụ sở tại New York, Mỹ,  34 nhà báo đã bị giết vì những tư thù trong khi có tổng cộng 53 nhà báo đã thiệt mạng trong năm qua. So sánh với 18 vụ giết hại để trả thù trong số 47 trường hợp thiệt mạng được ủy ban ghi nhận vào năm 2017, con số này cao gấp đôi.

Điển hình trong số những nhà báo bị giết hại vì mục đích trả thù là cái tên Jamal Khashoggi, hợp tác với tờ Washington Post của Mỹ, một người gốc Saudi Arabia, vốn luôn chỉ trích hoàng gia nước này. Vụ sát hại kinh hoàng xảy ra vào ngày 2-10, ngay bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, đã dẫn đến những chấn động chính trị toàn cầu xung quanh những cáo buộc rằng, Thái tử quyền lực của Saudi Mohammed bin Salman đứng đằng sau. Ông Jamal, sống lưu vong ở Mỹ, và đã đến lãnh sự quán Saudi Arabia để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng thay vào đó lại bị giết hại một cách dã man - được cho là do các đặc vụ của Saudi Arabia thực hiện.

Ngoài các vụ bị giết để trả thù, còn lại hầu hết các nhà báo thiệt mạng khi đưa tin về các cuộc chiến tranh, xung đột bùng phát. Có những nhà báo thiệt mạng khi thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm khác. Theo báo cáo, quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo năm nay là Afghanistan, nơi 13 nhà báo đã thiệt mạng, đa số là do những vụ đánh bom tự sát mà nhóm cực đoan IS tuyên bố đứng sau. Và lần đầu tiên, Mỹ lọt vào top 5 quốc gia nguy hiểm nhất cho các nhà báo, với 6 người chết, trong đó có 4 người thiệt mạng trong một vụ nổ súng nhằm vào văn phòng của tờ báo Capital Gazette vào ngày 28-6. Đây là vụ tấn công đơn lẻ nguy hiểm nhất nhằm vào giới truyền thông trong lịch sử hiện đại Mỹ.

Trong một thế giới phẳng như hiện nay, trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin, báo chí tất nhiên có vai trò vô cùng quan trọng. Không vì thế mà, bên cạnh bộ ba quyền lực được công nhận chính thức gồm lập pháp, hành pháp và tư pháp, báo chí đã được mang danh ngầm là “quyền lực thứ 4”. Tuy nhiên, những con số trên đây đã luôn cho thấy rõ, nghề báo vẫn luôn là công việc nguy hiểm nhất thế giới.

THANH VĂN